Từ sáng tạo họa cụ…
Gần sáu tháng quẩn quanh với bốn bức tường vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ngạc Lâm Vũ (26 tuổi, sống tại Hà Nội) đã biến rác thải thành họa cụ để vẽ tranh. Vũ cho biết, ban đầu, anh chỉ tìm đến tranh vẽ như một cách để giải tỏa cơn chán chường, vì không thể cứ xem phim mãi. Nghĩ là làm, Vũ bắt đầu tìm tòi, cho ra lò những tác phẩm tranh trừu tượng và đăng tranh lên mạng xã hội.
Được biết, ý tưởng biến rác thải thành họa cụ để vẽ với Vũ trước đó không được vạch ra một kế hoạch cụ thể nào. “Lúc đầu, mình dùng đơn giản chỉ vì tiện. Mình không tiện đi mua hoạ cụ bên ngoài, với lại cũng đắt nữa, cứ thấy trong nhà có gì dùng được thì dùng. Bức đầu tiên là mình cắt mấy vỏ nhựa chai làm cốc pha màu, sau này lại nhặt thêm đồ này đồ nọ cho đỡ phải mua. Được một thời gian, nó thành một quy trình riêng của mình”, Vũ chia sẻ.
Từ cốc giấy, cốc nhựa, đến nắp hộp mì, hộp bánh… Vũ đều “phù phép” những vật tưởng chừng như bỏ đi ấy thành họa cụ, để chúng được “tái sinh” lần nữa. Hiện tại, Vũ đang tập luyện kỹ thuật đổ màu trong tranh trừu tượng, chủ yếu pha loãng acrylic với một số chất dung môi, sau đó đổ lên bề mặt canvas, áp dụng trọng lực để đưa các chất lỏng di chuyển thành một bức tranh theo ý đồ. Chính vì thế, những loại đồ vật dùng một lần được sử dụng nhiều nhất là các loại có thể chứa được màu như cốc giấy, cốc nhựa, hộp mì, hộp sữa chua…
Vũ bộc bạch: “Điều mình thích ở màu acrylic là khi khô, acrylic sẽ không hề bám vào bất kỳ các bề mặt nhựa nào. Mỗi lần thực hiện xong bức tranh, mình sẽ để tất cả mọi thứ khô ráo hoàn toàn khoảng 3 - 5 ngày. Sau đó, mình có thể bóc các lớp màu ở trên cốc ra. Thứ nhất là hoàn toàn khô ráo và sạch sẽ, không bị dính màu. Và thứ hai là tiết kiệm được cực kỳ nhiều nước để rửa họa cụ".
Màu acrylic có đặc tính không bám vào bề mặt nhựa nên dễ dàng được xử lý sau khi vẽ xong.
… đến sáng tạo một bức tranh
Tái sử dụng rác thải để vẽ tranh là một câu chuyện nhưng vẽ tranh lại là một câu chuyện khác. Vì đã từng học qua trường vẽ nên Lâm Vũ chỉ mất khoảng ba tháng để tự học về tranh trừu tượng. Tuy nhiên, Vũ không tránh khỏi bất lợi trong việc đổ màu được pha loãng với các loại chất khác khiến bức tranh luôn bị chi phối bởi các yếu tố vật lý và hóa học.
Lâm Vũ cùng những tác phẩm của mình.
“Không có gì đảm bảo được tác phẩm khi hoàn thành sẽ giống như mình tưởng tượng, nên đó là một quá trình thử và thất bại cho đến khi mình dần kiểm soát được nó. Nhưng chính điểm “bất lợi” đó lại giúp mình sáng tác dễ dàng hơn vì mỗi bức tranh đều không thể hoàn toàn giống nhau. Mỗi việc mình làm dù tí tẹo cũng ảnh hưởng đến bức tranh cuối cùng, chỉ cần mình thay đổi một chút là lại có thêm bức tranh hoàn toàn mới”, Vũ tâm sự.
Mặc dù nghề nghiệp chính là đạo diễn và vẽ tranh chỉ là niềm đam mê bên lề nhưng chỉ trong vòng nửa năm, Lâm Vũ đã hoàn thành 90 tác phẩm tranh trừu tượng từ rác, nhận được không ít lời khen ngợi.
Với tranh trừu tượng, màu sắc chính là yếu tố cốt lõi giúp thể hiện ngôn ngữ, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Theo đó, Vũ sẽ bắt đầu với một nhóm màu nhất định và phát triển dần lên để xem xét mức độ phù hợp và sự tương quan tổng thể. Từ một địa danh có màu sắc nổi bậc, Vũ sẽ chọn một vài sắc độ màu tiêu biểu để thể hiện lên tranh. Hoặc một cảm xúc bất kỳ cũng sẽ là nguồn cảm hứng khiến chàng trai này tìm ra những tông màu “ăn khớp” cho sự sáng tạo.