Ảnh minh họa.
Sự việc hy hữu xảy ra ở Chu San, Chiết Giang, Trung Quốc, vụ tranh chấp về tiếng ồn giữa hai hàng xóm tại một khu chung cư đã kết thúc bằng phán quyết của tòa án, buộc bên gây rối phải bồi thường.
Vụ việc bắt đầu khi ông Trương và bà Vương chuyển vào căn hộ mới. Bà Vương, sống tầng dưới, cáo buộc ông Trương gây ra tiếng ồn quá mức khi hoạt động trong nhà. Mặc dù ông Trương đã cố gắng giảm thiểu âm thanh bằng cách thay dép bông để đi trong nhà và trải thảm, bà Vương vẫn phàn nàn về các âm thanh sinh hoạt hàng ngày như rửa mặt, nắp chai rơi và việc sử dụng nhà vệ sinh vào tối muộn.
Tình hình leo thang khi bà Vương yêu cầu ông Trương không được sử dụng nhà vệ sinh sau 10 giờ tối. Khi yêu cầu không được đáp ứng, bà Vương đã sử dụng các thiết bị gây rung chấn và loa cộng hưởng để cố tình tạo ra tiếng ồn phản kích.
Không thể chịu nổi sự quá quắt của bà Vương, ông Trương buộc phải chuyển đi và thuê nhà ở nơi khác, chi trả tổng cộng 17.600 nhân dân tệ (61,1 triệu đồng) cho tiền thuê nhà, đặt cọc và phí môi giới. Ông Trương sau đó cũng cho thuê lại căn hộ của mình nhưng cả hai người thuê đều gặp vấn đề với bà Vương và quyết định hủy hợp đồng thuê nhà của ông Trương.
Không còn cách nào khác, ông Trương quyết định kiện bà Vương ra tòa với hành vi gây rối vô cớ, cực đoan. Vài ngày trước, phiên tòa xét xử vụ việc diễn ra, tòa án địa phương đã xem xét vụ việc và kết luận rằng hành vi của bà Vương là "cực đoan" và "rõ ràng không phù hợp". Phán quyết cuối cùng yêu cầu bà Vương phải bồi thường ông Trương 17.600 nhân dân tệ cho chi phí thuê nhà và môi giới, cộng thêm 2.000 nhân dân tệ cho tổn thất tinh thần, tổng cộng là 19.600 nhân dân tệ (khoảng hơn 68 triệu đồng).
Vụ việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp hàng xóm một cách hòa bình và hợp lý, mặt khác cũng cho thấy hậu quả pháp lý của việc sử dụng các biện pháp cực đoan để giải quyết mâu thuẫn.