“Có mấy lần còn té suối, con sợ lắm"
Bắc Quang và Hoàng Su Phì là 2 huyện vùng sâu thuộc tỉnh Hà Giang, địa hình đồi núi hiểm trở, thác nước cheo leo. Bởi trường học chỉ nằm ở trung tâm, trẻ em ở đây muốn đến lớp có khi phải đi đường vòng xa gần 2 chục cây số, hoặc đi đường tắt băng đèo vượt suối vô cùng nguy hiểm.
Vào những tháng mùa mưa, đường đi vốn đã khó khăn lại càng thêm trơn trượt. Những ngày lưu lượng mưa lớn, tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên, việc đến trường của bọn trẻ con luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Em Hà La Th. (14 tuổi) học trường THCS Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì vẫn chưa quên được lần mình té suối vào năm ngoái, “Đường tuy khó đi nhưng con cũng quen rồi. Nhưng bữa đó trời mưa quá nên nền đất trơn, con sẩy chân té suối. May mà người dân gần đó họ cứu kịp. Giờ nhớ lại con còn sợ lắm.”
Nhiều gia đình như của Hà La Th. vì xót con đi đường xa, sợ mùa mưa sạt lở đã cho các em nghỉ học giữa chừng, tạm gác lại giấc mơ con chữ để phụ gia đình làm nương rẫy. Một cây cầu chắc chắn không chỉ giúp đắp nối đôi bờ, mà còn là niềm mong mỏi của những đứa trẻ muốn đến trường đến lớp.
Hai cây cầu chở niềm vui đến vùng quê hẻo lánh
Kể từ ngày dự án “Xây Cầu Đến Lớp” do Grab phối hợp Quỹ Bảo trợ Trẻ em thực hiện về đến hai huyện Bắc Quang và Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, niềm vui dần trở lại với bà con, đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao chờ ngày được đến trường trở lại.
Hôm khánh thành cầu, bọn trẻ con í ới nhau không ngớt. Lần đầu tiên thấy xã mình có một cây cầu kiên cố, đám con nít chạy qua chạy lại như muốn cảm nhận rõ sự chắc chắn dưới từng bước chân, khác hẳn những run rẩy, chòng chành mỗi lần đi qua cây cầu chênh vênh lúc trước.
Triệu Mù Ngh. cậu học trò nhỏ từng phải dang dở ước mơ học chữ vì đường xá xa xôi nay đã có thể đến trường cùng chúng bạn. “Có cầu mới u thầy cho con đi học trở lại. Trước con bỏ một lớp, giờ học với mấy em nhưng cũng không sao, được tới trường là con vui rồi. Năm sau con ráng đạt danh hiệu giỏi cho thầy u mừng.”
Niềm hân hoan của các em nhỏ trong lễ khánh thành công trình cầu đập tràn
Cây cầu nhỏ nối đôi bờ đi lại, chắp ước mơ học chữ của bọn trẻ con và còn viết nên những ước mơ to đẹp hơn cho đám nhỏ vùng quê nghèo. Niềm vui thực sự đã trở về với nơi đây. “Giờ có cầu rồi ha, con học chăm sau này làm cô giáo về dạy lại cho các em nhỏ. Mà tụi nhỏ sau này sướng, tại có cầu rồi nên không phải đi đường xa hay bị té suối như con hồi đó nữa.”, bé Phùng A Tr., học sinh trường tiểu học Tân Lập tỉnh Hà Giang không giấu được vui mừng, vừa cười cười nói.
Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng trực tiếp trước những đổi thay từ xã hội. Trong khi đời sống vật chất lẫn tinh thần đang dần được cải thiện, vẫn còn rất nhiều trẻ em ở vùng hẻo lánh xa xôi như tỉnh Hà Giang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn.
Với mục đích viết lại giấc mơ đến trường của những đứa trẻ, dự án “Xây Cầu Đến Lớp" do Grab phối hợp Quỹ Bảo trợ Trẻ em đến nay đã thực sự mang lại những đổi thay tích cực cho cuộc sống các em với 5 cây cầu kiên cố được xây dựng sau hơn 1 năm triển khai cho các huyện vùng sâu vùng xa thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Hà Giang. Hàng trăm trẻ em được tiếp tục giấc mơ đến lớp, và hàng triệu hy vọng đã nương lại cuộc sống của bà con. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Grab nhằm hướng tới sứ mệnh “Grab Vì Cộng Đồng” mà Grab đã cam kết lâu dài tại Việt Nam.