Nguyễn Văn Mão hiện là ông chủ của 4 xưởng sản xuất ống hút tre trên khắp cả nước. Việc làm ống hút tre kiếm gần 10 tỷ đồng mỗi tháng nhưng anh vẫn miệt mài 12 năm liên tiếp đi thi đại học.
Tre, trúc, nứa vốn là những vật liệu rất quen thuộc ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng nhìn ra tiềm năng kinh tế đằng sau chúng. Trước vấn nạn rác thải nhựa cùng lời kêu gọi "Nói không với ống hút nhựa", một chàng trai trẻ quê Nghệ An, trong quá trình lặn lội núi rừng đã phát hiện ra vùng nguyên liệu tiềm năng, để cho ra đời những ống hút tre thân thiện môi trường. Dòng sản phẩm này đã vượt qua khuôn khổ biên giới Việt Nam, hiện đã có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đằng sau câu chuyện anh sinh viên khởi nghiệp non nớt cách đây 10 năm đến danh xưng "tỷ phú ống hút tre" của Nguyễn Văn Mão (32 tuổi, quê Tân Kỳ, Nghệ An) là một quá trình tuy gian nan nhưng hoàn toàn xứng đáng.
Chân dung anh Nguyễn Văn Mão.
"Dân chơi" trong làng sáo trúc miền Bắc đã quá quen với Nguyễn Văn Mão, hay còn gọi là "Mão Mèo". Năm 22 tuổi, khi còn là sinh viên năm 3 trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội), Mão chính thức khởi nghiệp với cây sáo trúc mặc kệ mọi lời bàn tán, dị nghị xung quanh, đại loại như "thứ tre nứa chẳng kiếm ra tiền này!". Bắt đầu sự nghiệp từ con số 0 nhưng dường như thời điểm đó, anh có trong tay tất cả, là đam mê và tính kiên định.
Từng bước xây dựng thương hiệu với các loại nhạc cụ dân tộc, đến nay, anh đã có hơn 20 hệ thống đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Am hiểu tre, nứa và biết cách tận dụng lợi thế mà những nguyên liệu quen thuộc này mang lại, Mão chuyển hướng tiếp cận kinh doanh sang một sản phẩm mới, khi mà trong giới trẻ bắt đầu xuất hiện trào lưu tẩy chay ống hút nhựa.
"Ngay ban đầu, bản thân mình đã sử dụng ống hút tre suốt một thời gian dài. Năm ngoái, hưởng ứng phong trào nói không với đồ nhựa dùng một lần, mình thấy đây là cơ hội để đưa ống hút bấy lâu nay mình sử dụng ra thị trường. Chính vì thế, mình quyết định nhân rộng sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm trong và ngoài nước.", anh Mão chia sẻ.
Bắt đầu sản xuất từ năm 2018 nhưng đến tháng 2/2019, những chiếc ống hút tre đầu tiên mới chính thức ra đời. Để có một chiếc ống hút hoàn thiện, thân thiện với môi trường, người làm phải "tuyển chọn" những cây nứa đủ tuổi, có đường kính 5 - 13 mm ở lồng ngoài, chiều dài đốt 20 cm. Nếu nứa non khi phơi sẽ bị héo, nứa to quá thì ống sẽ không được đẹp.
Cây nứa tiếp tục trải qua khâu cắt gọt, phơi sấy, đánh bóng thủ công trước khi được mài 2 đầu tạo độ tinh tế. Ống hút sẽ được luộc để đẩy hết mủ của cây tre từ bên trong, rồi sấy khô ở mức nhiệt 120 độ C, đủ thích hợp đảm bảo ống không còn nước. Sau khi hoàn thiện, ống hút tre mặt ngoài có độ trơn nhẵn của vỏ, bên trong có lớp lụa, được làm sạch 100%, khi sử dụng có thêm mùi nứa đặc trưng thanh nhẹ dễ chịu.
Mão đầu tư 650 triệu đồng cho chiếc máy khắc chữ tạo dựng thương hiệu, các loại máy mài, máy sấy, nồi hơi, nồi luộc tổng cộng hết 1 tỷ đồng. Đặc biệt, khó khăn nhất vẫn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Mặc dù đã có 10 năm kinh nghiệm tiền thân làm sáo trúc, nhưng khi làm ống hút tre, "cầu vượt cung" buộc anh phải khai phá những vùng nguyên liệu mới. Anh mất 4 tháng để kiếm tìm kho tàng vật liệu đủ cung cấp một phần cơ bản nhu cầu thị trường.
