Bùng nổ sinh đôi ở Hàn Quốc và xu hướng tất yếu trên thế giới

Ngày nay, các ca sinh đôi, sinh 3, thậm chí là sinh 4 không còn là hiếm gặp trên thế giới.

Hàn Quốc là một trong số những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng số trẻ sơ sinh ở nước này vào năm 2000 là 630.000 nhưng đã giảm hơn một nửa xuống còn 300.000 vào năm 2019.

Tuy nhiên, số trẻ sinh đôi đã tăng 30%, từ 10.700 lên 14.000 trẻ, trong giai đoạn này. Tỷ lệ sinh đôi cũng tăng gấp ba lần từ 0,5% năm 1980 lên 1,54% năm 2020.

Bùng nổ sinh đôi ở Hàn Quốc và xu hướng tất yếu trên thế giới - Ảnh 1.

Hàn Quốc đang bùng nổ các ca sinh đôi.

Bùng nổ sinh đôi ở xứ Kim chi

Theo văn phòng thống kê nhà nước và các chuyên gia, sự bùng nổ các cặp song sinh ở Hàn Quốc là kết quả trì hoãn của việc làm cha mẹ cũng như tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản. Trung bình, các bà mẹ sinh đôi ở độ tuổi 34,8, trong khi các bà mẹ sinh con một trẻ hơn 1,5 tuổi.

Theo Hur Yoon-mi, giáo sư tại đại học Kookmin, người đứng đầu Viện nghiên cứu sinh đôi Kookmin (Hàn Quốc), ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, họ đã trì hoãn việc làm mẹ để phấn đấu cho sự nghiệp. Họ dựa vào sự tiên tiến của y học để hỗ trợ việc sinh sản.

Lim Eun-young, một công chức 34 tuổi, là một trong số những phụ nữ sử dụng dịch vụ đông lạnh trứng khi chưa kết hôn vào năm ngoái. Lim nói rằng cô chưa sẵn sàng kết hôn do chi phí quá cao và chỉ mới quen bạn trai chưa lâu. Khi giá nhà ở và trường học cao ngất ngưởng, ngày càng có nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc tạm hoãn việc có con hoặc không sinh con.

Theo một nghiên cứu của giáo sư Hur công bố năm ngoái trên tạp chí Twin Research and Human Genetics, tỷ lệ sinh đôi ở Hàn Quốc không chỉ vượt mức trung bình toàn cầu mà còn xếp hàng cao nhất, gấp đôi mức trung bình.

Đây là thay đổi bất ngờ ở “xứ sở kim chi” vì trước kia nước này hiếm khi xuất hiện các cặp song sinh. Giáo sư Ahn và Hur cho rằng điều này có vai trò tích cực trong việc giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chuyên gia tin rằng sinh đôi, sinh ba có thể mang lại sự độc đáo và có giá trị cho xã hội.

"Đó là lý do tại sao cần nhiều chính sách giáo dục và y tế hơn cho các cặp song sinh. Ví dụ nên xây dựng quỹ chăm sóc trẻ em và xếp lớp học cho trẻ song sinh từ sớm, để chúng phát triển độc lập về cảm xúc và tự chủ khi còn nhỏ", ông nói.

Xu hướng phát triển tất yếu

Không chỉ ở Hàn Quốc mà việc sinh đôi, sinh ba đang là xu hướng trên toàn cầu. Tờ Guardian đưa tin, theo một cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên về các ca sinh đôi trên thế giới, số lượng ca sinh như thế này hiện nay phổ biến hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và phân tích dữ liệu từ hơn 100 quốc gia khác nhau. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta chỉ có 9,1 ca sinh đôi trên tổng số 1.000 ca sinh. Còn giờ đây, cứ 42 trẻ được sinh ra thì có một cặp là sinh đôi, tương đương với 1,6 triệu trẻ em mỗi năm. Theo nghiên cứu, tỷ lệ sinh đôi trên toàn cầu đã tăng trung bình một phần ba trong vòng 40 năm qua.

Christiaan Monden, giáo sư xã hội học và nhân khẩu học tại Đại học Oxford cho biết: "Xu hướng này thực sự khá nổi bật. Trong vòng 40 đến 50 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về tỷ lệ sinh đôi ở các nước phát triển".

Có một điểm đáng lưu ý là hầu hết các ca sinh đôi được chào đời do kết quả của các phương pháp hỗ trợ sinh sản ví dụ như thụ tinh trong ống nghiệm.

Raj Mathur, chủ tịch của Hiệp hội Sinh sản Anh chia sẻ trên truyền thông: "Chúng tôi không ngạc nhiên khi tỷ lệ sinh đôi tăng lên vì phụ nữ giờ đây làm mẹ muộn hơn và đã có sẵn các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Các nước đang phát triển là những nơi đạt đến đỉnh cao về tỷ lệ sinh đôi".

Mức tăng các ca sinh đôi mạnh nhất ở Bắc Mỹ (71%), châu Âu (60%) và châu Á (32%).

Bùng nổ sinh đôi ở Hàn Quốc và xu hướng tất yếu trên thế giới - Ảnh 2.

Tỷ lệ sinh đôi trên 1000 ca sinh ở các quốc gia trên thế giới từ năm 2010 - 2015.

Chứa đựng một số thách thức

Với những ca sinh thường đã xảy ra một số rủi to thì những ca sinh đôi và nhiều hơn thế nữa, mức độ nguy hiểm lại càng cao hơn.

"Đa số các trường hợp sinh đôi đều hoàn toàn ổn, nhưng chắc chắn việc mang song thai đem lại nhiều rủi ro hơn cho mẹ và bé. Vì vậy, chúng ta cần cân nhắc thật kỹ lưỡng làm thế nào để tốt nhất cho cả mẹ và con", Raj Mathur cho hay.

Sự thật là ở các nước kém phát triển hay các nước đang phát triển nhưng có nền y học còn lạc hậu, việc có thêm một đứa trẻ đồng nghĩa với việc rủi ro cho cả người mẹ và cặp song sinh sẽ tăng lên.

"Sinh đôi có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó cũng khiến bà mẹ và thai nhi có thể phải gặp nhiều biến chứng hơn trong thai kỳ và cả khi sau khi sinh", giáo sư Monden cho biết.

Bùng nổ sinh đôi ở Hàn Quốc và xu hướng tất yếu trên thế giới - Ảnh 3.

Việc mang thai đôi chứa đựng nhiều rủi ro.

Các biến chứng thường thấy ở bà mẹ mang thai đôi bao gồm: Tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non. Thai nhi cũng sẽ tăng khả năng bị nhẹ cân, hư thai, hội chứng biến mất thai đôi… Các tình trạng nguy hiểm khác thậm chí có thể xảy ra sau vài tháng thai nhi chào đời.

Jeroen Smits, giám đốc Phòng thí nghiệm Dữ liệu Toàn cầu và là giáo sư Phát triển Kinh tế và Con người tại Đại học Radboud cho biết: "Ở vùng cận Sahara, châu Phi, nhiều cặp song sinh sẽ mất người anh em của mình trong năm đầu đời. Một số thì cả hai đều không sống được. Theo nghiên cứu của chúng tôi, mỗi năm có khoảng 300.000 ca như vậy".

Nguồn: Guardian, NST