Cảnh đời bấp bênh của những phụ nữ mưu sinh trên phố ở Hà Tĩnh

Mỗi ngày đi qua các tuyến phố Hà Tĩnh, chúng tôi bắt gặp không ít những người phụ nữ mưu sinh bằng nhiều công việc nhọc nhằn. Phía sau vết hằn dấu chân chim trên mắt, đôi tay chai sạn của họ là gánh nặng gia đình. Năm học mới sắp bắt đầu, nỗi lo của các chị lại nhiều hơn.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chúng tôi trò chuyện với chị Thu (xã Hồng Lộc, Lộc Hà), một thành viên trong nhóm các chị em “góa bụa” đi làm nghề phụ hồ ở các công trình tại thành phố Hà Tĩnh. Chị cho biết: “Nghề phụ hồ đối với phụ nữ cực kỳ vất vả. Nhưng không xin được việc gì khác chị và mấy chị em ở đây đành phải cố gắng làm. Mỗi ngày đi làm phụ hồ các chị được chủ thuê trả mỗi người 200 - 250 ngàn đồng. Nếu may mắn được đi làm đều đặn (khoảng 20 ngày/tháng) thì mỗi tháng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng. Đó là chưa kể ốm đau bệnh tật thì phải nghỉ”.


"Đằng sau sự vất vả của mẹ là mong muốn chắp cánh ước mơ cho các con đến trường..."

Khi được hỏi ngoài công việc nặng nhọc thì các chị có gặp khó khăn gì khi lên đây làm việc, chị Thu chợt rơm rớm: “Tháng trước, công trình chưa xong mà 5 chị em chúng tôi vừa bị sa thải chỉ vì cái tội “chết chồng” đấy”.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, mấy người còn lại giải thích: Thường làm nghề này họ đi cả đôi, chồng xây vợ phụ, bọn chị người góa bụa, kẻ chồng đi làm ăn xa nên khi công trình mới bắt đầu nhiều việc nặng thì họ nhận mình vào làm. Đến lúc chỉ còn việc nhẹ hơn thì quản lý lại ưu tiên cho những người có chồng cùng làm ở đó. Thành ra giai đoạn cuối bọn chị thường được cho nghỉ việc.


Những phụ nữ làm nghề "cửu vạn" ở đường Nguyễn Du

Được biết, trong 5 chị em phụ hồ, nhóm chị Thu có đến 4 người chồng mất, một mình lao động nuôi các con ăn học. Riêng chị Thu, chồng mất vì tai nạn giao thông cách đây gần 3 năm. Hai con lớn đang học đại học, đứa nhỏ đang học cấp 2. Chị cho biết thêm: “Cũng may các con chị đều ngoan, học giỏi, thằng lớn học trường quân đội nên được nhà nước nuôi, còn đứa con gái thứ 2 học đại học Ngoại thương tận TP Hồ Chí Minh cũng đi làm thêm sau giờ học đỡ đần mẹ phần nào”.


Như "cánh cò", chị Huyền (Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) vẫn hàng ngày tần tảo trên phố.

Cũng mưu sinh trên phố, nhưng chị Huyền (Thạch Quý, Tp Hà Tĩnh) lại chọn nghề bán rong hoa quả và các loại rau củ. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ của chị cũng chở nặng hành trình mưu sinh cuộc sống. Chị cho biết: “Tui cũng có hai con đang đi học, một đứa học ngành công nghệ thông tin, một đứa năm ni sắp vào đại học. Chồng làm nghề phụ hồ, tui vừa làm ruộng vừa đi bán thế này để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Mỗi ngày kiếm được khoảng 100 ngàn, nhưng ngày có ngày không chú à”.

Ngoài chị Thu cùng nhóm “góa bụa” đang làm phụ hồ ở đường Nguyễn Du, chị Huyền bán hàng rong ở các con phố, chúng tôi còn gặp rất nhiều chị em khác mưu sinh trên đường phố Hà Tĩnh bằng những nghề khác nhau. Như chị Liên (Hương Trà, Huế) bán chè rong, chị Lài (Can Lộc) bán nước giải khát ở đường Phan Đình Phùng… nhưng điểm chung của họ đều từ quê lên và phía sau công việc mưu sinh vất vả là những câu chuyện về thân phận cuộc đời. Họ là những người vợ, người mẹ, những “cánh cò kiếm ăn” nơi phố thị cõng trên đôi vai gầy guộc của mình nhiều nỗi lo toan gia đình.

Khi được hỏi ước mơ và mong muốn của các chị là gì, Chị Thu cố gắng ngăn giọt nước mắt đang ứa ra khóe mắt. Chị gượng cười: “Bọn chị thì có ước mơ chi, chỉ mong mình đủ sức khỏe, có việc để cố gắng làm lụng nuôi các cháu ăn học. Khi các con tự kiếm ăn được thì mình đỡ lo lắng thôi”. Chị Liên (Hương Trà, Huế) cũng chỉ mong có sức khỏe ngày nào hay ngày đó để đi bán chè chứ về quê ruộng vườn không có biết lấy chi để làm. Chị cũng cho biết, tuần sau sẽ về Huế để mua sắm sách vở cho các con bước vào năm học mới.


Năm học mới sắp đến những người bán hàng rong thêm bao nỗi lo toan...

Còn chị Thoại (Lộc Hà) làm nghề phụ hồ, có 3 đứa con năm nay một đứa vào đại học, một đứa đi học nghề thì mong muốn "tìm được việc gì đó ổn định như tạp vụ … nhưng khó quá”. Chồng chị cũng đi làm ăn xa. Trước khi làm phụ hồ, chị cũng nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không ai nhận vì tuổi cũng đã ngoài 40, bằng cấp không có.


Dù vất vả các chị vẫn luôn cố gắng để chắp cánh ước mơ cho con

Mùa Vu lan cận kề, năm học mới cũng sắp bắt đầu. Hai sự việc tưởng có vẻ không liên quan nhưng thực chất rất gần gũi. Bởi ẩn sâu bên trong đó đều là hình bóng những người mẹ, người cha tần tảo, hi sinh suốt cuộc đời để vun đắp nên những thành tựu cho con cái.

Như những “cánh cò”, những người phụ nữ mưu sinh nơi phố thị là những người mẹ đang âm thầm chịu đựng vất vả, gió sương để nuôi dưỡng ước mơ cho các con tại các ngôi trường.