Các trường đua nhau "tỉa cành, mé nhánh" cây cối đến... trụi lủi?

Chặt cây tuổi đời 30 năm

Sáng 1-6, bức ảnh cây bàng bị cắt tỉa trụi lá cành tại Trường THCS Cầu Kiệu (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội kèm sự tiếc nuối.

Một trường tiểu học tại TP.HCM cắt, tỉa cây xanh trong sân trường. (Ảnh: NHƯ HÙNG)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn - phó hiệu trưởng - cho rằng không phải sau tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng thì trường mới cho cắt tỉa cây xanh.

Ông Tuấn nói hằng năm vào đầu mùa mưa, trường luôn phối hợp với các công ty công ích cho hạ độ cao, mé nhánh cây bàng này để vừa đảm bảo an toàn, vừa tránh ảnh hưởng đến nhà người dân xung quanh. 

"Trường diện tích nhỏ, chỉ có một cây bàng này là cây lớn. Mỗi năm trường đều cắt tỉa như thế, không phải riêng năm nay. Thường thì thời gian này mỗi năm, học sinh đã nghỉ nên không nhìn thấy cảnh cây bàng trơ trụi lá. Sau hơn hai tháng khi các em trở lại trường thì cây đã ra cành và lá non. Chúng tôi không chủ trương cho cắt tỉa phản cảm" - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Khái - hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết cây phượng ở trường vừa mới chặt có tuổi đời hơn 30 năm. Trong đợt rà soát mới nhất, các công nhân phát hiện thân cây đã mục rỗng, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ, khuyến cáo trường nên cho đốn hạ.

"Trước khi đốn cây chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Cây xanh đến từng đó tuổi đã có biết bao công sức chăm sóc, gắn liền với nhiều kỷ niệm nhưng khi chuyên gia cho biết bên trong cây mục rỗng thì không thể làm khác được" - ông Khái nói.

Hình ảnh cây bàng trụi cành ở Trường THCS Cầu Kiệu (TP.HCM) khiến nhiều người xót xa. (Ảnh: MXH)

Cần có chuyên môn

Ông Ngô Bá Kính - trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - cho biết để trồng một cây xanh không phải chuyện một sớm một chiều. Trước khi cắt tỉa, đốn hạ cần khảo sát kỹ về tình trạng, đặc tính cây để không gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. 

"Hiện nay nhiều hình ảnh lan truyền trên mạng các cây bị cắt trơ trụi là sai nguyên tắc, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Các đơn vị cần tư vấn cơ quan chuyên môn để có hướng chăm sóc, đốn hạ cây xanh phù hợp, tránh trường hợp tổ chức đốn hạ đại trà vừa nguy hiểm vừa mất mảng xanh" - ông Kính chia sẻ.

Trong khi đó, TS Đinh Quang Diệp - Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - đánh giá việc cắt trụi cành lá, đốn hạ cây xanh đại trà tại các đơn vị là không nên. 

Theo ông Diệp, việc cắt cành, mé nhánh cần có chuyên môn, các đơn vị công ích, công ty cây xanh sẽ hiểu rõ về vấn đề này. Đặc biệt, chỉ mé nhánh vừa phải, cân đối, tránh việc cắt thấp.

"Mé nhánh để cây bớt rậm rạp, nặng tán là tốt, còn cắt thấp thì không bền vững. Khi cắt thấp cây một thời gian sau cây sẽ ra các nhánh non mới, các nhánh này khi phát triển lớn lên thì không chắc chắn bằng phần thân, cành phát triển tự nhiên từ ban đầu khi cây còn nhỏ đến lớn. Phần này sẽ yếu, dễ bị gãy, tét do tác động của thiên nhiên như gió, lốc… 

Đặc biệt, khi cắt thấp sẽ khiến cây có các vết cắt lớn, đây là điều kiện tốt cho sâu bệnh, nấm… xâm nhập gây hại cho cây. Các cây từng bị cắt thấp thường dễ bị mối mọt, sâu đục thân tấn công gây hư hại và chết" - ông Diệp giải thích về mặt chuyên môn.

TRỌNG NHÂN - LÊ PHAN (Nguồn: https://tuoitre.vn/cac-truong-dua-nhau-tia-canh-me-nhanh-cay-coi-den-trui-lui-20200601223035246.htm)