Theo Hk01, hơn 10 năm trước, một cặp vợ chồng họ Lý (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Trung Quốc đã mang giấy tờ nhà đến một ngân hàng tại địa phương để làm thủ tục vay thế chấp 55.000 NDT (hơn 191 triệu đồng).
Với khoản vay này, họ bắt đầu hành trình trả nợ của mình với số tiền phải trả là 400 NDT/ tháng (hơn 1,3 triệu đồng). Theo tính toán của vợ chồng ông Lý, sau khoảng 10 năm, họ đã trả được 48.000 NDT (hơn 166 triệu đồng). Họ cảm thấy nhẹ nhõm khi khoản vay thế chấp năm nào đã gần được trả hết. Tuy nhiên trong một lần đến ngân hàng kiểm tra, vợ chồng ông Lý rất hoang mang khi được nhân viên thông báo số nợ của họ vẫn còn 45.000 NDT (hơn 156 triệu đồng). Không những vậy, cả hai còn nhận được thư đòi nợ của ngân hàng, nội dung cho biết nếu không sớm hoàn trả khoản nợ, ngân hàng sẽ phải bán đấu giá ngôi nhà mà họ đang ở.
![Cặp vợ chồng vay thế chấp 191 triệu đồng, sau 10 năm, nợ được trả gần hết vẫn bị ngân hàng bán đấu giá nhà, luật sư tuyên bố: Cặp vợ chồng vay thế chấp 191 triệu đồng, sau 10 năm, nợ được trả gần hết vẫn bị ngân hàng bán đấu giá nhà, luật sư tuyên bố:](https://kenh14cdn.com/203336854389633024/2025/2/8/grgtrg-1739004446929-17390044471131606363592.png)
Ảnh minh hoạ: Internet
Nhận được tin này, vợ chồng ông Lý gần như suy sụp. Với khoản vay của vợ chồng ông Lý, nhân viên ngân hàng cho biết tất cả số liệu từ khoản vay không có sai sót. Hợp đồng vay cũng là do họ ký và ngân hàng đã làm đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Đường cùng, vợ chồng ông Lý chỉ còn cách tìm đến luật sư để xin sự giúp đỡ. Tuy nhiên, luật sư sau khi tìm hiểu kỹ vụ việc cũng thẳng thắn cho biết họ không có cách nào để ngăn chặn việc ngôi nhà bị bán đấu giá và khả năng để vợ chồng ông Lý có thể giành chiến thắng nếu khởi kiện là vô cùng mong manh.
Theo luật sư này, trong hồ sơ vay tiền, vợ chồng ông Lý đã chọn phương thức trả nợ gốc và lãi bằng nhau qua các kỳ thanh toán. Đặc điểm của phương thức này là số tiền phải trả hàng tháng là như nhau, nhưng trong đó, tiền lãi chiếm đa số, tiền gốc chiếm phần nhỏ. Theo thời gian, tiền lãi ngày càng ít đi còn tiền gốc thì vẫn vậy.
Điều đó cũng có nghĩa là vì chọn thanh toán khoản vay theo phương thức trả gốc và lãi bằng nhau này nên trong suốt 10 năm qua, phần lớn số tiền 48.000 NDT được dùng để trả lãi thế chấp, và chỉ một số ít được dùng để trả nợ gốc. Tuy nhiên qua thăm hỏi, vợ chồng ông Lý cho biết họ không hề hay biết về điều này. Theo họ, lúc làm hợp đồng vay tiền, nhân viên ngân hàng đã không giải thích đầy đủ về khoản vay nên mới dẫn đến việc lâm vào tình huống éo le như vậy.
Sự việc trên đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên MXH, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh của cặp vợ chồng già, tuy nhiên họ cũng đồng tình rằng hành động của phía ngân hàng là hợp lý.
Cũng qua câu chuyện trên, luật sư khuyên người dân khi có nhu cầu đi vay tiền nên tìm hiểu kỹ thông tin về khoản vay và căn cứ vào tình hình thực tế của bản thân để lựa chọn phương thức trả nợ hợp lý. Chỉ bằng cách này, người đi vay mới có thể đảm bảo rằng lợi ích kinh tế của mình không bị tổn hại.
(Theo Hk01)