Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, bệnh nhân 262 mắc Covid-19 là công nhân Samsung có triệu chứng từ ngày 31/3 nhưng đến hết ngày 6 - 7/4 mới nghỉ làm việc, cách ly.
Báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội vào sáng 13/4, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm đã có báo cáo, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian qua. Theo ông Cảm, ổ dịch Covid-19 lớn nhất trên địa bàn thành phố là là ổ dịch Bạch Mai và ngay từ 20/3, qua giám sát, đã phát hiện 2 cán bộ y tế của Trung tâm Nhiệt đới BV Bạch Mai mắc bệnh.
Từ đó, thành phố đã xác định, đây là ổ dịch có diễn biến phức tạp và sau đó, đã có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ cùng với gần như cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Bắc phát hiện các trường hợp dương tính liên quan đến Bạch Mai. Cụ thể, ở đây lên tới 48 trường hợp. Đặc biệt, theo ông Cảm, tại Hà Nội đã phát hiện 13 ca liên quan đến 11 ổ dịch tại Hà Nội và đã bao vây, khoanh vùng, xử lý, không để dịch lây lan.
Ổ dịch thứ 2 tại Hạ Lôi (Mê Linh), ông Cảm thông tin, việc phát hiện được do đã chủ động sàng lọc những trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai. Ông nói, BN 243 phát hiện được nhờ "chỉ điểm" liên quan BV Bạch Mai, sau đó, thành phố đã đánh giá mức độ nguy cơ của khu vực này và khoanh vùng, cách ly toàn bộ khu vực thôn Hạ Lôi với hơn 11.000 dân, gần 3.000 hộ gia đình.
Theo Giám đốc CDC Hà Nội, liên tục trong thời gian vừa qua đã xét nghiệm toàn bộ người dân trong thôn và hiện đã lấy gần đủ 11.000 mẫu, xét nghiệm xấp xỉ 6.140 mẫu, phát hiện 3 trường hợp ở các xóm khác nhau.
Quang cảnh phiên họp.
"Đặc biệt, tối qua phát hiện 1 trường hợp là BN số 262. Bệnh nhân này là công nhân Samsung (Bắc Ninh) và chúng tôi đã báo cáo cho Viện VSDT Trung ương, Samsung, Bắc Ninh. Phía Bắc Ninh đã điều tra, bước đầu xác định có 101 trường hợp F1 và liên quan đến rất nhiều tỉnh phía Bắc", ông Cảm nói. Thông tin thêm về trường hợp này, ông Cảm cho hay, bệnh nhân có triệu chứng từ ngày 31/3 và hết ngày 6 - 7/4 mới nghỉ làm việc, cách ly.
Trước đó, trên các chuyến xe đưa đón từ khu vực Mê Linh đến Samsung Yên Phong (Bắc Ninh), mỗi chuyến xe có khoảng 20 người và như vậy, mỗi ngày bệnh nhân này, tiếp xúc với 40 người, trong vòng 1 tuần. "Do vậy, đây là tính chất rất phức tạp của dịch bệnh ở đây", ông Cảm đánh giá.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, chính qua việc giám sát, xét nghiệm đã lần ra đầu mối lây lan dịch trong cộng đồng và đây là chiến lược của Hà Nội đã thực hiện ngay từ đầu là giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh.
68% ca mắc Covid-19 ở Hà Nội không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thoáng qua
Qua thực tế phân tích dịch tễ học, ông Cảm cũng chỉ rõ, qua các ca bệnh của Hà Nội, có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thoáng qua. Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3. Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới.
Ông nhấn mạnh, dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn còn nguyên nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dich. Với nhận định sơ bộ như vậy, ông Cảm nói, nếu thời gian vừa qua, không quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng thì khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát trên địa bàn Hà Nội là hoàn toàn có thể.
Về giới, qua phân tích nhanh, ông Cảm nêu, trong 110 trường hợp mắc Covid-19 của thành phố thì có 67% là nữ và 23% là nam. Đây cũng là một đặc điểm và dù số mẫu chưa nhiều nhưng nữ chiếm 2/3 và nam chiếm 1/3. Về triển khai test nhanh, theo lãnh đạo CDC Hà Nội, đã triển khai được 12.000 mẫu. Ngành y tế cũng đã có một số đánh giá cụ thể về test này. Trong đó, đã lấy 128 mẫu test nhanh ở Mê Linh, đồng thời, lấy mẫu làm RT-PCR thì 2 kết quả tương đồng nhau, tức 128 đều âm tính.
Tiếp theo triển khai 277 mẫu test nhanh tại BV Thận và làm làm RT-PCR cũng âm tính. Tổng số đã có 405 mẫu âm tính thì RT-PCR cũng âm tính. "Tuy nhiên, có triển khai trên một số bệnh nhân dùng RT-PCR dương tính thì test nhanh lại âm tính.
Suy ra rằng, những trường hợp này mới mắc nên chưa có kháng thể. Như vậy, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng cần thiết, bởi vì, trả lời kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để làm cho chính xác", ông Cảm nêu.
(Ảnh minh họa: Kenh14.vn)
Về tình hình trong 3 tháng qua từ tháng 1 đến nay, theo Giám đốc CDC Hà Nội, TP đã thực hiện nghiêm các biện pháp, chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo TƯ và làm quyết liệt, luôn cao hơn 1 bậc do địa bàn phức tạp dân số đông, người từ vùng khác về nhiều, việc kiểm soát khó khăn, hầu hết 2/3 không có triệu chứng.
Đến nay, đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch nhưng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng nên chiến lược phòng chống có thay đổi. "Giai đoạn đầu ngăn chặn, giai đoạn 2 cách ly, khoanh vùng, bao vây kịp thời. Hiện nay, giai đoạn dịch đã chuyển sang lây lan ra cộng đồng ở phạm vị hẹp.
Do đó, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt cách ly, giãn cách ly xã hội thì việc duy trì thành quả rất khó khăn. Việc thực hiện cách ly xã hội cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc", ông Cảm nêu thêm.
Hoàng Đan (Nguồn: http://toquoc.vn/buoc-dau-xac-dinh-101-truong-hop-f1-cua-bn-262-lien-quan-den-nhieu-tinh-phia-bac-82020134114522610.htm)
* Nội dung liên quan: