Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 335 triệu đồng, trong khoảng năm 2020-2022.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chấn chỉnh kịp thời tình trạng nói trên, tháng 6 Bộ VHTTDL có công văn số 2715/BVHTTDL-TTr chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý bản ghi âm, ghi hình trên không gian mạng.
Bộ VHTTDL đang phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quy trình thí điểm phối hợp, phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, dự kiến ban hành trong tháng 9.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh với mỗi hành vi đưa clip phản cảm lên mạng xã hội sẽ có những biện pháp và hình thức xử lý phù hợp. Những hình thức xử lý được quy định tại khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Bộ VHTTDL nêu rõ sẽ có trách nhiệm xử lý nghiêm các nghệ sĩ, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn hóa và quảng cáo trên không gian mạng xã hội.
Văn bản cũng nêu rõ Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm xử lý các nghệ sĩ, cá nhân thuộc Bộ VHTTDL quản lý và các nội dung clip liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn hóa và quảng cáo trên không gian mạng xã hội theo các quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Liên quan đến nội dung siết chặt quảng cáo trên mạng xã hội của cử tri TP.HCM, Bộ VHTTDL nhấn mạnh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng, chẳng hạn như tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo, trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. |