Locke, tác giả của cuốn The Bonsai Child, sử dụng phép so sánh việc chăm nuôi cây cảnh bonsai để mô tả cách nuôi dạy một đứa trẻ trong một môi trường được bảo vệ quá mức, khiến chúng không thể đối phó tốt trong thế giới thực. Điều này rất có hại cho tương lai của đứa trẻ.
Dưới đây là những dấu hiệu cha mẹ đang chăm con thái quá:
1. Hỗ trợ con quá mức trong các nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn
Biểu hiện đầu tiên là cha mẹ, có thể với mục đích tốt, hỗ trợ con quá mức trong các nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn. Điều này có thể khiến đứa trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng thiết yếu.
Theo chuyên gia, điều này còn liên quan tới sự đáp ứng tình cảm một cách quá mức mà cha mẹ dành cho con. Nó được thể hiện ở mức độ yêu thương, chăm sóc, tình cảm và lời khen ngợi mà cha mẹ dành cho con cái vượt mức độ cần thiết.
Khi được khen ngợi thái quá, trẻ sẽ không quen với bất kỳ lời chỉ trích mang tính xây dựng nào, thậm chí luôn cần tới lời khen ngợi, trấn an đó thường xuyên.
2. Thế giới phải xoay quanh trẻ
Những đứa trẻ được chăm sóc quá mức thích trở thành trung tâm của sự chú ý, thế giới phải xoay quanh chúng. Khi cha mẹ càng đáp ứng con, trẻ sẽ càng tăng mức đòi hỏi, yêu cầu của bản thân đối với mọi người.
3. Không cho con thất bại
Không ai muốn thất bại. Đôi khi chúng ta hoài nghi bản thân vì mong muốn trở nên hoàn hảo khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang thất bại trong việc làm cha mẹ. Nỗi sợ thất bại đó có nghĩa là chúng ta đôi khi cố gắng đảm bảo con mình không thất bại.
Hãy để con trải qua thất bại và nhìn con đứng lên. Có thể con sẽ làm bạn ngạc nhiên. Nếu con không được nhận vào đội bóng đá, con có thể tập luyện chăm chỉ hơn và trở thành ngôi sao bóng đá trong mùa giải mới.
Nếu con không làm bài tập về nhà vì không có bạn ở bên thúc giục, con sẽ phải đối mặt với giáo viên và tìm cách tự hoàn thành bài tập.
4. Quản lý mọi thứ cho con bạn
Bạn có đang giữ con của bạn quá gần bản thân mình? Việc quản lí mọi khía cạnh trong cuộc sống của con cái đều không tốt cho cả hai. Quản lý vi mô có thể ngăn cản con bạn theo đuổi những đam mê và tìm thấy những sở thích mà chúng mong muốn.
Hãy mở lòng để con nói cho bạn biết chúng muốn làm gì, từ việc bắt đầu một sở thích cho đến việc ngủ lại nhà một người bạn nào đó.
Hãy để con trải qua thất bại và nhìn con đứng lên. (Ảnh minh hoạ)
5. Nỗ lực làm cho con luôn vui vẻ
Ví dụ, trong những ngày nghỉ, thay vì để trẻ có "không gian buồn chán", cha mẹ tìm mọi cách lấp đầy thời gian rảnh đó của con bằng các hoạt động. Điều này vô tình cản trở sự chủ động, linh hoạt của trẻ để xoay sở một tình huống.
6. Không dạy con về trách nhiệm
Bạn dọn giường, quét phòng, cất quần áo cho con, làm hết mọi việc thay con. Có thể sẽ dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn khi để bạn tự làm tất cả. Nhưng bạn cũng cần dạy con về trách nhiệm.
Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể phụ giúp việc nhà và học được những bài học đầu đời về trách nhiệm. Hãy dành thời gian dạy con cách dọn dẹp phòng, phân công việc nhà phù hợp lứa tuổi cho mọi thành viên trong gia đình.
7. Tin tất cả những gì trẻ nói
Tin rằng tất cả những gì một đứa trẻ nói cũng có thể trở thành một vấn đề, Locke, tác giả của cuốn The Bonsai Child, chỉ ra. Ví dụ, khi con bạn về nhà và nói rằng bạn học đã bắt nạt mình, cô giáo đối xử bất công với mình, cha mẹ có xu hướng tin con hơn những người khác.
Đương nhiên, Locke cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng mỗi khi con nói dối. Bà nhận định: "Ở một mức độ nhất định, nói dối ở trẻ em thực sự là sự phát triển của kỹ năng linh hoạt, nhằm thay đổi sự thật, làm cho nó phù hợp với hoàn cảnh mà trẻ rơi vào". Do đó, trong tình huống này, cha mẹ nên bình tĩnh để có cái nhìn khách quan với mọi vấn đề.
8. Liên tục nhắc nhở con về các mối nguy hiểm
Giữ an toàn cho con bạn luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đừng dọa con sợ hãi với mọi việc nhỏ mà con làm. Nếu bạn nhận thấy mình liên tục nói với con "đừng", "dừng lại!" thì đừng làm thế và hãy dừng chính bạn lại. Tất cả những gì con nghe thấy là sự tiêu cực đến từ mọi hướng và mọi thứ mà con định làm. Nếu con đang chơi giữa đường phố, chắc chắn bạn cần nhắc con dừng lại.
Tuy nhiên nếu con đang leo bậc thang ở khu trò chơi của trẻ em tới lần thứ 100 thì bạn có thể nghỉ ngơi, cẩn thận quan sát và biết rằng con có thể làm được.
Cuộc sống không chỉ toàn ánh dương và màu hồng. Trẻ em ngày nay chơi những trò chơi điện tử mà chúng ta từng không thể nghĩ tới. Chúng đối mặt với những nguy hiểm mà chúng tôi từng không phải lo lắng và nhìn thấy trên TV những hình ảnh mà trước đây chúng ta chỉ có thể xem trên kênh trả phí sau nửa đêm. Cha mẹ muốn bảo vệ con càng lâu càng tốt khỏi những thứ có hại và xấu xa.
Tuy nhiên để con sống trong một quả bong bóng tách biệt với thế giới thực là điều không tưởng. Tốt hơn là bạn nên dạy con về một số thực tế khắc nghiệt của thế giới hiện đại để con có thêm kinh nghiệm sống mà không phải học hỏi từ bạn bè hay phải chạy theo đám đông vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Quả bong bóng đó chỉ có thể bảo vệ con bạn nhất thời và cái bạn nên truyền cho con là những kinh nghiệm sống sẽ theo con suốt cuộc đời.