Tôi đến đón con sau buổi lễ tổng kết. Cậu con trai lớp một mặt tiu nghỉu: "Mẹ ơi, con có được đi du lịch với cơ quan mẹ không ạ? Chị được giấy khen xuất sắc còn con chỉ được 8 điểm Toán và 7 điểm Tiếng Việt thôi ạ, con không có giấy khen đâu".
Khuôn mặt phụng phịu dỗi hờn pha lẫn chút xấu hổ, tự ti của con khiến tôi bối rối chưa biết nên nói gì. Nếu tôi nói: “Giấy khen không quan trọng” thì e con sẽ xem thường sự cố gắng, không có ý chí phấn đấu, mà chê trách con thì làm con thêm áp lực, tủi thân.
Vừa quay ra, tôi gặp ngay chị phụ huynh cậu bé cùng lớp con. Vẻ mặt bực tức, chị nói ngay: "Tiến Đạt nhà chị Toán 8 mà Tiếng Việt 6, xấu hổ lắm, giấy khen các bạn cầm đỏ lớp mà nó không được, hôm sau bố nó về chắc sẽ thất vọng lắm, bực khiếp".
Mường tượng cảnh thằng bé lớp 1 với đôi mắt trong veo, khuôn mặt khôi ngô mang theo nhiều kỳ vọng của bố mẹ - ngay cả cái tên cũng đã nói lên điều đó "tiến bộ và thành đạt” ỉu xìu vì không có giấy khen, tôi bước lại gần an ủi: “Con được 8 điểm Toán chứng tỏ con thông minh, chỉ cần con cố gắng chăm chỉ hơn, năm học tới con sẽ được giấy khen như các bạn thôi".
Tôi nghĩ đến con tôi, cháu Tiến Đạt và những cháu khác không mang về được tờ giấy khen đáng tự hào kia, sẽ khiến những ông bố bà mẹ vốn nhiều kỳ vọng vào con cái ít nhiều thất vọng, thậm chí là xấu hổ, bực tức.
Hôm nay, trên facebook, có một hình ảnh rất gây chú ý, nói đúng hơn đó là một hình ảnh rất ám ảnh, cả lớp học giơ cao tờ giấy khen đầy hoan hỉ chỉ trừ một em duy nhất không có giấy khen, đang ngồi buồn xo, lạc lõng trông rất đáng thương.
Bức ảnh vạn lời bình đó nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi lên đến hàng ngàn lượt. Dĩ nhiên, trong vô vàn comment đó, hầu hết mọi người đều bộc lộ sự cảm thông, ái ngại cho cậu bé không có giấy khen, rằng tâm hồn non nớt trong trắng thơ ngây của em sẽ bị tổn thương, sẽ cảm thấy mình vô dụng và nỗi mặc cảm sẽ theo em suốt sau này.
Tôi đã đọc luôn cả bức thư “gửi em học sinh không được giấy khen” - Người viết xưng là “Thầy” và bài viết có đính kèm bức thư được chia sẻ ấy cũng khá thỏa đáng, ấm áp chân tình, những lời động viên khích lệ em cố gắng nhiều hơn,…
Tờ giấy khen, bản thân nó mang ý nghĩa rất tốt đẹp. Chức năng, công dụng của nó là để ghi nhận, khen ngợi những nỗ lực phấn đấu, đó là cái đích tốt, một mục tiêu nghiêm túc, chính đáng mà mỗi học sinh, mỗi người đều nên hướng đến.
Một giáo viên cố gắng trau dồi chuyên môn, thi đua dạy tốt học tốt, tích luỹ kinh nghiệm, tìm tòi ý tưởng để viết sáng kiến kinh nghiệm, định hình mục tiêu phấn đấu. Tờ giấy khen của cấp trên là sự ghi nhận những vất vả của họ, nếu kèm theo quả thưởng nữa thì thật vinh dự và hạnh phúc. Đó sẽ là động lực để họ tiếp tục phấn đấu hơn nữa.
Tờ giấy khen quả thật không có tội tình gì, khen thưởng cũng chẳng có gì là sai trái, điều đáng tiếc là cách chúng ta nhìn nhận về nó.
Giấy khen và sự khen thưởng đều có tác dụng tốt, chẳng có gì sai trái. Ảnh minh họa
Mấy năm gần đây, ngành giáo dục có nhiều loại giấy khen các mặt là nhằm để kích thích sự cố gắng nỗ lực, ghi nhận năng lực cụ thể cho từng em ở từng khía cạnh mà em có học sinh đó có sở trường. Ví dụ khen: Giải khuyến khích cuộc thi vẽ tranh, đạt giải cuộc thi chạy, khen em vỡ sạch chữ đẹp... Điều này thật sự rất hợp lý, nhân văn và mang tính ghi nhận thỏa đáng.
Đừng vội nói Việt Nam mình này nọ, ở Âu Mỹ văn minh người ta không nịnh bợ, thành tích ảo,... Chính ở các nước phát triển, người ta cũng rất đề cao sự ghi nhận và khích lệ. Trong các cuộc thi như thi vẽ tranh, thi nấu ăn, ban giám khảo sẽ chia ra nhiều hạng mục giải, nào là “Họa sỹ nhí triển vọng”, giải “Bức tranh ấn tượng”, giải thưởng “Ý tưởng sáng tạo”... Rất nhiều giải thưởng, giấy khen của chúng ta cũng là tham khảo từ họ mà ra.
Tuy nhiên đừng dùng giấy khen để kết tội, đánh giá một con người, học sinh. Có đôi khi, chỉ cần có ý thức, tham gia "cuộc đua" là đã đủ để được khen ngợi rồi.
Tôi đã bị ấn tượng trước phần trình diễn ở nước ngoài của một thí sinh khiếm thính, cô gái nói mấy câu về bản thân, cả khán phòng lặng đi, rồi vang lên những tràng pháo tay động viên không ngớt, cô giám khảo xinh đẹp chạy đến ôm vỗ vai cô ấy, mọi người đứng dậy cổ vũ. Điều này khiến cô gái ban đầu rất mất bình tĩnh, giọng run, đôi chỗ âm không rõ vì mất bình tĩnh, quên lời bài hát, đã hát trong say mê, trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Ban Giám Khảo đã nói cô được chọn vào vòng trong, rằng họ hy vọng cô sẽ thể hiện tốt hơn và rằng cô sẽ còn tiến xa hơn nhiều và rằng hôm nay, tuy cô chưa thật xuất sắc nhưng không sao, thành công không nhất thiết phải là một thành tích vĩ đại mà đơn giản là vượt qua được sự sợ hãi để đứng đó, cất lên tiếng hát và mang đến cảm hứng đặc biệt…
Đã hai năm trôi qua, tôi không nhớ rõ và đầy đủ tên cô gái nhưng tôi nhớ mãi tiếng vỗ tay và cảnh tượng xúc động tuyệt vời lúc đó. Do vậy, hãy dành sự khích lệ, cổ vũ cho cả những người chưa được giấy khen để họ có động lực tiếp tục phấn đấu chứ đừng trách móc hay tỏ ra thất vọng để khiến họ tự ti về bản thân, mất đi tinh thần phấn đấu.
Đặc biệt là đối với những đứa trẻ, kinh nghiệm sống non nớt và tinh thần nhạy cảm của các em sẽ khiến chúng bị tổn thương nặng trước những lời trách móc, ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách sau này.