18 tuổi, cuộc đời đang phơi phới với biết bao hoài bão, ước mơ vậy mà một tai nạn nghiêm trọng ập đến đã khiến anh Đặng Minh Tuấn, SN 1988 (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) trở thành người khuyết tật. Không chịu đầu hàng số phận, Tuấn đã nỗ lực vươn lên.
Chỉ với 1 ngón tay còn hoạt động nhưng anh hiện đang làm cùng 1 lúc 3 công việc không chỉ nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình mà còn đem đến những giá trị tích cực, trở thành “người truyền cảm hứng” cho cộng đồng người khuyết tật.
Ba lần chết hụt
Ngày 21-6-2016, trên đường đi học thêm về, xe máy của Tuấn đã va chạm với xe tải khiến anh văng ra đường, bất tỉnh. Thấy nạn nhân ra máu nhiều, không còn cử động, những người dân xung quanh đã dùng manh chiếu để đắp lên người.
Lúc đó, một người xe ôm lại gần bỏ manh chiếu để nhận dạng và bất ngờ thấy tay anh còn cử động, lập tức anh được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Tại đây, bác sĩ thông báo với gia đình rằng anh bị tụ máu não, ba đốt sống cổ bị dập, nếu tiến hành phẫu thuật hy vọng sống của anh cũng chỉ có 5%. Nhưng với bố mẹ anh thì dù hy vọng chỉ là 1% họ cũng không bỏ cuộc. 20 ngày sau ca mổ kéo dài nhiều giờ, anh mới tỉnh lại. Tuy nhiên, sự phục hồi ấy kéo dài không bao lâu thì mắt và môi anh tím tái, tim ngừng đập. Lúc này bác sĩ thông báo anh đã chết.
“Vậy mà không hiểu tại sao khi đưa mình từ Bệnh viện Việt Đức về, mẹ mình đã đề nghị các bác sĩ hãy cứ bóp bóng cho mình. Và thật không ngờ, khi về đến Bệnh viện tỉnh thì tim mình đập trở lại. Đó là lần thứ 2 mình thoát chết trong gang tấc”.
Lần thứ 3 là lần mẹ anh cắm ngược chiều ống thở. Cho đến tận bây giờ, hằng ngày anh Tuấn vẫn phải đeo ống thở bên người. Khi đeo ống thở này, anh Tuấn thường phải buộc dây vào cổ. Một lần lau người cho con, mẹ anh Tuấn đã làm bật cái ống thở ra.
“Lúc đó hai mẹ con mình đều hoảng hốt, không biết xoay xở thế nào. Mẹ mình vì cuống nên đã chọc kim ống thở ngược lên trên. Cũng may vì trước đó mình từng quan sát các bác sĩ thay ống thở cho mình nên mình nhớ rằng kim ống thở phải quay xuống phía dưới. Mình nói với mẹ, thế là mẹ lại rút kim ống thở rồi cắm ngược lại. Lần đó nếu mình không để ý chắc bây giờ cũng “xanh cỏ” rồi”.
Từ khi anh Tuấn bị tai nạn xe máy, các thành viên trong gia đình như bố mẹ, em gái đều trở thành bác sĩ, y tá “bất đắc dĩ”. Họ thay băng chỗ loét, thay băng cổ, thay ống xông tiểu, hút đờm, hút dịch ở cổ, cho uống thuốc, xoa bóp tập luyện... cho anh.
Khi mới bị tai nạn, Tuấn đã mất khả năng nói. Nhưng sau hàng chục ca phẫu thuật, giờ anh đã có thể nói gần như một người bình thường. Anh Tuấn cho biết: “Tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình quá lớn. Khi mình đi bệnh viện là bố mẹ phải vay nợ 100% nhưng bố mẹ quyết không bỏ cuộc”.
Hơn một năm trời sau vụ tai nạn, Tuấn rơi vào tuyệt vọng. Đang từ một chàng trai mạnh khoẻ, đầy hoài bão giờ phải nằm một chỗ trong tình trạng miệng không thể nói, tay không thể cử động khiến anh luôn cảm thấy tuyệt vọng.
