Hoàng Văn Điệp sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có nghề đúc đồng truyền thống. Từ nhỏ, Điệp được ông bà, rồi cha mẹ chỉ bảo, làm quen với nghề đúc đồng. Lớn lên, dù tay nghề đúc đồng đã thành thục, nhưng Điệp vẫn quyết định theo học các nghệ nhân để nâng cao tay nghề, làm ra những sản phẩm tinh xảo hơn.
Khi Điệp có thể làm được nhiều sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, như lư hương, đỉnh đồng, đôi hạc, bức tranh, hoành phi, câu đối,... anh bắt đầu tính đến chuyện mở cửa hàng có xưởng sản xuất của riêng mình. Để mở cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng đòi hỏi một số vốn lớn.
“Rất may, năm 2018, khi tôi mở cơ sở thì được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, với số tiền vay 2 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm. Nguồn vốn này hỗ trợ tôi vượt qua khó khăn ban đầu của quá trình khởi nghiệp, giúp tôi vững tâm đi theo con đường đã chọn”, Điệp chia sẻ.
Với số tiền vay này, cùng vốn tự có của gia đình, Điệp đầu tư mua dây chuyền sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Khác với nhiều người đi trước trong làng nghề, Điệp luôn tìm cách đổi mới mẫu mã các sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ban đầu, anh bán lẻ cho các mối quen có từ lúc làm chung với bố mẹ. Sau đó, Điệp mang sản phẩm đi “chào hàng” ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đến nay, anh có đầu mối bán buôn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Điệp cho biết, mỗi năm cơ sở của anh thu về hơn 12 tỷ đồng, trừ các chi phí, anh lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Hiện cơ sở tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, chủ yếu là thanh niên.
Chị Nguyễn Thị Chinh, Bí thư Huyện Đoàn Gia Bình (Bắc Ninh) đánh giá, anh Hoàng Văn Điệp (ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) là một trong những điển hình thanh niên khởi nghiệp, làm giàu ở địa phương. Với việc mở cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng, Điệp không chỉ tạo việc làm cho các lao động mà còn góp phần giữ gìn và “tiếp lửa” nghề truyền thống của ông cha để lại.