Cảm động vợ đẩy xe lăn mang hết tiền mừng cưới cùng chồng đi “kiếm con”

Đến giờ, anh Can vẫn không thể tin vào "kỳ tích", anh chị sắp trở thành bố mẹ của hai thiên thần nhỏ. Bởi, vợ chồng anh đều là người kém máy mắn và thiệt thòi so với người khác.

Cảm động vợ đẩy xe lăn mang hết tiền mừng cưới cùng chồng đi “kiếm con” - 1

Cách đây không lâu, tôi tình cờ biết được câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thúy (32 tuổi) và anh Nguyễn Văn Can tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa khi cả hai quyết tâm nắm chặt tay nhau đến bệnh viện Việt Bỉ để “tìm con”.

Chị Thúy chân đi tập tễnh, dáng người nhỏ bé đẩy chiếc xe lăn của anh Can. Dù rất mệt nhọc nhưng chị vẫn cười rất tươi. Còn anh Can, lúc nào cũng nở nụ cười hiền, ngẩng lên hỏi thăm vợ rất nhẹ nhàng. “Em có mệt lắm không, hay mình ngồi nghỉ một lát?”

Lâu lắm tôi mới lại có dịp nói chuyện với anh chị, qua điện thoại, anh Can phấn khởi khoe: “Vợ tôi chỉ còn vài tuần nữa là sinh, hồi hộp, lo lắng lắm rồi. Chỉ mong "mẹ tròn con vuông" vậy là cuộc đời tôi hạnh phúc”.

Nói rồi, anh Can gửi cho tôi hình ảnh vợ anh mang bầu, anh hạnh phúc đứng bên vợ. Nhìn tấm ảnh, tôi lại nhớ đến câu chuyện anh kể về cuộc đời mình cách đây không lâu. Anh bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động và phải ngồi xe lăn từ năm 19 tuổi. Vì gia đình hoàn cảnh, không có tiền điều trị dứt điểm nên ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” anh bị liệt hai chi dưới, lại mắc chứng rối loạn cơ tròn, không thể đi lại, thậm chí việc vệ sinh hàng ngày cũng phải nhờ sự trợ giúp.

Đau đớn vì bệnh tật khiến anh nhiều khi không muốn sống, anh đã tự nhốt mình trong bóng tối suốt thời gian dài vì nghĩ “tương lai thế là hết”. Thế nhưng, hàng ngày nhìn bố mẹ xoay sở chuyện cơm, áo, gạo tiền và chăm lo cho anh từng miếng ăn, giấc ngủ đã khiến anh bật khóc. Anh không thể yếu đuối mãi được, anh cần di chuyển trên chiếc xe lăn kia để giảm thiểu gánh nặng cho gia đình.

“Từ ngày đó, tôi rất chăm chỉ luyện tập, đi châm cứu, dần dần tôi có thể lăn xe ra đường, ra chợ, đi bán sim thẻ Viettel. Tôi như trở lại cuộc sống bình thường và cũng mơ đến hạnh phúc cho riêng mình. Vì thế, tôi đã tham gia vào hội Người khuyết tật tại TP. Thanh Hóa. Cũng từ cơ duyên đó tôi đã gặp được người phụ nữ của đời mình", anh Can chia sẻ.

Anh Can kể, năm 2017 trong một buổi giao lưu người khuyết tật tại T.P Thanh Hóa anh bất ngờ được chị Thúy đến hỏi chuyện, chia sẻ về hoàn cảnh. Qua tìm hiểu anh được biết năm 13 tuổi chị Thúy bị tai biến tụ máu não, liệt nửa người bên trái, phải phẫu thuật hút máu tụ. Nhưng rất may mắn là sau ca phẫu thuật chị vẫn còn đi lại được, nhưng tay trái và chân trái yếu khiến chị không làm việc nặng được.

Chính sự nhờ đồng điệu sâu sắc đó, họ đã dành không ít thời gian để tìm hiểu và động viên nhau đi qua khó khăn. Qua những dòng tin nhắn tâm sự, chị Thúy nhận thấy anh Can là một người đàn ông nam tính, thật thà, thông minh và vô cùng ấm áp.

Chị Thúy bày tỏ: “Chúng tôi tâm sự rất chân thành với nhau. Có lần anh nói rất khổ tâm về vấn đề vệ sinh cá nhân khi không thể tự chủ, thậm chí chuyện "đàn ông" anh cũng tâm sự và lo sau này sẽ khó có con. Anh chỉ e ngại tình cảm tôi dành cho anh chỉ là sự thương hại. Tôi nghe xong càng thương anh nhiều hơn...