"Những ngày ngồi xe máy chạy hàng trăm cây số đến tận nơi để lấy nguyên liệu về trực tiếp mày mò sản xuất ống hút là những ngày đầu khó khăn vất vả nhất. Mỗi một người có thể tìm ra một nguồn nguyên liệu khác nhau nhưng không phải cái nào cũng đưa vào sản xuất được.", anh Mão kể.
Thời điềm đầu, anh tiếp xúc với những khách hàng đơn lẻ, đặt từ 1.000 - 2.000 ống. Sau này, khách nước ngoài chủ động tìm đến, đặt hàng với số lượng cực lớn. Hiện tại, nhu cầu của khách hàng đã vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp Mão Mèo.
Anh đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, ở Châu Á hiện chỉ mới bán tại Đài Loan. Sau khi ổn định hơn, có thể ống hút tre mang thương hiệu Việt Nam sẽ đặt chân tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Anh Mão mở một xưởng ở Hà Nội, đây được xem là "cái nôi" tiền đề vốn sản xuất sáo trúc, được mở rộng để chế tạo ống hút tre. Khi nhu cầu quá lớn, anh mở xưởng thứ 2 tại Đồng Nai. Xưởng thứ 3 cũng ra đời tại Gia Lai - trung tâm khai thác nứa.
Và cuối cùng, xưởng sản xuất lớn nhất được đặt tại quê nhà Tân Kỳ, Nghệ An với quy mô 5 triệu ống/ tháng. Khoảng 20 ngày nữa, những sản phẩm đầu tiên sẽ ra đời tại đây, cung cấp 3 đến 5 triệu ống mỗi tháng.
Tỷ phú ống hút tre kiếm gần 10 tỷ đồng mỗi tháng
Mỗi tháng, công ty của anh Mão cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước tổng cộng 6 triệu ống hút tre. Mức giá thấp nhất với đơn hàng 1 triệu ống trở lên là 1 nghìn 200 đồng mỗi chiếc. Tối thiểu một tháng anh thu được gần 10 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí nguyên vật liệu, hao phí máy móc và tiền nhân công.
"Hội chợ thương mại tại Đài Loan (Trung Quốc) tháng 3 vừa rồi là cơ hội để mình quảng bá ống hút tre tới bạn bè quốc tế, cũng là dịp đẩy mạnh ý thức cộng đồng, giúp mọi người từng bước thay đổi thói quen dùng ống hút nhựa. Tiêu chí của mình là sắp tới có thể sản xuất ống hút tre cho thị trường Việt Nam càng rẻ càng tốt (từ khoảng 500 đến 600 đồng/chiếc) để khuyến khích người tiêu dùng từ bỏ ống hút nhựa.", anh Mão cho biết.
Anh rất tự tin, ống hút tre sạch sẽ và hoàn toàn tự nhiên, đương nhiên đủ điều kiện để thay thế ống hút nhựa. Tre chỉ mất 1 đến 2 năm để tự huỷ thành chất mùn tự nhiên, còn nhựa hơn nghìn năm vẫn chưa thể biến mất khỏi cuộc đời chúng ta.
Máy sấy ống hút.
Anh phân tích: "Đây là một tín hiệu đáng mừng khi mọi người dần nhận ra tác hại của nhựa sử dụng một lần. Đặc biệt hi nhìn thấy sự nguy hại, buộc phải có sản phẩm thay thế. Ống hút tre có thể được dùng nhiều lần trong vòng 6 tháng, chỉ cần xả nước làm sạch rồi sấy khô hoặc đặt trong ngăn mát tủ lạnh cho lần sử dụng tiếp theo".
Trong tương lai, Mão hứa hẹn sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm thân thiện môi trường khác như dĩa, thìa, muỗng, dao... mọi thứ đều bằng tre để thay thế đồ nhựa. Ống hút tre đã có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa tiện vừa rẻ thì các sản phẩm tiếp theo, nếu tiếp tục được người dân chấp nhận, anh mới có thể khẳng định mình đã thành công trên con đường kinh doanh mới này.
"Một ống hút tre đưa ra thị trường không quá đắt, nhưng nếu không tính toán hợp lý thì các bạn dễ bị lỗ. Cũng như khi khởi nghiệp, bạn chưa cần nghĩ kiếm lời được từ nó hay không, quan trọng rằng, trước tiên hãy "cháy" với niềm đam mê đó. Mọi thứ sẽ được đền đáp xứng đáng.
