Tayla Clement, 24 tuổi, sống ở thành phố Christchurch, New Zealand, mắc phải hội chứng Moebius, một tình trạng rối loạn thần kinh bẩm sinh hiếm gặp. Tỉ lệ mắc phải hội chứng này rơi vào khoảng 1/50.000 trường hợp và không có cách chữa trị.
Căn bệnh khiến các dây thần kinh mặt, có chức năng kiểm soát một số chuyển động của mắt và nét mặt, kém phát triển. Không chỉ vậy, Tayla còn bị khoèo chân, tiểu đường.
Năm 12 tuổi, Tayla đã trải qua cuộc phẫu thuật chỉnh hình với hy vọng khôi phục các cử động trên khuôn mặt. Tuy nhiên, ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ không thành công, thậm chí còn để lại trên gương mặt cô những vết bầm sưng tấy.
Với gương mặt khác lạ, Tayla phải chịu không ít lời nói mỉa mai, trêu chọc, nhất là ở trường học. Cô gái “không thể cười” trở thành đối tượng bắt nạt của bạn bè.
"Lông mày của tôi không cử động, môi trên của tôi không mấp máy được, tôi không thể cười, do đó tôi có tên là “Cô gái không thể cười"”, Tayla kể.
Tayla cho biết cô bị hét vào mặt, bị ném đồ bẩn vào người. Ngay cả giáo viên cũng phân biệt đối xử với Tayla: “Tôi là người duy nhất trong lớp giơ tay xin phát biểu nhưng bị giáo viên ngó lơ”. Vào sinh nhật năm 16 tuổi, thay vì được tặng quà và bánh kem, Tayla lại nhận phải một miếng socola cắn dở.
Thế nhưng, vì không muốn gây phiền phức cho gia đình nên cô đã chọn cách im lặng và chịu đựng mọi chuyện. Tayla tâm sự, cảm giác bị cô lập và tự ti ngoại hình từng khiến cô rơi vào trầm cảm nặng. Tính đến khi tốt nghiệp trung học, cô từng có ý định tự tử 6 lần.
Sau đó, Tayla tìm đến bơi lội để cảm thấy mình là một người bình thường. Song, môn thể thao này không giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của cô. Sau khi bỏ lỡ vòng loại Paralympic Rio 2016, Tayla đã rời đường đua xanh vì thấy kiệt sức.
Bước ngoặt xảy ra khi Tayla chuyển sang tập gym và đi bộ hàng ngày. Điều này giúp cô kiểm soát tâm trạng tốt hơn. Không lâu sau, Tayla đăng ký tham gia giải điền kinh dành cho vận động viên khuyết tật ở New Zealand.
Năm 2018, Tayla giành ngôi đầu một cuộc thi đẩy tạ trong giải vô địch bang Victoria, ở Melbourne. Năm 2019, cô tham dự giải vô địch đẩy tạ quốc gia New Zealand, giành thành tích 8,28 m, qua đó đổ xô kỷ lục thế giới ở hạng F43.
Với những thành tích trên, nữ vận động viên dần được công chúng chú ý. Tayla sau đó đã có các buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho những ai đang bị dị tật khuôn mặt bằng chính câu chuyện thật của mình.
“Tôi đã vượt qua mọi thứ, có thể truyền cảm hứng cho mọi người và giúp đỡ mọi người. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc", Tayla nói.
Gần đây Tayla ký hợp đồng với một công ty quản lý người mẫu quốc tế. Ngoài cơ hội tham gia các buổi chụp hình và trình diễn thời trang, công việc này còn có ý nghĩa lớn với cô khi có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Hiện nay, Instagram của cô thu hút 24.000 người theo dõi. "Được người khác cần tới mình là một cảm giác thật tuyệt vời”, Tayla hạnh phúc chia sẻ.