Cha đơn thân của đứa trẻ đặc biệt
Tiwari đã gặp Avnisrh ở một trại trẻ mồ côi năm 2014, khi những đứa trẻ khác có người đón nhận, ngoại trừ em bé tật nguyền chừng 5- 6 tháng tuổi. Tiwari đã quyết định nhận nuôi Avnisrh.
Từ việc muốn nhận nuôi Avnisrh đến khi được quyền nuôi con, Tiwari đã có hành trình khá gian nan. Luật pháp Ấn Độ quy định độ tuổi để nhận con nuôi hợp pháp là 30 tuổi (bây giờ giảm xuống 25). Tiwari khi đó mới 25 tuổi.
"Tôi đã nhận được quyền nuôi con hợp pháp vào ngày 1/1/2016, sau 1 năm rưỡi. Avnisrh là một trong những món quà tuyệt vời nhất và tôi cảm thấy may mắn", Tiwari nói.
Cha con Tiwari và Avnisrh
Avnisrh được chẩn đoán mắc hội chứng Down. Việc nuôi dạy Avnisrh khác hoàn toàn với những đứa trẻ bình thường và có phần vất vả hơn. Tiwari cho biết, đồ chơi và sách của cậu bé khác với bạn bè cùng lứa. Phải mất nhiều ngày để dạy cho Avnisrh một chữ cái.
Tiwari cho biết thêm, làm cha đơn thân không dễ dàng. Có những lời ra tiếng vào của người xung quanh và cả từ phía gia đình tôi. Tuy nhiên, Avnisrh chính là nguồn cảm hứng và động lực để anh vượt lên tất cả những khó khăn ấy và trở thành một người cha tuyệt vời.
Avnisrh hiện 6 tuổi và đang theo học tại một trường học tốt ở Pune. Avnisrh đã bắt đầu hiểu được nhiều thứ, biết làm vệ sinh cá nhân và biết thời gian học của mình. Cậu bé thích khiêu vũ, âm nhạc, nhiếp ảnh và chơi nhạc cụ.
Người truyền cảm hứng
Trong một sự kiện nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2020 tại Bengaluru (Ấn Độ) Tiwari đã vinh dự giành danh hiệu "Bà mẹ tốt nhất thế giới". "Tôi rất hạnh phúc bên cậu con trai và tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy của mình đến những gia đình có trẻ thiểu năng trí tuệ", anh nói.
Tiwari đã từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm để tư vấn, hướng dẫn và động viên các bậc cha mẹ có con đặc biệt. Anh và cậu con trai đặc biệt luôn đồng hành với nhau trên hành trình đi truyền cảm hứng.
Tiwari cố gắng hết sức để thay đổi nhận thức của mọi người về những trẻ em khuyết tật và cách nuôi dạy chúng
Cặp đôi cha con đã đi thăm 22 tiểu bang và tổ chức các cuộc họp, hội thảo và hội nghị tại gần 400 địa điểm, đồng thời kết nối với 10.000 phụ nữ trên khắp thế giới thông qua truyền thông xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về trẻ em khuyết tật, đặc biệt là hội chứng Down. Tiwari cũng được Liên Hợp Quốc mời tham gia một hội nghị để đưa ra những cách thức nuôi dạy trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.
"Hiện tại, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để thay đổi nhận thức của mọi người về những trẻ em khuyết tật và cách nuôi dạy chúng. Những đứa trẻ ấy xứng đáng được chăm sóc tốt, Tiwari chia sẻ.