Hài lòng khi sống tiết kiệm
Những năm trước, mạng xã hội là nơi để nhiều người trẻ chia sẻ về thành tích tài chính của mình bằng cách đăng tải những món đồ xa xỉ mà họ đã mua. Đến năm 2023, xu hướng tiêu dùng mới mang tên "quiet luxury" (xa xỉ thầm lặng) xuất hiện, định nghĩa lại cách thể hiện sự giàu có. Giới thượng lưu dần quay lưng với các sản phẩm gắn đầy logo hào nhoáng, thay vào đó, họ ưu tiên những món đồ trông có vẻ giản dị nhưng lại mang chất lượng vượt trội, có giá trị lâu bền, được chế tác công phu hoặc là các sản phẩm độc bản.
Tuy nhiên, năm 2024 lại chứng kiến sự trỗi dậy của một trào lưu mới trong Gen Z: "loud budgeting" (tiết kiệm ồn ào). Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, giá cả leo thang, Gen Z đã quyết định thẳng thắn đối diện với khả năng tài chính và không tiếc nói lời "tạm biệt" với những khoản chi tiêu xa xỉ. Từ việc hạn chế các buổi tụ tập bạn bè, chuyển sang mua đồ cũ đến việc lên kế hoạch chi tiêu thông minh hơn, những người trẻ chứng minh rằng tiết kiệm không chỉ là cần thiết mà còn là một phong cách sống sành điệu.
Là một trong những người tiên phong trong trào lưu "tiết kiệm ồn ào", Nguyễn Trí Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) quyết tâm xây dựng lối sống mới, dù điều đó phải "trả giá" bởi sự cô đơn. "Mình sẵn sàng đánh đổi sự cô đơn để đạt được mục tiêu tài chính của mình. Gần đây, mình không còn nhận lời mời liên hoan, ăn uống đến từ bạn bè nữa. Nếu bạn bè không thể thấu hiểu quyết định này, có lẽ chúng ta đã không còn chung một tần số", Quang thẳng thắn chia sẻ.
Để hiện thực hóa lối sống "tiết kiệm ồn ào", Quang quyết định bán chiếc laptop của mình để đổi lấy một chiếc máy hút ẩm. Theo Quang, máy hút ẩm không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn tiết kiệm điện năng hơn. Không dừng lại ở đó, để giảm thiểu chi phí sinh hoạt, chàng trai này còn chủ động hạn chế sử dụng điện nước tại nhà bằng cách tăng cường thời gian làm việc tại cơ quan, thậm chí còn tận dụng cơ sở vật chất ở đây để tắm rửa và vệ sinh cá nhân sau giờ làm.
Phạm Thanh Hằng (22 tuổi, Điện Biên) là một trong những người trẻ đang tích cực hưởng ứng xu hướng "tiết kiệm ồn ào". Từ đầu năm 2024, Hằng bắt đầu nói không với các khoản chi tiêu không cần thiết để dành thời gian, tiền bạc và tâm sức cho các khoản chi tiêu thực sự xứng đáng. Thay vì mua sắm bốc đồng, cô nàng lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ mua những món đồ cần thiết. Để tiết kiệm, Hằng thường so sánh giá cả giữa các món đồ ở những cửa hàng khác nhau và tìm kiếm các chương trình khuyến mãi, ưu đãi. Nữ sinh chia sẻ: "Mình rất hài lòng với những thay đổi này vì nó giúp mình tiết kiệm được một khoản tiền kha khá và có thể sử dụng vào những việc có ý nghĩa hơn."
Tương tự, Nguyễn Thị Minh Châu (20 tuổi, Quảng Bình) cũng thường xuyên lui tới siêu thị gần nhà vào cuối ngày để "săn" đồ giảm giá. Châu cho biết, những món đồ giảm giá cuối ngày ở siêu thị chủ yếu là đồ ăn chế biến sẵn như gimbap, gà rán hay cơm nắm rong biển. Vào thời điểm gần đóng cửa, thức ăn ở siêu thị sẽ được giảm giá từ 30% đến 50%, với số tiền dao động từ 10.000 đến 25.000 đồng cho mỗi món. Sau mỗi chuyến đi "săn" đồ giá rẻ như thế, Châu thường lãi khoảng 100.000 đến 200.000 đồng so với mua đồ tươi hàng ngày. Thậm chí, cô bạn còn mua sẵn đồ giảm giá để dự trữ cho những ngày kế tiếp.
