Chàng trai 9x người Việt làm thạc sĩ tại Mỹ, chia sẻ trải nghiệm đắt giá khi học ở Harvard

Trở về từ Mỹ sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, chàng trai trẻ Trần Hà Dương có dịp gặp gỡ nhiều bạn sinh viên khi được mời làm diễn giả trao đổi về hướng nghiệp. Một trong những câu hỏi anh hay nhận được nhất là đã học được gì từ trải nghiệm tại Harvard?

Sau khi học Thạc sĩ chính sách công tại đại học Harvard, Trần Hà Dương trở lại quê hương và hiện đang làm trong ngành tư vấn chiến lược tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Trước đó, Dương là Cử nhân chuyên ngành Kinh tế tại Swarthmore (Top 3 LAC Mỹ), từng làm việc tại các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ lớn tại Mỹ, Singapore và Việt Nam...

Ngoài thành tích học tập nổi bật từ khi ở bậc trung học, Trần Hà Dương còn được biết đến với những hoạt động xã hội, thể hiện năng lực lãnh đạo, khả năng tranh luận và hùng biện xuất sắc.

Năm 2006, khi đang học lớp 9, Dương giành được học bổng A*Star của chính phủ Singapore. Sau đó, chàng trai trẻ lên đường du học từ khi mới 15 tuổi và luôn có thành tích đứng đầu khi theo học 4 năm ở ngôi trường hàng đầu Singapore Hwa Chong Institution.

Về nước, Dương đã làm diễn giả tại nhiều buổi trao đổi, trò chuyện về chủ đề hướng nghiệp cho các bạn sinh viên ở trường đại học như Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia... Một trong những câu hỏi anh hay nhận được nhất là đã học được gì từ trải nghiệm tại Harvard?

Chàng trai 9x người Việt làm thạc sĩ tại Mỹ, chia sẻ trải nghiệm đắt giá khi học ở Harvard - 3

Trần Hà Dương trao đổi, trò chuyện cùng các bạn trẻ về định hướng hướng nghiệp

"Thú thật là trả lời câu hỏi này là điều không dễ đối với mình, bởi có quá nhiều những bài học đáng nhớ mình đã nhận được. Mình cũng không hy vọng sẽ hoàn toàn “vén màn bí mật” của ngôi trường danh giá này, mà chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ một số điều mà mình tâm đắc nhất từ góc độ trải nghiệm của bản thân." - Dương cho biết.

Chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ, điều đầu tiên được học là tinh thần mãi mãi học hỏi. "Có lẽ nhiều bạn nghĩ rằng ai được nhận vào Harvard cũng đều là những người giỏi và thành công rồi, và vì thế không cần học thêm nữa. Thế nhưng, một trong những bài học mà mình nhận được từ các giáo sư tại Harvard từ những ngày đầu là cần phải luôn luôn giữ cho mình “growth mindset”, hay còn gọi là tư duy cầu tiến. Tri thức của nhân loại là vô bờ, càng học càng nhận ra rằng mình chưa biết gì hết, vì vậy tư duy cầu tiến giúp chúng ta có khả năng tiếp nhận những ý kiến khác biệt và mới mẻ với thái độ rộng mở hơn, thay vì đóng khung bản thân trong những định kiến cá nhân.

Tại Harvard, mình cảm nhận được tinh thần này rất rõ không chỉ trên lớp mà cả ngoài lớp học. Mình đã học hỏi được rất nhiều khi trò chuyện với các bạn học là các chuyên gia với kinh nghiệm hàng chục năm, hay đang đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính phủ các nước, nhưng vẫn quay trở lại giảng đường để mở mang thêm hiểu biết.

Mình cũng quen với việc nhìn thấy các giáo sư - những người có thể coi là đầu ngành trên thế giới trong lĩnh vực của họ - đi dự thính các lớp của nhau. Có lẽ chính vì tinh thần mãi mãi học hỏi này mà Harvard có thể giữ được vị thế của mình là một trong những môi trường học thuật hàng đầu thế giới trong nhiều năm.

Chàng trai 9x người Việt làm thạc sĩ tại Mỹ, chia sẻ trải nghiệm đắt giá khi học ở Harvard - 4

Điều thứ hai mình quan sát được là sự chủ động gần như bắt buộc của mỗi học giả trong hành trình học tập của bản thân. Harvard cung cấp cho mỗi học giả nguồn lực tri thức vô cùng to lớn, đến từ không chỉ sách vở, giáo sư đầu ngành mà còn cả phương pháp đã được đúc kết qua nhiều năm.

Một ví dụ là mình có thể yêu cầu gần như bất cứ cuốn sách nào trên thế giới, và hệ thống thư viện của Harvard sẽ tìm mọi cách để tìm được cuốn sách đó nhanh nhất có thể. Hay các giáo sư sẽ luôn rộng mở văn phòng của mình để học giả có thể tới hỏi han thêm sau bài giảng.

Vì vậy, giới hạn duy nhất là bản thân mỗi học giả có tự định hướng được bản thân mình muốn học gì và như thế nào hay không. Vai trò của các giáo sư là cung cấp những tài liệu gợi mở trước bài giảng và là người “thách thức quan điểm” của học giả trên lớp, thay vì “truyền đạt kiến thức.” Không có ai có thể dắt tay học giả đến với tri thức, mà bản thân từng người sẽ phải có sự chủ động để đi tìm tri thức.

Bài học cuối cùng mà mình muốn chia sẻ là mục đích của việc học tập. Một giáo sư đã từng nói với mình là đa số những người học ở Harvard đều có nhiều tham vọng cá nhân về thu nhập, danh vọng, địa vị trong xã hội, và điều đó không có gì là xấu cả. Tuy nhiên, chương trình mà mình học là Chính sách công, và khẩu hiệu của trường mình là “Ask what you can do” - hãy hỏi bạn có thể làm được gì - lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Vì vậy, giáo sư đã khuyên mình và các bạn học nên hướng tới mục đích của việc học tập là vượt ra ngoài những tham vọng cá nhân để hướng tới những khát vọng vì cộng đồng."

Có lẽ chính vì bài học này mà chàng thạc sĩ trẻ đã quyết định trở về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp, và không có một chút hối tiếc nào từ đó tới nay. "Bởi ngoài công việc chính là tư vấn chiến lược giúp các tổ chức, tập đoàn của Việt Nam lớn mạnh, mình đang có cơ hội làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng mà mình yêu mến là giới trẻ Việt Nam, và trên con đường đó mình vẫn luôn tự nhủ phải học hỏi rất nhiều."

Hiện tại, Trần Hà Dương vẫn say mê với những hoạt động cộng đồng và mong muốn làm được nhiều việc giúp cho giới trẻ hơn nữa.