Theo Kim Phú, isopod (mọt ẩm) là loài vật nuôi mới rộ lên ở nhiều nước trên thế giới đặc biệt là châu Âu. Tại Việt Nam, isopod thu hút nhiều người chơi, hình thành hội nhóm, mỗi nhóm có vài nghìn thành viên, khoảng hai, ba năm nay.
Mọt ẩm là một lớp thuộc ngành động vật chân đốt, phân ngành giáp xác. Trên thế giới, mọt ẩm có hơn 10.000 loài, có họ hàng với tôm, cua và không được xem là côn trùng.
Isopod được gọi là những "nhân viên vệ sinh" mẫn cán bởi tập tính làm sạch đất, loại bỏ chất bẩn, xác động vật, vi sinh vật có hại cho cây trồng.
Trong phòng riêng, Phú làm kệ để các hộp nhựa là chuồng cho mọt ẩm. Hiện anh có khoảng 150 loài với hơn 4.000 con, phần lớn xuất xứ từ nước ngoài, giá trị khoảng 500 triệu đồng
Trước đó, năm 2021, biết đến thú chơi mọt ẩm qua mạng xã hội, thấy cách nuôi đơn giản, không mất nhiều thời gian, dễ làm chuồng, Phú mua thử 10 con với giá 2,5 triệu đồng. Được một tuần, hơn nửa số mọt ẩm chết dần.
"May sao vẫn còn vài con sống rồi từ từ đẻ ra nhiều hơn. Nếu khi ấy đàn isopod chết hết, có lẽ tôi không còn theo thú chơi này nữa", Phú nói.
Ở tự nhiên, mọt ẩm có thể được tìm thấy dưới đất, lá cây khô, gỗ mục, đá và những nơi ẩm ướt. Vì vậy người nuôi cần tạo môi trường tương tự như nơi loài này sống. Chuồng nuôi là các hộp nhựa bên trong để loại đất trồng cây, sơ dừa, lá cây khô, vụn gỗ.
Mỗi hộp có từ 50 đến 500 con mọt ẩm, bên trong đặt thêm miếng vỏ cây để chúng ăn và làm nơi trú ẩn. Phú chia sẻ, mới nuôi gặp nhiều khó khăn vì thú chơi này chưa phổ biến ở Việt Nam. Anh phải tham gia các hội nhóm hay đọc tài liệu nước ngoài để tích luỹ thêm kinh nghiệm.
"Khó nhất lớn nhất đối với người nuôi chính là phải hiểu từng đặc điểm môi trường, tập tính sinh sống của từng chi, dòng isopod", chàng trai 31 tuổi nói.
Nuôi loài này không tốn nhiều diện tích, có thể xếp gọn các hộp trong góc nhà. Trên hộp có đục nhiều lỗ để lưu thông không khí.
Lâu lâu người nuôi cần xịt nước, tạo độ ẩm cho đất. Loài này sinh nở từ vài tháng đến gần một năm, mỗi lần đẻ hàng chục con.
Loài Porcellio Ornatus có kích thước lớn trong bộ sưu tập, khoảng 3 cm.
Người chơi mọt ẩm thường mua theo đàn, số lượng chục con một loài. Việc nuôi dưỡng, nhân giống và buôn bán mọt ẩm giúp Phú kiếm được khoảng 80 triệu đồng mỗi tháng từ loài này.