Thực ra khởi nghiệp rất dễ, chỉ cần bạn có tinh thần thì mọi vấn đề đều có cách giải quyết. Thay vì nhìn vào khó khăn như nguồn vốn, kinh nghiệm,... bạn hãy lấy cái thuận lợi làm tiền đề bước về phía trước.", anh Mão nói.
12 năm miệt mài đi thi THPT Quốc Gia, học qua 5 trường đại học
Nguyễn Văn Mão làm kinh doanh giỏi, điều này không ai có thể bàn cãi. Không chỉ vậy, bạn sẽ phải ngạc nhiên hơn nữa về hành trình 12 năm luyện bút đi thi ĐH của chàng thanh niên thú vị này.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, Mão là một thí sinh đặc biệt tại điểm trường Tân Kỳ. Dù đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội, hiện đang theo học năm 3 ĐH Công đoàn, anh vẫn quyết định đăng ký dự thi năm 2019, thử sức với khoa Thương mại điện tử của ĐH Thương mại (Hà Nội).
Đây là lần thứ 12 anh "vượt vũ môn" cùng các sĩ tử khác trên khắp cả nước. Năm 2006, Nguyễn Văn Mão lần đầu tiên đi thi ĐH nhưng không đỗ. Năm 2007, anh tiếp tục dự thi và đủ điểm xét tuyển vào ĐH Vinh.
Từ năm 2008 - 2018, sĩ tử này quen mặt tại các trường thi thêm 9 lần nữa với số điểm trung bình trên 20 điểm. Anh từng học 4 trường ĐH trước đó, gồm: ĐH Kiến trúc - Đà Nẵng, ĐH Thủy lợi - Hà Nội, ĐH Kiến trúc - Hà Nội và ĐH Công đoàn - Hà Nội.
Máy khắc chữ.
"Mình đi thi ĐH hoàn toàn là một đam mê vì nhờ những kiến thức ôn thi mà đầu óc mình nhanh nhẹn hơn, cảm giác như mọi thứ vẫn như ngày xưa. Mình không cần ôn thi, gần như không quên quá nhiều bài học dù sách vở có thể thay đổi chút ít theo các năm. Mình muốn trở thành tấm gương cho những người đi thi ĐH lần thứ 2, lần thứ 3... đang bị nản chí bởi dư luận xung quanh. Họ có thể nhìn theo gương của mình, đi thi nhiều lần, không sao hết. Mặc dù khi đi thi ngồi cùng các bạn cách gần 2 thế hệ nhưng mình vẫn cảm thấy bình thường.", anh Mão cho hay.
12 năm đỗ mười mấy trường đại học lẫn cao đẳng, từ khối A sang khối B, C, D, giấy báo nhập học "chất đống", nhưng nhiều trường anh Mão buộc phải bỏ dở việc học vì bị công việc chi phối. Các trường cũng đã gửi giấy về tận nhà, buộc thôi học.
"Chưa bao giờ đi thi mình thấy đề Toán dễ như năm nay. Đề Vật lý, Hoá học có thể lâu quá, nhiều công thức mình không nhớ hết được nên hơi khó khăn. Đề năm nay nhìn chung dễ thở hơn các năm. Và có lẽ, sắp tới mình sẽ là sinh viên năm nhất của Đại học Thương mại Hà Nội. Mình sẽ cố gắng phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học và kinh doanh.
Mình mong muốn mọi người có thể nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, không bao giờ là quá muộn để học tập và thi cử. Tất nhiên chừng nào còn đủ sức khỏe thì mình vẫn sẽ tiếp tục đi thi bởi vì đó là đam mê, đã ăn sâu vào máu rồi.", anh Mão tâm sự.
Đối với giới trẻ hiện nay, tất cả dường như đều xoay vần theo "trend". Và thường thì một trào lưu chỉ đến một giai đoạn nhất định sẽ biến mất. Anh Mão hy vọng, mọi người có thể gìn giữ phong trào tẩy chay ống hút nhựa thật lâu, thật phổ biến, cũng giống như hành trình 12 năm đi thi ĐH, khi các bạn muốn làm một điều gì đấy, hãy làm tận cùng. Và, điều gì tốt cho xã hội, tốt cho môi trường, mong các bạn hãy làm nó đến tận cuối đời.
Theo Trí Thức Trẻ