Người trẻ trên ghế giảng đường băn khoăn chọn trường, chọn ngành. Còn nhiều người đã đi làm lại loay hoay với cách chọn nghề nghiệp của mình.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến với nhiều loại nghề nghiệp mới như marketing online, vlogger, streamer, bán hàng online, xe ôm công nghệ... Khi mà rất nhiều loại công việc trong nhóm này chưa được định nghĩa chính thức là một loại nghề nghiệp thì không ít những người được đào tạo chính quy thành nghề đã bỏ nghề của mình để gia nhập vào nhóm "nghề nghiệp" mới kia.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp chọn nghề xe ôm công nghệ. (Ảnh: Vietnammoi.vn)
P. là một nhân viên marketing tại một công ty công nghệ. Học marketing ra nhưng P. vốn dĩ là một người thích vẽ từ nhỏ nên cô rất hay vẽ nghịch trên giấy và đi xem triển lãm tranh vào mỗi dịp cuối tuần. Công việc marketing cũng thường xuyên phải phối hợp với dân thiết kế đồ họa nên cô chợt nhận ra mình có đam mê thực sự với nghề thiết kế.
Được sự tư vấn của đồng nghiệp làm thiết kế, P. quyết định dành thời gian rảnh để theo học một khóa thiết kế ngắn hạn với số tiền học phí không nhỏ. Sau hơn 1 năm theo học, P. đã quyết định bỏ nghề marketing của mình để chuyển hẳn sang nghề thiết kế. Tuy nhiên, hơn 1 năm ấy cũng cho P. thấy nghề thiết kế cũng không dễ nhằn vì cô không có được nền tảng cơ bản của một họa sĩ thiết kế.
Chấp nhận dấn thân vì đam mê bất chấp khó khăn, P. thậm chí đã làm cộng tác viên thiết kế cho một vài công ty trong thời gian dài. Sau khi kết hôn, P. trở lại với công việc văn phòng như trước đây ở vị trí... lễ tân.
Tương tự P. là câu chuyện của K., tốt nghiệp đại học kinh tế hơn 10 năm, làm tiếp thị cho nhiều hãng nhưng do chán nghề nên đổ hết tiền tích lũy được vào đầu tư quán cà phê. Khách ít, phí thuê mặt bằng cao nên được hơn 1 năm thì quán phải đóng cửa.
Kinh doanh quán cà phê thất bại, K. lại về làm tiếp thị nhưng thu nhập không đủ chi tiêu cho cả gia đình nên K. quyết định chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm. Dần dần, thấy nghề xe ôm công nghệ có thu nhập tốt hơn nên K. chuyển hẳn sang chạy xe. Tuy nghề này giúp K. có thu nhập cao nhưng anh phải chạy cả buổi tối và cuối tuần mới đạt được mục tiêu.
Câu chuyện của P. hay K. là những ví dụ trong số vô vàn những câu chuyện người trẻ bỏ nghề đi bán hàng online, kiếm tiền trên mạng xã hội hay chạy xe ôm công nghệ... Thậm chí, thời gian qua báo chí nêu một thực trạng không ít sinh viên mới ra trường đã vội bỏ nghề để chạy xe ôm công nghệ. Có người còn ví von rằng, nếu biết có thể kiếm tiền theo các cách đó thì đã không lãng phí thời gian lấy bằng đại học, chọn nghề để rồi không theo nghề.
Nhưng có một điều dễ thấy rằng, rất nhiều người trẻ chọn ngành nghề theo cảm tính khi còn ngồi trên ghế nhà trường và khi họ bỏ nghề để theo việc mới thì cũng dễ dàng chẳng kém dù chưa biết những nghề nghiệp đó có gắn bó lâu dài với họ. Vậy phải chăng vấn đề nằm ở cách chọn nghề nghiệp?
Người trẻ cần thay đổi cách chọn nghề nghiệp
Đối tượng đầu tiên cần thay đổi chính là học sinh lớp 12 khi đăng ký chọn ngành, chọn trường để xét tuyển sau đợt thi THPT Quốc gia. Các trường đại học và trung học cũng cần làm rõ ràng hơn các tư vấn, hướng dẫn chọn ngành học. Việc tư vấn có lẽ phải tiến hành sớm ngay từ khi học lớp 9 - 10 để học sinh sớm có tư duy tìm hiểu, nghiên cứu về nghề nghiệp tương lai.
Cần tư vấn hướng nghiệp sớm hơn cho học sinh? (Ảnh: Ketnoigiaoduc.vn)
Học sinh cần hiểu chọn ngành chính là chọn nghề. Học xong không theo nghề thì vô cùng lãng phí và rất khó khăn để lập thân, lập nghiệp. Và khi đã chọn ngành nghề thì phải hiểu rõ về ngành nghề đó.
Hiểu rõ ở đây là phải biết khi đỗ vào trường thì mình sẽ học những môn gì, ra trường mình sẽ làm công việc nào, thậm chí cụ thể hơn là mình sẽ làm vị trí gì trong ngành nghề đó, lộ trình thăng tiến, mức thu nhập, nhu cầu tuyển dụng trong xã hội... ra sao. Sau đó mới xem lại sự phù hợp của nghề nghiệp đó đối với đam mê, hoài bão của bản thân.
Tương tự, những người đang đi làm cũng cần luôn không ngừng nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình, tránh giậm chân tại chỗ để rồi có một ngày chán nghề. Chỉ nên bỏ nghề khi thực sự "không còn đường lui" nhưng nghề nghiệp mới cũng cần có một nền tảng vững chắc và hứa hẹn tương lai gắn bó dài lâu, ổn định.
Có không ít người trẻ khi quyết định bỏ nghề đã đánh đổi một vài năm thu nhập để học cho bài bản nghề nghiệp mới hoặc chuyển đổi công việc có nhiều mối tương quan với công việc cũ. Đó là cách chọn nghề nghiệp mới, phù hợp xu hướng hiện đại./.
Sinh viên du lịch kể chuyện đi làm thêm: Biết trước liệu còn dám chọn nghề này?