Câu hỏi khiến người chơi xuất sắc nhất Ai là triệu phú phải ra về

Câu hỏi: "Ông Lê Ngọc là tác giả đã tạo nên bức tranh về Bác Hồ bằng cách thức nào?" khiến người chơi xuất sắc nhất của "Ai là triệu phú" 2024 phải ra về. 

Câu hỏi số 14 về bức tranh chân dung Bác Hồ khiến người chơi Phạm Cao Long - tham gia chương trình Ai là triệu phú số phát sóng 26/11 - phải dừng cuộc chơi. Ông Phạm Cao Long nhận tấm séc trị giá 80 triệu đồng, trở thành người chơi giành số tiền thưởng cao nhất kể từ khi Ai là triệu phú nâng giá trị giải thưởng.

Câu hỏi như sau: "Ông Lê Ngọc là tác giả đã tạo nên bức tranh về Bác Hồ bằng cách thức nào?". Bốn phương án lần lượt được đưa ra là sử dụng máy đánh chữ, ghép bằng đá quý, vẽ tranh bằng máu và vẽ trên lụa.

Người chơi quyết định dừng bước vì đã hết quyền trợ giúp, không có dữ liệu nào để trả lời câu này. Tuy nhiên nếu được đi tiếp, ông chọn phương án sử dụng máy đánh chữ. Cuối cùng, MC Đinh Tiến Dũng công bố đó là đáp án chính xác. Người chơi tiếc nuối vì không dám mạo hiểm.

Bức họa chân dung Bác Hồ do ông Lê Ngọc (Lê Quang Ngọc) tạo hình bằng chiếc máy đánh chữ nhân dịp mừng sinh nhật tuổi 61 của Bác (19/5/1951).

Trước năm 1945, ông Lê Ngọc từng học Trường trung học Gia Long (Hà Nội). Ông vừa học chữ ở trường, vừa học thêm đánh máy chữ buổi tối. Ông Lê Ngọc được biết đến là “vua máy chữ” khi mở trường dạy đánh máy chữ đầu tiên của người Việt tại địa chỉ 24 Hàng Rươi (Hà Nội) - nơi ông vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên duy nhất.

Sau đó, trường chuyển về 39B phố Hàng Bài. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, mua một máy đánh chữ cũ cũng bị kiểm soát gắt gao nhưng lớp học đánh chữ của ông vẫn được duy trì. Hàng nghìn người đánh máy chữ thành thạo nhờ thầy giáo Lê Ngọc.

Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Lê Ngọc được tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Lê Ngọc được tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đến năm 1950-1951, ông Lê Ngọc tham gia vào những hoạt động kháng chiến chống Pháp bằng cách dùng máy đánh chữ riêng đánh truyền đơn, tài liệu cho tổ chức kháng chiến. Đó cũng là khoảng thời gian ông tạo nên bức tranh đặc biệt về Bác Hồ.

Ông từng chia sẻ: “Ý tưởng thì có nhưng trong tay tôi không có một tấm ảnh Bác Hồ để mô phỏng theo được. Tôi báo cáo cấp trên xin gửi cho tôi một tấm ảnh chân dung Bác. Vài ngày sau, tấm hình của Bác được cắt trong một bài báo in tại Việt Bắc được đưa đến”.

Câu hỏi khiến người chơi xuất sắc nhất Ai là triệu phú phải ra về - 3

Hình ảnh ông Lê Ngọc vẽ chân dung Bác Hồ bằng máy đánh chữ.

Sau khi nhận được ảnh, ông nhờ một người bạn thân là họa sĩ Mạnh Quỳnh phác lại trên một trang giấy. Tấm ảnh đầu tiên không thành công, ông phải làm lại. Tới lần thứ hai thì đạt yêu cầu. Bức ảnh được chụp và in ra nhiều bản. Từ chiếc máy đánh chữ cũ, vừa đánh vừa sửa, ông Lê Ngọc vẽ nên chân dung Bác Hồ bằng những ký tự và dấu chấm, dấu phẩy.

Bức họa được in ra làm truyền đơn, khẩu hiệu ủng hộ kháng chiến, làm mẫu cho các nữ sinh Hà Nội đan áo ấm gửi tặng các chiến sĩ ngoài vùng kháng chiến.

Năm 1955, kháng chiến thành công, Bác Hồ và Chính phủ về Hà Nội. Tác phẩm của ông Lê Ngọc được chụp lại, trở thành “kỷ vật kháng chiến” để tặng cho nhiều đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc khi sang thăm Việt Nam.

Sau này, ông Ngô Mạnh Tiên ở Huế cũng sử dụng máy đánh chữ để khắc họa chân dung Bác Hồ. Năm 1975, ông Ngô Mạnh Tiên nảy ra ý tưởng cho tác phẩm.

Thực hiện xong bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng các chữ cái từ chiếc máy đánh chữ, ông Ngô Mạnh Tiên đặt trang trọng trên chiếc tủ gỗ giữa nhà. Năm 1977, ông tặng bức họa này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế bảo quản và trưng bày.