Sau cái chết rúng động của Từ Hy Viên (còn được gọi là Đại S) tại Nhật Bản ngày 2/2 (Mùng 5 Tết Nguyên đán), chuyên gia khuyến cáo rằng những người mắc bệnh mãn tính nên hoãn các chuyến đi đến những khu vực có dịch cúm đang bùng phát. Đại S qua đời vì bệnh viêm phổi do cúm trong chuyến du lịch Nhật Bản. Tin tức đã gây chấn động giới giải trí châu Á.
Chuyên gia nói nếu cần thiết, du khách nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và ghi lại thông tin liên lạc của các cơ sở y tế địa phương trong trường hợp khẩn cấp.
Chia sẻ với China Daily, Leung Chi-chiu, chuyên gia hô hấp người Hong Kong, Trung Quốc cảnh báo rằng cúm không phải là bệnh cảm lạnh thông thường. Căn bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, ngay cả đối với những người trẻ khỏe mạnh.
Giống như nhiều nơi khác ở khu vực Bắc bán cầu, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản bước vào mùa cúm vào đầu tháng 1, hoạt động cúm theo mùa vẫn ở mức cao.
Trong bốn tuần đầu tiên của mùa cúm, thành phố đã báo cáo 122 ca tử vong do cúm. Số ca bệnh nặng và tử vong liên quan đến cúm cao hơn cùng kỳ trong mùa cúm trước. Hơn 70% trong số đó chưa được tiêm vaccine, theo chính quyền Hong Kong, Trung Quốc.
![Cảnh báo sau cái chết của Từ Hy Viên- Ảnh 1. Cảnh báo sau cái chết của Từ Hy Viên- Ảnh 1.](https://kenh14cdn.com/203336854389633024/2025/2/6/tuhyvien7-1638107368698-16381073-5642-2953-1738802446968-17388024471841079170111.jpg)
Chuyên gia lên tiếng cảnh báo sau khi Từ Hy Viên qua đời vì bệnh cúm.
Chuyên gia Leung Chi-chiu khuyến cáo những người sắp có chuyến đi nước ngoài nên tiêm vaccine cúm hai tuần trước khi khởi hành và đeo khẩu trang khi đi du lịch.
Leung khuyên rằng những nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như người già, trẻ em cũng như bệnh nhân tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh hô hấp mãn tính, nên tránh đến những khu vực có dịch cúm cao.
"Nếu những chuyến đi như vậy là cần thiết, du khách nên ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng khẩn cấp và vị trí của các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại điểm đến", chuyên gia nói.
Leung cũng nhấn mạnh rằng du khách không nên chỉ dựa vào các xét nghiệm nhanh để biết mình có bị cúm hay không. Bộ dụng cụ xét nghiệm có thể cung cấp kết quả không chính xác trong giai đoạn đầu của bệnh. Du khách cũng cần tìm kiếm lời khuyên y tế chuyên nghiệp nếu tình trạng xấu đi, nên tránh xa những nơi đông đúc hoặc thông gió kém và duy trì các biện pháp vệ sinh tốt.
Ngày 4/2, Lau Yu-lung, Chủ tịch Ủy ban Khoa học về các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, cho biết hoạt động của bệnh cúm ở các khu vực lân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn ở Hong Kong. Các trường hợp cúm ở thành phố có thể tăng trong hai hoặc ba tuần tới vì nhiều người dân đang trở về từ các chuyến du lịch nước ngoài.
Mặc dù Hong Kong chứng kiến sự gia tăng số lượng người nhập viện do bệnh cúm, ông nhấn mạnh rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố vẫn được trang bị đầy đủ để ứng phó.
Mike Kwan Yat-wah, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhi khoa châu Á, cho biết các trường hợp cúm ở trẻ em có thể tăng khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán .
Kwan kêu gọi các bậc phụ huynh tin tưởng vào khoa học và nhanh chóng đưa con đi tiêm vaccine để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng như viêm não sau khi nhiễm trùng.
Kwan lưu ý rằng vì mùa cúm trước kéo dài 28 tuần, hiện tại chưa quá muộn để tiêm vaccine.
Ngày 3/2, cơ quan chức năng Đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc cho biết hơn 98% trường mẫu giáo và trường học địa phương đã hoàn thành hoặc đang tổ chức các hoạt động tiếp cận tiêm vaccine cúm, tỷ lệ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine cúm cho trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi vẫn thấp so với các nhóm tuổi khác.
Edwin Tsui Lok-kin, kiểm soát viên Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe thuộc Bộ Y tế, nhấn mạnh người già và trẻ em có nguy cơ bị nhiễm bệnh và biến chứng cao hơn. Việc tiêm vaccine giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau khi nhiễm bệnh.
Tsui cũng khuyên du khách nên kiểm tra tình hình cúm tại điểm đến trước khi khởi hành và thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Các triệu chứng điển hình của cúm bao gồm sốt đột ngột, ho, đau họng, sổ mũi, đau cơ và khớp, mệt mỏi và đau đầu. Hầu hết người bị nhiễm bệnh thường sẽ hồi phục trong vòng hai tuần. Nhưng đối với nhóm có nguy cơ cao, cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm não, dẫn đến phải nhập viện và thậm chí tử vong.
Để làm giảm các triệu chứng, bệnh nhân được khuyên nên ở nhà và nghỉ ngơi, uống nhiều nước hoặc sử dụng thuốc kháng vi-rút theo đơn nếu cần thiết. Những người có nguy cơ cao hoặc những người có triệu chứng nặng hơn nên tìm kiếm lời khuyên y tế ngay lập tức, theo hướng dẫn do Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe ban hành.