Từ đó, tôi càng trân trọng tình cảm mà anh dành cho tôi. Khi ấy tôi chỉ nói với anh: "Từ ngày em khuyết tật em cũng không nghĩ đến chuyện lấy chồng và không quan trọng việc chăn gối. Nhưng anh đã khiến em rung động. Em tin anh sẽ cho em một bờ vai để em nương tựa. Sau kết hôn nếu mình không có con thì có thể đi xin con nuôi…”.

Lời tâm sự của chị Thúy khiến anh Can đỏ hoe đôi mắt. Anh tin việc gặp chị là duyên phận và là định mệnh đời anh. Vì thế, cuối năm 2017 họ đã chính thức về chung một nhà.

Cảm động vợ đẩy xe lăn mang hết tiền mừng cưới cùng chồng đi “kiếm con” - 2

Đám cưới của cặp đôi khuyết tật xứ Thanh.Con là món quà vô giá

Từ ngày về sống với nhau, dù mọi chuyện ban đầu cũng có những khó khăn, trắc trở nhưng anh Can vẫn mong muốn được nghe tiếng ê a của một đứa trẻ. Vì thế, sau ngày cưới anh đã bàn với vợ lấy hết số tiền và quà mừng cưới mà bạn bè, họ hàng đôi bên mừng để đi làm thụ tinh ống nghiệm. Họ khao khát có con, chứ không phải xin con nuôi.

Họ hàng hai bên khuyên ngăn, vì sợ rằng anh Can bị liệt làm sao có “bản lĩnh đàn ông”. Nhưng chị Thúy lại tin tưởng chồng mình. Chị lắc đầu và nói với họ “chúng tôi tin chúng tôi sẽ có con, vì anh Can bị liệt do lao động chứ không phải bẩm sinh...".

Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn, đôi vợ chồng khuyết tật nắm chặt tay nhau đến bệnh viện để… “tìm con”. “Thật may mắn khi bác sĩ nói chúng tôi sẽ có con bình thường như các cặp đôi khác, vì thế, chỉ cần bồi bổ sức khỏe thật tốt để làm đầy đủ các quy trình, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi chỉ buồn một điều, do không thể đi lại nhiều nên vợ tôi phải tự đi làm các xét nghiệm", anh Can tâm sự.

Mọi sự cố gắng, nỗ lực của đôi vợ chồng khuyết tật đã tạo nên quả ngọt khi bác sĩ thông báo chị Thúy mang thai đôi, thai rất khỏe mạnh, phát triển bình thường. Anh Can vỡ òa hạnh phúc, anh hét lên thật to như để thông báo với xóm làng “anh sắp được làm bố, kỳ tích đã đến với vợ chồng anh”.

Từ ngày chị Thúy có bầu, không khí trong gia đình lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Anh luôn tạo tiếng cười cho vợ vì anh hiểu, khi mang bầu tinh thần là quan trọng nhất. Thi thoảng anh lắng tai nghe bụng vợ để xem hai con yêu có đạp hay nghịch gì không. Anh nói chuyện với các con rất lâu và chỉ mong vợ con khỏe mạnh đến đúng ngày sinh nở. “Vợ tôi nói muốn đặt tên hai cô con gái là Nguyễn Thiên An và Nguyễn Thiên Ý vì đây là món quà như ý mà ông trời ban tặng cho chúng tôi”.

Anh Can bảo, chỉ còn ít ngày nữa là chị Thúy đến kỳ sinh nở, anh đã chuẩn bị hết mọi đồ đạc để vợ anh yên tâm hơn. Vậy là giấc mơ có con của anh đã thành hiện thực. Dù sau này cuộc sống của anh chị có khó khăn, vất vả nhưng anh tin vợ chồng anh sẽ nuôi dạy các con trưởng thành.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Khắc Lý, trưởng thôn Bái Hà Xuân, xã Xuân Lộc cho hay: “Câu chuyện “tìm con” của gia đình anh Can ai cũng biết. Mọi người trong thôn xóm rất vui mừng vì họ đã có được quả ngọt. Thời gian gần đây, nhiều người biết vợ anh Can sắp sinh nên đã giúp đỡ để họ yên tâm đón hai em bé chào đời”.