Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Ngày 26/6/2017, tại nhà cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), một số người được cho là đại diện của Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành vào nhà tiến hành lập biên bản giáo viên vì “Tổ chức dạy thêm trái phép”.
Theo tường trình của cô giáo Anh, cô dạy học không thu tiền. Đối tượng học trò là con cái hàng xóm, láng giềng, con cháu trong gia đình.
Cô có đơn yêu cầu làm chứng, có tên họ, địa chỉ, số điện thoại rất rõ ràng, cụ thể; những người có trong đơn đều khẳng định cô Hoa Anh dạy không thu tiền, làm từ thiện.
Nếu không thu tiền, hoạt động học không phải là dạy thêm.
Cần lắm nhân văn với cô giáo Hoa Anh ở Đắk Lắk (Ảnh: CTV) |
Điều 2, mục 1, Thông tư 17/2012 – TT-BGDDT về dạy thêm, học thêm ghi rõ:
“Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.
Như vậy, vấn đề đặt ra là:
- Việc cô giáo Hoa Anh không thu tiền, dạy từ thiện có thật không.
- Ngày 26/6/2017 đến 03/12/2018 là 17 tháng, tại sao đến thời điểm này, cô Hoa Anh mới cung cấp chứng cứ chứng minh, mình không thu tiền.
Như vậy, việc xác minh cô Anh có thu tiền không, là trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Nếu đúng sự thực, cô Anh không thu tiền, không thể kết luận cô Anh vi phạm “Dạy thêm, học thêm trái phép”. Việc xác minh này quá dễ, có điện thoại là làm được!
Ngược lại, cô thu tiền, ngụy tạo chứng cứ, cần kỷ luật thích đáng, mức cao nhất của hành vi vi phạm “Dạy thêm, học thêm trái phép” theo điều 22 Thông tư 17/2012 – TT-BGDDT.
Trước đó, cơ quan chức năng xử lý vi phạm “Dạy thêm, học thêm trái phép”, cô Hoa Anh đã đồng ý “tội danh” đó chưa; đã ký vào biên bản xử lý chưa; kể cả cô Anh đã đồng ý; sau đó tìm hiểu pháp luật, thấy mình không sai, thu thập chứng cứ bằng văn bản, giấy trắng mực đen, đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại; trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng phải xem xét.
Nhân văn ở chỗ nào?
Nếu đúng sự thật, dạy học miễn phí trong hè, không thu tiền, hành động đáng nêu gương, vinh danh, nhân rộng.
Nếu không làm rõ, làm đúng, gây oan sai cho cô giáo Anh; gây mất niềm tin cho dư luận xã hội, những người tốt, muốn làm việc tử tế cũng chùn tay.
Tác dụng của việc xử lý vi phạm không phải là để kỷ luật người khác, mục đích cao cả của nó là giáo dục người vi phạm, răn đe người khác.
Nếu không đạt được mục đích nhân văn của xử lý vi phạm, người thực hiện công vụ thất bại, không đạt yêu cầu.
Vì thế, cần, cần lắm sự nhân văn của cơ quan hữu trách, xem xét lại vụ xử lý vi phạm “Dạy thêm, học thêm trái phép” của cô Hoa Anh.
Đừng để người khác phẫn uất, bi thương, phải quỳ gối dâng đơn nơi chốn công đường. Làm rõ trắng đen sự việc, có kết luận làm tâm phục khẩu phục người vi phạm, đó là trách nhiệm, lương tâm của người thực thi pháp luật.
Chỉ đạo làm rõ, trả lời chính xác vụ xử lý vi phạm “Dạy thêm, học thêm trái phép” của cô Hoa Anh thể hiện cái tâm và tầm của người lãnh đạo Đắk Lắk.