“Mẹ thì đi làm nhà nước, bố buôn bán xe máy dưới tầng 1 nên bố mẹ đã phải lắp cho mình cái chuông ở sát giường để nếu có nhu cầu gì thì bấm chuông bố sẽ chạy lên. Thế nhưng để đưa tay mà bấm chuông cũng là một thử thách quá lớn đối với mình”, Tuấn nhớ lại.
Hằng ngày anh Tuấn vẫn phải đeo ống thở.
Bước ngoặt định mệnh
Trong một lần cả nhà quây quần bên nhau ăn cơm và cùng xem tivi, chương trình đang phát về tấm gương “hiệp sỹ Nguyễn Công Hùng”. Lúc đó mẹ anh Tuấn đã quay sang con trai và nói: “Con thấy không, họ sinh ra đã chịu thiệt thòi nhưng không chịu đầu hàng số phận. Mẹ tin nếu con lạc quan và nghị lực hơn chút nữa, con sẽ làm được như họ”. Từ câu nói động viên của mẹ, anh Tuấn nghĩ rằng từ giờ mình sẽ phải sống khác, không thể cả đời trở thành gánh nặng cho người thân.
Mất một thời gian suy nghĩ xem mình sẽ bắt đầu như thế nào, cuối cùng anh Tuấn đã mạnh dạn ngỏ ý muốn bố mẹ mua cho một chiếc máy tính cũ để học. Nhưng có máy tính rồi, anh Tuấn lại không thể di chuột cũng không thể sử dụng bàn phím bởi vì đôi bàn tay của anh gần như vô tác dụng.
Chỉ còn duy nhất một ngón tay cái bên bàn tay phải là có thể cử động và có cảm giác nên mọi thao tác mở máy, di chuột tìm kiếm cái gì đó trên máy tính anh Tuấn đều dựa cả vào em gái.
Anh kể lại: “Nếu cứ mãi như vậy thì quá bất tiện. Vì em mình có phải lúc nào cũng ở bên cạnh mình đâu. Những hôm nó đi học thì coi như chiếc máy tính để bên cạnh người mình trở thành vô nghĩa. Cuối cùng mình quyết định phải tập luyện để thay đổi cuộc sống”.
Ban đầu, anh Tuấn định tập cầm chiếc cốc nhựa rỗng, thế nhưng dường như thử thách này là quá sức đối với anh. 10 lần cầm là 10 lần chiếc cốc rơi xuống đất. Biết mình chưa thể làm được việc đó nên anh Tuấn đành hạ “tiêu chí” xuống và chỉ học cầm một chiếc túi nilon.
Anh nhớ lại: “Gần 20 tuổi đầu, đó là lúc sức khoẻ sung mãn nhất thì mình lại phải luyện tập để cầm một chiếc túi nilon. Cảm giác bất lực về bản thân khiến mình vô cùng đau đớn. Nhưng biết làm sao được, nếu ngay cả một chiếc túi gần như không trọng lượng mà mình cũng không cố để cầm lên được thì cả cuộc đời này của mình coi như bỏ đi”.
Sau 2 tháng anh đã có thể cầm chắc chiếc túi nilon trên tay mình. 2 tháng tiếp sau anh đã có thể cầm được chiếc cốc nhựa rỗng và thêm 3 tháng tập luyện nữa anh đã tự cầm được chiếc vỏ chai. Cứ nhìn thấy bố mẹ vất vả đi làm để trả nợ tiền chữa bệnh cho con, đến khi về nhà lại phải chăm sóc con hơn chăm một đứa trẻ khiến anh Tuấn cảm thấy rất đau lòng.
“Có lần mình nghe thấy mẹ nói với bố ở trong buồng rằng: “Tháng này chắc bố mày phải mang cái sổ đỏ ra ngân hàng cắm để vay thêm ít tiền chữa bệnh cho con, lúc đó mình đã bật khóc vì quá thương bố mẹ. Và mình nghĩ mình sẽ phải làm cái gì đó thôi để giúp đỡ bố mẹ”, anh Tuấn nhớ lại.
