Nghệ sĩ Việt Hương, người đại diện của Phi Nhung tại Việt Nam theo ủy quyền từ gia đình, xác nhận với chúng tôi giọng ca "Bông điên điển" đã qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vào trưa ngày 28/09, sau hơn 1 tháng trị bệnh Covid-19 và được các y bác sĩ tận tình cứu chữa.
Trước khi mất, ca sĩ Phi Nhung được điều trị tại khoa D hồi sức tích cực dành cho các bệnh nhân nặng. Chủng Covid-19 mới Phi Nhung bị nhiễm gây đông máu nên cô cần lọc máu qua hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Nguồn tin bác sĩ Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã sử dụng tất cả các loại thuốc cao cấp nhất để điều trị cho ca sĩ Phi Nhung. "Tất cả các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng đã không thể cứu sống được ca sĩ và rất đáng tiếc trước sự ra đi này”, nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Trước đó, thông tin ca sĩ Phi Nhung bị nhiễm Covid-19, tình hình bệnh chuyển biến nặng nên phải chuyển viện Chợ Rẫy (Quận 5, TP.HCM) ngay trong đêm, khiến khán giả lo lắng. Ban đầu, nữ ca sĩ điều trị Covid-19 ở bệnh viện Gia An 115, từ ngày 19/8.
Trước khi mắc Covid-19, Phi Nhung tham gia vào một số bếp ăn từ thiện tại TP.HCM và có tiếp xúc gần với F0. Khi về nhà, nữ ca sĩ bị cảm và chủ động đến bệnh viện kiểm tra, kết quả dương tính với Covid-19.
Ca sĩ Trizzie Nguyen, người dìu dắt Phi Nhung những ngày đầu đi hát cho biết, Phi Nhung không về Mỹ sớm do thấy bà con tại quê nhà đang gặp khó khăn vì dịch bệnh nên cô muốn ở lại để làm việc thiện nguyện. “Trước 3 ngày Phi Nhung chuẩn bị bay về Mỹ thì thử Covid bị dương tính. Mới đầu chỉ cảm nhẹ xong dần trở nên nặng, không thở được và phải dùng đến máy trợ thở”, ca sĩ Trizzie Nguyen chia sẻ.
Ca sĩ Phi Nhung sinh ngày 10/4/1970, quê ở Gia Lai. Cô mang trong người hai dòng máu: Mỹ - Việt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phi Nhung chỉ học đến hết lớp 6, sau đó chuyển sang làm nghề may mặc để kiếm sống, trong khi mẹ cô lấy chồng và có thêm 5 người con. Từ nhỏ Phi Nhung đã thích nghe những bài cải lương, dân ca và có ước mơ trở thành một ca sĩ.
Năm 1982, mẹ Phi Nhung qua đời khi cô mới 10 tuổi. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Phi Nhung phải về ở với ông bà ngoại. Cô phải kiếm tiền và chăm sóc 5 đứa em cùng mẹ khác cha và mấy đứa cháu.
Năm 1989, Phi Nhung sang Mỹ. Nhận thấy tài năng của Phi Nhung, Trizzie Phương Trinh đã khuyên Phi Nhung tới California để thực hiện ước mơ của mình. Cuối năm 1993, Phi Nhung chuyển tới sống ở quận Cam, bang California. Nhiều người bắt đầu yêu mến Phi Nhung sau khi nghe cô thể hiện nhạc phẩm song ca "Sông Quê 1" cùng với nam ca sĩ nổi tiếng Thái Châu. Sau đó cô phát hành một CD đầu tay góp giọng chung với hai ca sĩ lớn là Tuấn Vũ và Mỹ Huyền.
Năm 1998, Phi Nhung là nữ ca sĩ ra nhiều album nhất và doanh số bán chạy thuộc hàng kỷ lục nên người trong giới và khán giả đặt cho nghệ danh ''Nữ hoàng băng đĩa''.
Cố nghệ sĩ Phi Nhung có 23 người con nuôi
Từ năm 2002, Phi Nhung chính thức được phép trở về biểu diễn tại Việt Nam. Ngoài ca hát, Phi Nhung còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như diễn viên truyền hình, điện ảnh, nghệ sĩ cải lương, kịch nói, MC, ban giám khảo các show ca nhạc...
Phi Nhung quen thuộc với công chúng qua hình ảnh giản dị, hướng Phật… Sinh thời, cô tiết lộ mình dùng chủ yếu số tiền hoạt động nghệ thuật để chăm lo cho 23 người con nuôi và tham gia các hoạt động thiện nguyện…
Về việc có nhiều con nuôi, Phi Nhung thừa nhận cô hạnh phúc với điều đó. Nữ ca sĩ tuyên bố sẽ không lấy chồng vì nếu muốn, cô đã làm điều đó khi còn trẻ.
Phi Nhung có một con gái ruột tên là Wendy Phạm, hiện làm y tá tại Mỹ.