Buồn lòng trước cảnh sầu riêng tràn lan rớt giá vì nguồn cung tăng nhanh

Tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng đã khiến cho nguồn cung của thị trường tăng nhanh gây tình trạng rớt giá tràn lan.

Cách đây vài ba năm, sầu riêng chủ yếu trồng xen, nhỏ lẻ, mỗi tỉnh chỉ có vài trăm ha nhưng hiện nay diện tích loại cây này đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đến thời điểm này, giá sầu riêng đã giảm sâu, có nơi chỉ còn 29.000 đồng/kg tại vườn.

Những năm trước 2015, giá sầu riêng tại vườn chỉ dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Giá bán lẻ sầu riêng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ ở mức 50.000 đồng/kg. Nhưng từ năm 2016, Trung Quốc ồ ạt mua sầu riêng Việt Nam, khiến giá được đẩy lên cao, nhiều người trồng thu được lãi lớn.

(Ảnh minh họa)

Theo thống kê, năm 2016, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam khoảng 32,3 nghìn ha, sản lượng 336,9 nghìn tấn là thời điểm sầu riêng có giá nhất. Đây cũng chính là thời điểm, các hộ nông dân bắt đầu có xu hướng phá tiêu, cà phê để trồng sầu riêng.

Thời điểm này giá sầu riêng phổ biến ở mức giá 70.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc tại vườn lên tới 110.000 đồng/kg.

Sau vài năm được giá, từ năm 2019 giá sầu riêng đầu vụ giá cũng cao nhưng đến thời điểm này, giá đã giảm sâu, có nơi chỉ còn 29.000 đồng/kg tại vườn.

Cho dù đã có những cảnh báo về việc thừa sản lượng nhưng so với các giống cây khác, sầu riêng vẫn là cây có giá trị kinh tế cao. Cách đây vài ba năm, sầu riêng chủ yếu trồng xen, nhỏ lẻ, mỗi tỉnh chỉ có vài trăm ha nhưng hiện nay diện tích loại cây này đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Cây sầu riêng bên cạnh việc được trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn quả, gần đây nhiều nơi người dân cũng trồng thuần với diện tích lớn lên đến trên chục ha.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn vùng Tây Nguyên có gần 14.000 ha cây sầu riêng. Trong đó, địa phương có diện tích nhiều nhất là Lâm Đồng với gần 7.000 ha, sau đó là tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông… Tại Tiền Giang, năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ 2.000 ha, năm 2018, diện tích tăng lên 3.250 ha (tăng 65%).

Với lợi ích kinh tế trước mắt, không ít hộ nông dân phá bỏ cây trồng kém hiệu quả để trồng sầu riêng mà chưa biết đến hậu quả sau này. Gần đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công văn về việc chỉ đạo sản xuất cây sầu riêng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh phía Nam.

Công văn nhằm hạn chế việc mở rộng vùng trồng sầu riêng ồ ạt, yêu cầu các Sở NN&PTNT đánh giá khí hậu đảm bảo với cây sầu riêng; đảm bảo duy trì và quản lý chất lượng giống cây, liên kết hỗ trợ người nông dân đầu ra sản phẩm.