Gia đình chính là điểm tựa giúp anh Tuấn trở thành người có ích.
Để có tiền chữa bệnh cho con, bố mẹ anh Tuấn đã phải bán căn nhà gần trung tâm thành phố. Số tiền còn lại bố mẹ anh đành phải mua một căn nhà trong ngõ sâu, cách xa trung tâm.
Điều này đồng nghĩa với việc buôn bán xe máy cũ của bố anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn bố vất vả mà hiệu quả công việc lại không hề cao khiến anh Tuấn vô cùng xót xa. Muốn giúp đỡ bố mẹ, anh Tuấn bắt đầu học cách bán xe máy trên trang facebook cá nhân và trên trang Youtube của anh.
Anh bảo: “Mục tiêu của mình đặt ra là mỗi tháng cố gắng bán được từ 2 đến 3 chiếc xe máy cũ. Thế nhưng kết quả thật không ngờ, ngay tháng đầu tiên mình đã bán được 17 chiếc xe máy. Có tháng cao điểm mình bán được gần 30 chiếc”.
Không chỉ giúp bố mẹ bán xe máy cũ mà anh Tuấn còn tiếp cận với công nghệ để thỏa mãn đam mê âm nhạc của mình. Anh tự sáng tác và thu âm các bài hát của mình. Ngoài ra anh tìm cách cài đặt các phần mềm thu âm bài hát, ghi đĩa cho khách hàng.
Năm 2016, anh Tuấn học và bắt tay sản xuất video trên Youtube, tuy nhiên lượng truy cập không cao. Sau đó, anh Tuấn liên hệ trao đổi với CEO của một công ty truyền thông, bày tỏ muốn học cách để tăng người xem trên kênh Youtube. Sau cuộc nói chuyện, vị CEO này đã đề nghị anh Tuấn trở thành trợ lý ở công ty.
Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời có được một công việc, tôi hồi hộp đến mức không ngủ nổi. Bố giúp tôi dậy sớm để bắt đầu ngồi vào bàn làm việc khi đồng hồ điểm 8h sáng. Một chút khó khăn vì tất cả đều mới mẻ và chưa qua trường lớp đào tạo nhưng tôi vẫn kiên trì nắm lấy cơ hội”.
20-10-2016 là ngày khó quên nhất trong đời anh. Chàng trai bị liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn và chỉ làm việc bằng 1 ngón tay cái đã nhận được tháng lương đầu tiên. Anh bật khóc, đem món quà này tặng bố mẹ.
Giờ đây khi biết sức khoẻ của mình ngày một giảm sút nên anh Tuấn muốn dành nhiều thời gian để chia sẻ những giá trị cuộc sống tới những người khuyết tật.
Anh đã lập một kênh Youtube dành riêng cho những người khuyết tật. Kênh này chủ yếu quay các video hướng dẫn người khuyết tật thực hiện các thao tác phục vụ bản thân như: cách cầm thìa ăn cơm, cách lên xuống xe lăn… Ngoài ra anh còn hướng dẫn họ cách sử dụng máy tính…
“Khi mình lập kênh Youtube này, mục đích duy nhất chỉ là muốn giúp đỡ những người khuyết tật vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên sống là người có ích. Vậy mà cách đây hơn một năm, chị giám đốc của dự án “Hãy nắm lấy tay tôi” đã liên hệ với mình và đề nghị mình ký hợp đồng với dự án của chị, trong vai trò diễn giả “truyền cảm hứng” cho những người khuyết tật. Mỗi một buổi nói chuyện diễn ra khoảng một giờ đồng hồ mình được nhận thù lao 1 triệu.
Qua đây mình cũng muốn gửi gắm tới nhiều bạn khuyết tật khác rằng, nếu họ vượt qua được khó khăn và làm được Youtube như mình thì họ đừng nghĩ đến tiền vội. Hãy cứ trao đi yêu thương rồi mình sẽ được nhận lại những thứ xứng đáng”.