Ca sĩ Việt có hit tỷ view tại Trung Quốc: “Nếu chỉ làm nhạc vì tiền, chắc chắn ca khúc đó không thành công”

Tăng Duy Tân kể về những nỗi sợ thất bại trong cuộc sống và áp lực của một trụ cột gia đình.

Giờ Tăng Duy Tân muốn gì ở âm nhạc sau khi đã có hit, có giải thưởng?

Âm nhạc là một trong những lý do sống của tôi. Lúc nào tôi cũng cần âm nhạc cả. Không phải trước đó cần hay bây giờ không. Âm nhạc với tôi là một công đôi việc. Vừa để trau dồi bản thân và cả trách nhiệm với gia đình.

Tôi là trụ cột kinh tế của gia đình. Nếu tôi dành hết thời gian để tập luyện thì tiền nhà, tiền ăn, tiền ở, chi phí gửi về gia đình ở đâu ra? Đó là nhu cầu căn bản nhất, và đó là trách nhiệm của tôi với gia đình. Tôi không làm vì tiền. Nếu làm vì tiền, chắc chắn những bài hát đó sẽ không thành công được.

Nói thật, nếu muốn làm vì tiền, tôi sẽ làm đại khái, thế là kiếm được rồi. Bản thân tôi không cho phép tôi làm như vậy. Cách làm đó không đi đường dài được, và đối tác cũng sẽ không bao giờ quay lại. Tôi muốn cho các đối tác thấy rằng nếu tôi không nhận thì thôi, khi đã nhận phải làm hết mình. Tôi quyết tâm không phải vì đối tác trả nhiều tiền đâu.

Đã có nhiều bên tìm đến tôi, nhưng tôi chỉ nhận một trong số họ. Bên nào có phong thái làm việc thoải mái, có không gian để tôi sáng tạo là tôi sẽ nhận lời. Nhiều người đóng khung tôi, tôi không làm vì biết sẽ không hiệu quả.

Nói về hiệu quả, anh có áp lực “mỗi bài ra đều phải hit” hay không?

Tôi nói không là nói điêu. Tôi ý thức rằng bản thân đã được khán giả dành nhiều sự đánh giá cao. Tôi quý trọng điều đấy. Điều đó cũng làm tôi áp lực. Tôi biết khán giả đến với mình vì điều gì: vì tôi là chính tôi. 

Áp lực hay không, tôi vẫn cố gắng làm ra những tác phẩm như trước giờ tôi vẫn làm, mang đậm cái tôi của Tăng Duy Tân. Tôi muốn gửi gắm những nội dung để đối tượng khán giả nào cũng đều có thể nghe và hiểu ngay lập tức. Âm nhạc của tôi sẽ dần thay đổi theo hướng khán giả góp ý, nhưng chắc chắn sẽ đậm chất Tăng Duy Tân.

Vậy 3 từ miêu tả “chất Tăng Duy Tân” sẽ là gì?

Đơn giản, ngũ cung và chill. Chill còn liên quan đến tính stream trong âm nhạc. Ngũ cung là 5 nốt nhạc. Mỗi người có cách sử dụng các nốt nhạc này khác nhau. Ví dụ như Charlie Puth hay Justin Bieber là hai người sử dụng ngũ cung khá nhiều, nhưng có thể thấy nhạc họ đâu giống tôi đâu. Việc tôi sử dụng ngũ cung sẽ chỉ có một mình tôi có thể dùng cách đó. Tôi ít thấy ai dùng như vậy. 

Công thức làm nhạc của tôi là dễ nghe, dễ thuộc, dễ vào đầu. Mọi người đi hát karaoke cũng thoải mái. Trước đây, nhiều bài hát của tôi khá khó cover. Bây giờ, tôi làm nhiều bài dễ hát hơn. Đương nhiên cũng sẽ có những bài hát cá biệt, mang đậm cá tính của tôi. 

Ca sĩ Việt có hit tỷ view tại Trung Quốc: “Nếu chỉ làm nhạc vì tiền, chắc chắn ca khúc đó không thành công” - 2

Công thức làm nhạc của Tăng Duy Tân là dễ nghe, dễ vào đầu khán giả.

Tăng Duy Tân làm nhạc để thuyết phục giới chuyên môn hay để dễ hòa nhịp với khán giả đại chúng?

Tôi không phân biệt. Khán giả có rất nhiều đối tượng khác nhau. Âm nhạc chỉ có hay với dở, không có đúng sai. Khái niệm “hay” cũng rất mong manh. Làm một bài hát mang tính hàn lâm, nghệ thuật cao sẽ có cách đánh giá khác so với một ca khúc mang tính giải trí. 

Một bài hát cần được đánh giá trên nhiều góc cạnh khác nhau, không chỉ dựa trên những thứ như lượt nghe. Tôi từng đọc rất nhiều bình luận trên kênh mình: “Bài này hay sao ít người nghe quá”. Bản thân tôi từng như vậy rồi. Tôi không có câu trả lời chính xác nhất vì không muốn áp đặt góc nhìn của riêng mình lên người khác. 

Mục tiêu của anh bây giờ là gì?

Tôi ước mình có thể làm nghề thật lâu. Tôi không biết khi không làm nhạc, tôi có còn hạnh phúc hay không. Trước đây, khi chưa nổi tiếng, mỗi khi được chìm trong không gian âm nhạc khiến tôi quên sầu. 

Ca sĩ Việt có hit tỷ view tại Trung Quốc: “Nếu chỉ làm nhạc vì tiền, chắc chắn ca khúc đó không thành công” - 3

Tăng Duy Tân từng lo sợ sự nghiệp sẽt thất bại, không kiếm ra tiền khiến gia đình phải chịu khổ.

Vậy anh có hạnh phúc ở thời điểm hiện tại hay không?

Tôi trước đây hay nói rằng bản thân đang cố gắng tìm hạnh phúc. Nhưng bây giờ, tôi muốn trích một câu thầy Thích Nhất Hạnh từng nói: “Cuộc sống chỉ có trong giây phút hiện tại.”. Tôi của trước đây luôn đặt tâm trí trong tương lai. 

Tôi lo sự nghiệp của mình thất bại, không kiếm ra tiền và gia đình sẽ phải chịu khổ. Tôi thương bố mẹ, và phấn đấu để trở thành trụ cột kinh tế, lo cho gia đình. Ít nhất, bố mẹ tôi phải sung sướng.

Giờ tôi đã làm được việc đấy rồi. Tôi đã có thời gian để nhìn nhận lại: vì sao như vậy tôi vẫn chưa đạt được trạng thái hạnh phúc? Vì trước giờ, tôi cứ sống ở tương lai, quên mất thực tại. Nhưng hạnh phúc hay đau khổ đến từ cách nhìn nhận sự việc. Ví dụ, khi ra đường bị ngã xe, tôi nghĩ rằng: “May quá, không ‘tèo’”. Khi mất tiền, tôi thường đọc hai câu thần chú: “Của đi thay người” và “Người có phước là người mất tiền”. Không mất tiền sẽ gặp những thứ khác kinh khủng hơn.

Tôi không còn tìm kiếm hạnh phúc, vì biết nó luôn ở bên canh. Chỉ cần tôi thay đổi lăng kính thôi.