Vượt qua nỗi sợ hãi và sự ích kỷ
Những ngày Sài Gòn “bệnh”, người dân thành phố đã quen với hình ảnh một chàng trai trẻ “chạy ngược chạy xuôi” hỗ trợ người dân: Khi thì phát lương thực cùng thuốc men, khi thì tham gia sát khuẩn khu vực có dịch, lúc lại vận chuyển bốc dỡ hàng hóa. Làm việc hết công suất nhưng chàng trai ấy không một lời kêu than, nụ cười ấm áp luôn nở trên môi.
Đó là chàng nhiếp ảnh gia Lê Quang Long (SN 1993, đến từ tỉnh Quảng Nam). Hiện anh đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM. Anh là một nhiếp ảnh gia tự do, kinh doanh studio chụp ảnh cưới.
Vừa qua, trước thời điểm TP.HCM thông báo giãn cách xã hội, anh Quang Long có thể lựa chọn về quê tránh dịch như bao người khác. Tuy nhiên, cuối cùng, anh đã chọn ở lại "chiến đấu" chống dịch cùng mọi người.
Anh Lê Quang Long chia sẻ với phóng viên: “Bây giờ khó nói lý do vì sao tôi quyết định ở lại Sài Gòn lắm. Lúc đó, tôi không nghĩ ngợi gì, tình thế cấp bách vô cùng, quyết định nhanh nên chẳng tính toán. Ngoài xã hội cũng có bao người quyết định ở lại Sài Gòn, tôi nghĩ ngoài mong muốn giúp đỡ người khác thì cũng không có lý do gì để chấp nhận rủi ro lây bệnh. Nhờ có họ mới có một Sài Gòn truyền cảm hứng những ngày qua”.
“Khi số ca bệnh ngày càng tăng, tôi đã nhen nhóm ý định từ bỏ. Nhưng khi nhìn những ánh mắt mang sự trông cậy, kỳ vọng, những lời nói mang tính cảm kích và những tin nhắn thông báo địa phương cần sự trợ giúp... tôi thấy trọng trách và lòng tin đặt lên vai mình quá nhiều. Quên đi ý định từ bỏ, tôi không thể quay đầu, sự sợ hãi và ích kỷ dần biến mất. Mỗi người đều có sự đấu tranh giữa lợi ích và lòng tốt, tất cả chúng ta đều là người bình thường khi đứng trước bản năng sinh tồn”, chàng trai trẻ cho biết.
Mỗi ngày, anh Quang Long cùng các tình nguyện viên vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu đến người dân.
Khi quyết định ở lại thành phố, gia đình anh Quang Long rất lo lắng nhưng vốn hiểu tính cấp bách và ý nghĩa công việc mà con trai đang làm nên không cấm cản hay tạo áp lực. Họ chỉ dặn dò anh giữ gìn sức khỏe, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, tránh làm việc đến kiệt quệ.
“Làm đến khi nào không làm nổi mới thôi…”
Công việc mỗi ngày bắt đầu lúc 3h sáng, anh Quang Long cùng các tình nguyện viên khác bốc dỡ nhu yếu phẩm tiếp tế và chia ra nhiều phần. Quá trình cơ bản là: Bốc hàng, phân loại, chia phần rồi vận chuyển ra xe chở hàng đi.
Trong quá trình làm việc, anh Quang Long được chứng kiến nhiều câu chuyện tang thương đau lòng và xúc động. Những đứa trẻ nhỏ xíu bị đưa đi cách ly trông tội nghiệp là hình ảnh không bao giờ anh quên được. Hay có những gia đình nghèo khó, không có tiền sinh hoạt, khi nhận được gói đồ ăn tiếp tế, họ mừng rỡ bật khóc vì cảm động.
Anh luôn chấp hành nghiêm túc phương pháp phòng chống dịch bệnh.
Làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, mỗi ngày, anh Quang Long cần đảm bảo các khâu khử trùng và giữ khoảng cách, cố gắng ăn uống đầy đủ đúng giờ. Nhiều lúc, chàng trai trẻ chứng kiến ca bệnh F0, F1 cũng rơi vào trạng thái hoảng sợ muốn bỏ về ngay. Sau cùng, anh tự nhủ, khi đã chứng kiến hoàn cảnh đáng thương mà không giúp đỡ thì không đành lòng. Có những trường hợp, anh đứng ở xa động viên họ, và cũng có những trường hợp do cảm thương nên chàng trai trẻ lại gần động viên họ vơi đi nỗi lo sợ. Anh Quang Long không chỉ làm việc vì trách nhiệm mà bằng tất cả tình yêu thương, sự đồng cảm với những người bệnh, người nghèo khó khăn.
Anh Quang Long chia sẻ: “Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, mọi người còn được ở bên gia đình, còn được tiêm vaccine phòng dịch là may mắn rồi. Ngoài kia, còn rất nhiều người đến thông lệ được đưa tiễn cuối cùng cũng không được. Vì thế, mọi người cần tuân thủ theo chỉ thị của chính phủ, đừng tạo thêm áp lực cho những người tuyến đầu chống dịch”.
“Mọi việc rồi sẽ qua đi, tôi không muốn dành thời gian cho những điều tiêu cực, vô nghĩa. Người thương nói sao cũng đặng, kẻ ghét nói gì cũng thừa. Nếu làm việc hay cách sống khiến mọi người hài lòng thì có rất nhiều cách, chẳng ai bán mạng chỉ vì vài sự hài lòng hay dăm ba những lời tán thưởng. Tôi nghĩ quan trọng là bản thân hãy cứ cống hiến, làm những việc mình thấy ý nghĩa, thấy cần thiết”, chàng nhiếp ảnh gia bày tỏ quan điểm.