Hoàng Dũng (25 tuổi, Hà Nội), tín đồ của phong trào "tiết kiệm ồn ào" cho rằng tiết kiệm không chỉ đơn thuần là quản lý tài chính mà còn là nền tảng cho một cuộc sống bền vững: "Mình chia sẻ những bí quyết tiết kiệm của mình trên mạng xã hội với mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người. Việc sống tiết kiệm không hề nhàm chán, mà ngược lại, mình đã khám phá ra nhiều cách để cải thiện chất lượng cuộc sống mà vẫn tiết kiệm được chi phí. Ví dụ, mình đã tìm được thực đơn lành mạnh, vừa túi tiền, giúp tiết kiệm được rất nhiều so với việc ăn ngoài", Dũng chia sẻ.
Cần tiết kiệm một cách có chiến lược
Theo TS. Trương Tuấn Anh, chuyên gia tài chính, xu hướng “tiết kiệm ồn ào” cho thấy rằng việc đặt ra các mục tiêu tài chính rõ ràng và nỗ lực để đạt được chúng đã trở thành điều bình thường với giới trẻ. Trước đây, Gen Z thường gặp khó khăn trong việc tiết kiệm vì bị cuốn theo các sản phẩm và trải nghiệm xa hoa trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và lạm phát gia tăng, các bạn trẻ dần chuyển hướng sang việc tìm kiếm sự ổn định tài chính.
"Dù vậy, tiền chỉ mang giá trị tinh thần khi nó được dùng để cải thiện cuộc sống. Vì thế, lối sống tiêu dùng xã xỉ cũng không nên bị chỉ trích quá mức, bởi nó khuyến khích giới trẻ làm việc chăm chỉ để bù đắp vào những khoản chi tiêu. Hơn nữa, lối sống tiêu dùng có thể góp phần phát triển cá nhân và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, chuyên gia cảnh báo rằng nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, chúng ta có thể bị lạc khỏi mục tiêu thực sự của việc tiết kiệm. “Mọi người thường nghĩ tiết kiệm là cắt giảm chi tiêu, nhưng thực ra bản chất của nó là tinh giản nhu cầu, chứ không phải là giảm chi phí. Người hiểu biết về tiết kiệm sẽ biết cách sàng lọc và lược bỏ những nhu cầu không cần thiết,” ông chia sẻ.
Tiến sĩ cho biết thêm, việc lựa chọn lối sống là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng trước hết, nó cần dựa trên hoàn cảnh và khả năng kinh tế thực tế. Đặc biệt, lối sống ấy không nên chỉ là một xu hướng nhất thời, được thực hiện trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị bỏ quên khi một trào lưu mới xuất hiện.
"Việc lựa chọn lối sống là quyết định của mỗi cá nhân, nhưng trước hết, nó cần dựa trên hoàn cảnh và khả năng kinh tế thực tế. Đặc biệt, lối sống ấy không nên chỉ là một xu hướng nhất thời, được thực hiện trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị bỏ quên khi một trào lưu mới xuất hiện".
Nhìn chung, xu hướng “tiết kiệm ồn ào” phản ánh sự thực tế ngày càng rõ rệt của giới trẻ. Gen Z hiện nay trân trọng đồng tiền hơn, tập trung vào việc quản lý chi tiêu hợp lý và đặt kế hoạch tài chính cho tương lai. Thay vì chạy theo các xu hướng tiêu dùng phù phiếm, nhiều bạn trẻ hiện nay ưu tiên tích lũy và đầu tư cho những giá trị dài hạn, thể hiện lối sống có trách nhiệm và bền vững.