Cắt ghép phát ngôn của người nổi tiếng có thể bị xử phạt thế nào?

Hoa hậu Khánh Vân vừa bức xúc lên tiếng khi phát ngôn "sau một đêm ngủ dậy, tôi bỗng có nhà và xe mới" bị cắt ghép gây nên những hiểu lầm không đáng có.

Cắt ghép, xuyên tạc, rút gọn những phát ngôn của nghệ sĩ nhằm tạo sự chú ý, tranh cãi trên mạng xã hội diễn ra khá thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của nghệ sĩ mà còn khiến một bộ phận công chúng hiểu lầm, nhìn nhận thông tin theo khía cạnh tiêu cực.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên VTC News về vấn đề này.

Cắt ghép phát ngôn của người nổi tiếng có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 2.

Khánh Vân bức xúc lên tiếng khi phát ngôn 3 năm trước bị cắt với nội dung dễ gây hiểu lầm.

Hoa hậu Khánh Vân vừa phải lên tiếng vì phát ngôn 3 năm trước của cô bị cắt, làm thay đổi tính chất ban đầu và dễ tạo nên những hiểu lầm. Trước đó có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng gặp vào trường hợp tương tự. Theo ông, vì sao những người nổi tiếng lại thường xuyên gặp phải vấn đề này?

Do người nổi tiếng là người của công chúng nên họ thường nhận được quan tâm và theo dõi rất nhiều, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Một số người lợi dụng chuyện này để cắt ghép, xuyên tạc những phát ngôn của họ sau đó đăng tải lên trên trang cá nhân của mình như một hình thức ăn theo sự nổi tiếng. Họ muốn lôi kéo lượng người đọc, người xem, người theo dõi cho trang cá nhân, từ đó phục vụ cho các mục đích kinh tế, tăng doanh thu quảng cáo, hay những mục đích cá nhân khác.

Tôi cho rằng, cách cắt ghép, xuyên tạc này thực sự là việc làm không nên, không phải, không phù hợp với đạo đức xã hội, và chắc chắn cần phải có sự lên án để tránh gây ra những hệ lụy tai hại khác cho cá nhân nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng như cả xã hội.

Theo đánh giá của ông, trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng này diễn ra với mức độ như thế nào?

Qua những gì mà tôi thấy, tình trạng cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn đang diễn ra ngày càng nhiều, và mức độ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khi các mạng xã hội ngày càng phổ biến và chế tài trên các không gian này chưa đủ để xử lý nghiêm khắc, mang tính làm gương cho những hành động sai phạm.

Tôi cho rằng, tình trạng cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn của nghệ sĩ xảy ra khá thường xuyên vì nhiều lý do. Một trong những lý do chính là để thu hút sự chú ý và tăng lượt xem, tương tác với khán giả, bởi vì sự quan tâm đó sẽ mang lại doanh thu cho những trang web, trang mạng đăng tin. Ngoài ra, tình trạng cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn cũng có thể xuất phát từ những kẻ muốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến nghệ sĩ nào đó, nhằm mục đích phá hoại tên tuổi của họ hoặc thu hút sự chú ý cho bản thân.

"Việc cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn là không đúng, là vi phạm quyền riêng tư và làm ảnh hưởng đến uy tín của nghệ sĩ".

PGS. TS Bùi Hoài Sơn

Đôi khi cũng có trường hợp các phát ngôn của nghệ sĩ bị hiểu sai và bị cắt ghép hoặc xuyên tạc khi được tường thuật lại. Tuy nhiên, việc cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn là không đúng, là vi phạm quyền riêng tư và làm ảnh hưởng đến uy tín của nghệ sĩ, rộng hơn là làm rối loạn môi trường nghệ thuật, thị trường giải trí, ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng hành vi đạo đức của công chúng.

Điều đáng chú ý là không chỉ các trang mạng, trang fanpage mà một số người có uy tín, có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội cũng lựa chọn phương thức cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn để gây sự chú ý hoặc mục đích xấu. Điều này là không đúng và không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp của những người này.

Tất cả khiến chúng ta có thêm những lo ngại về trách nhiệm đạo đức của nghệ sĩ, người nổi tiếng đối với công việc và đối với xã hội. Chúng ta cần xử lý thật sớm để trả lại sự trong lành cho môi trường văn hóa của xã hội bởi bất kỳ cái xấu nào, dù nhỏ thôi, nhưng cũng có thể làm băng hoại giá trị đạo đức chung của xã hội.

Ông có thể phân tích những ảnh hưởng từ việc cắt ghép, xuyên tạc các phát ngôn của người nổi tiếng?

Quan điểm của tôi là việc cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn không đúng và là một hành động gây ra nhiều tiêu cực. Đó là vi phạm quyền riêng tư của nghệ sĩ hoặc người được trích dẫn, và có thể gây thiệt hại đến danh tiếng và uy tín của họ.

Ngoài ra, việc lan truyền thông tin sai lệch cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, đặc biệt là đối với những khán giả tin tưởng vào độ chính xác và trung thực của những người được coi là có tiếng nói trên mạng xã hội.

Ở một khía cạnh khác những người cố tình cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn của người khác, khi bị công chúng phát hiện cũng phải trả một cái giá khá đắt. Công chúng sẽ không còn niềm tin dành cho họ nữa. Sự uy tín của họ sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Do vậy, việc làm trên chỉ mang lại cái hại, chứ không mang lại bất cứ lợi ích gì, cho cả người phát ngôn, người xuyên tạc phát ngôn lẫn công chúng.

Mọi người cần phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, trung thực trong việc tường thuật lại và trích dẫn phát ngôn. Nếu có sự hiểu nhầm hoặc gặp vấn đề trong quá trình này, họ cần phải sửa chữa sớm và công khai lên các phương tiện truyền thông để tránh gây ra tranh cãi và ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của nghệ sĩ.

Cắt ghép phát ngôn của người nổi tiếng có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 4.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Ở khía cạnh pháp luật, cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn của nghệ sĩ bị xử lý như thế nào?

Kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy việc cắt ghép và xuyên tạc phát ngôn của nghệ sĩ được coi là vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến hình phạt dân sự hoặc hình phạt hình sự.

Ví dụ ở Hoa Kỳ, đối với các phương tiện truyền thông, việc cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn của nghệ sĩ có thể xem là vi phạm luật bản quyền, luật thông tin sai lệch và tổn thương danh dự. Nếu việc vi phạm này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến cho người bị tổn thương, họ có thể kiện hành vi này ra tòa án để đòi lại thiệt hại.

Ở một số quốc gia khác, những cơ sở pháp lí tương tự cũng được áp dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quy định cụ thể và hình phạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia.

Ở nước ta, việc cắt ghép, xuyên tạc phát ngôn của nghệ sĩ có thể bị xử lý theo các điều luật về bản quyền, thông tin sai lệch, tội danh tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Theo Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính thì sẽ bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, theo Luật Quảng cáo, các hoạt động quảng cáo cũng không được phép sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ khi được pháp luật cho phép.

Trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật; nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội; sẽ vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Theo đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".

Đối với trách nhiệm dân sự, tại khoản 3 điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải gỡ bỏ, cải chính bằng phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải hủy bỏ".

Khoản 5 điều này quy định "cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại".

Điều này cho thấy chúng ta rất nghiêm khắc với hành vi sai phạm này và đã có hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm. Chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm, mang tính làm gương để các hiện tượng này được xử lý triệt để hơn, đem lại sự tích cực cho môi trường văn hóa của xã hội.