Cả châu lục chuyển đổi năng lượng thành công ‘quá đà’, giá điện hàng loạt quốc gia liên tục âm dưới 0 đồng: Người dân có được trả tiền để dùng điện?

Xu hướng giá điện âm không chỉ diễn ra tại Đức mà trải rộng khắp các quốc gia châu Âu, vì hoạt động sản xuất điện tái tạo gia tăng khiến nguồn cung vượt xa nhu cầu.

Cụ thể, giá điện trong ngày 2/1 tại Đức đã giảm xuống mức âm trong vòng 4 tiếng khi năng lượng gió tăng vọt lên 40 gigawatt. Tuy nhiên, giá điện tiêu dùng thường được thoả thuận trước. Vì vậy, các hộ gia đình không hẳn sẽ được trả thêm tiền khi dùng điện. Nhưng giá điện âm sẽ có lợi cho các nhà sản xuất vì họ thường đấu giá năng lượng thô trước một ngày.

Giá điện âm tiếp tục cho thấy sự mất cân bằng về cung và cầu về điện của Đức trong năm mới. Theo dữ liệu từ Epex Spot, giá điện của Đức đã giảm xuống mức âm trong 468 giờ vào năm 2024, tăng hơn 60% so với 292 giờ của năm trước đó.

Cả châu lục chuyển đổi năng lượng thành công ‘quá đà’, giá điện hàng loạt quốc gia liên tục âm dưới 0 đồng: Người dân có được trả tiền để dùng điện?- Ảnh 1.

Không riêng Đức, Vương quốc Anh cũng ghi nhận số giờ điện âm tăng 70% trong năm 2024. Tại Pháp, thời gian giá điện âm tăng gấp đôi khiến một số nhà máy điện hạt nhân nước này phải ngừng hoạt động vào tháng 6. Tây Ban Nha cũng lần đầu tiên ghi nhận giá điện xuống dưới mức 0 trong năm ngoái.

Xu hướng này ngày càng phổ biến khi năng lượng tái tạo được mở rộng khắp lục địa. Các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2023, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo của Liên minh Châu Âu đạt gần 110 tỷ USD, tăng hơn 6% so với năm trước.

Châu Âu tập trung phát triển năng lượng tái tạo một phần là vì nguồn cung cấp khí đốt cho lục địa bị cắt sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022. Giá năng lượng đã tăng đột biến kể từ đó. Trước xung đột, khí đốt tự nhiên chiếm 1/4 tổng mức sử dụng năng lượng ở châu Âu và phần lớn nguồn cung đó đến từ Nga. Do đó, khu vực này phải nhanh chóng tìm nguồn năng lượng thay thế, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Châu Âu đã đưa ra mục tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo đạt 45% vào năm 2030, đồng thời giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư năng lượng sạch như ưu tiên cấp giấy phép cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng mang lại nhiều thách thức. Ngoài những rủi ro liên quan đến thời tiết và giá điện âm, việc thiếu công nghệ pin để lưu trữ điện là một khó khăn đối với lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Theo BI