Bài viết Cát-sê sao Việt lên đến 2 tỷ đồng/show thu hút quan điểm đa chiều từ bạn đọc. Không ít ý kiến cho rằng ca sĩ ngày nay kiếm tiền quá dễ, hát một đêm đã ngang bằng sản nghiệp một người bình thường tích lũy vài năm. Có người lại đặt nghi vấn ca sĩ "nổ, ảo", tạo ra các con số không có thật.
Theo người trong nghề, cụm từ "cát-sê tiền tỷ" nghe tưởng chừng đơn giản, thực tế là kết quả của cả quá trình làm nghề gần như không tưởng của các ngôi sao.
Chuyện đằng sau cát-sê tiền tỷ
Cần làm rõ, không phải ca sĩ nào cũng có mức cát-sê lên đến hàng tỷ. Số lượng sao hạng S ở Việt Nam hiện đếm không quá một bàn tay.
Hoạt động biểu diễn chưa bao giờ đơn thuần là đến nơi hát, cầm tiền mang về là xong. Để có một chương trình biểu diễn cần sự tham gia của hàng chục người và rất nhiều khâu, tất cả đều quy ra tiền.
Mỗi buổi diễn, ê-kíp đi cùng ngôi sao tối thiểu 5-6 người gồm: quản lý, trợ lý, trang điểm (make up), trang phục (stylist), truyền thông (media) hoặc/và truyền thông xã hội (social).
Hiện, các sao hạng S đều điều hành hoặc trực thuộc công ty quản lý. Ê-kíp của một nữ ca sĩ trực thuộc công ty, chi phí "cây nhà lá vườn" tính theo tháng trên dưới 100 triệu đồng, mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.
Ê-kíp càng giỏi, chi phí càng cao. Cá biệt có trường hợp một nam ca sĩ hạng S phải "nuôi" cả tập đoàn.
"Ngay cả khi cát-sê 1 tỷ, nếu anh chỉ hát 2 show/tháng thì số còn lại chẳng còn bao nhiêu", một quản lý truyền thông xin giấu tên nói với VietNamNet.
Cát-sê cao đồng nghĩa điều kiện nhiều. Một nam ca sĩ có mức cát-sê trung bình 1,2 tỷ đồng, thực tế hợp đồng luôn có điều khoản "cam kết viral mạng xã hội".
"Đâu phải tự nhiên mà cậu ấy luôn làm trò này, trò kia mỗi lần xuất hiện. Phải trả quyền lợi cho nhãn hàng chứ", theo chuyên gia.
Người này cũng nhận định nghề ca sĩ chỉ có thể tiến về phía trước, không được phép chững lại. Nhiều ca sĩ bán tài sản như nhà, đất làm sản phẩm được khen kính nghiệp, sự thật là không còn lựa chọn khác.
Chuyên gia cho hay: "Nghệ sĩ Việt sống dựa vào nhãn hàng thay vì sản phẩm do khán giả không chi tiền, thực trạng bản quyền nhiêu khê. Tuy nhiên, để có show, họ bắt buộc duy trì việc làm sản phẩm mới".
Trung bình, chi phí làm MV dao động 500 triệu - 1 tỷ đồng, album "ngốn" từ 1 tỷ đồng trở lên. Với một tên tuổi hạng B, chi phí tổ chức họp báo, media khoảng 300 triệu đồng; social tùy ngân sách.
Ngược lại, hạng A và S là địa hạt của những cuộc chiến social. Việc một MV được sản xuất hết 1,5 tỷ đồng nhưng chi phí social "đội" lên 2,5 tỷ, thậm chí hơn, hiện không còn mới mẻ.
Tiền mua bài hát mới trung bình 10.000 USD (khoảng 254 triệu đồng), chưa gồm hòa âm, phối khí và các loại phí bản quyền đi kèm. Ngoài ra, chưa kể các khoản trang phục, di chuyển, ăn uống...
Thực trạng ca sĩ dốc hết tài sản nhưng sản phẩm vẫn thất bại rất phổ biến trong một thị trường có sức cạnh tranh ngày càng lớn.
Một ca sĩ chi hàng trăm triệu đồng cho trang phục hàng hiệu, kết quả MV thu về không tới 1 triệu lượt xem. Nữ ca sĩ L. làm chuỗi MV dạng live session, riêng khoản ban nhạc chơi live "ngốn" hơn 1 tỷ đồng để rồi sau đó như "đá ném ao bèo".
Hai năm nay, trừ hạng A+ và S, ca sĩ các hạng dưới gần như không thể xin tài trợ. Vài trường hợp việc tài trợ không thành vì nhãn hàng đòi hỏi nhiều, ca sĩ - với cái tôi cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng nghệ thuật - đành "cắn răng" từ chối.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn là một trong những ca sĩ làm liveshow ăn khách nhất showbiz Việt. Ảnh: FBNV
Tiền nào của nấy
Từ góc nhìn của người cùng nghề, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thấy hiện tượng sao hạng S đạt mức cát-sê hàng tỷ "không có gì để bàn cãi".
Quy luật "tiền nào của nấy", "có cung ắt có cầu" luôn đúng. Con số "khủng" phản ánh người nghệ sĩ mang đến những giá trị tương xứng còn nhãn hàng nhận lại lợi ích tương đương, thậm chí cao hơn số tiền bỏ ra.
"Các nhãn hàng rất thông thái trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Việc chi tiền tỷ mời nghệ sĩ biểu diễn có đáng hay không chỉ họ hiểu rõ nhất, chẳng ai ép hay tác động được", anh cho hay.
Nguyễn Văn Chung nhận định thu nhập cao luôn đi cùng trách nhiệm cao. Người nghệ sĩ phải đảm bảo nghĩa vụ với khách hàng, nghĩa vụ đóng thuế (trong mối quan hệ với Nhà nước và xã hội), từ đó góp phần phát triển đất nước.
"Chúng ta chỉ có thể lên án người có thu nhập cao do phạm pháp chứ sao có thể lên án những người cố gắng xây dựng tốt hình ảnh cá nhân, đạt được thứ hạng cao nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp để xứng với số tiền khách hàng bỏ ra?", nhạc sĩ nêu quan điểm.
Anh cũng không đồng tình từ "hét giá" vì: "Tự định giá bản thân cao hay thấp là quyền của mỗi người. Ai cũng được quyền đưa ra trị giá mong muốn, việc chấp nhận hay không lại thuộc về quyền của khách hàng - điều rất đương nhiên trong xã hội".