20 năm quen với sự thiếu vắng của đôi tay
“Cụt hai tay những tôi vẫn vào đại học và tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình”, đó là những lời nói chân thành mở đầu cho câu chuyện của chúng tôi với Lý Láo Lở (tên thường gọi là Khang, SN 1987, người Pạc Tà, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).
Dù vội vã với chuyến hàng ship cuối cùng trong ngày nhưng Lý Láo Lở vẫn kịp chia sẻ về câu chuyện của đời mình. Anh sinh ra, lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng một lần xách phích nước nóng đi giữa sân trường, anh không may bị nguồn điện cao thế từ phía trên phóng trúng. Tai nạn kinh hoàng đó đã vĩnh viễn cướp đi đôi tay lành lặn của anh. Khi anh bị tai nạn, nhiều người trong làng nói “không thể cứu được nữa” nhưng gia đình anh vẫn quyết tâm “còn nước còn tát” đưa anh đi điều trị để tìm sự sống.
Lý Láo Lở cho hay: “Còn sống nhưng bác sĩ cưa hai cẳng tay của tôi đến sát khuỷu tay. Còn sống nhưng tôi đau đớn gấp trăm nghìn lần vì nỗi đau tinh thần. Tôi đã khóc, khóc đến cạn nước mắt khi không dám đến lớp vì sợ bạn bè chê cười, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác và cảm nhận tương lai như đóng kín trước mặt. Tôi như người vô hồn, rơi vào trạng thái u uất, sầu não và tự ti về bản thân”.
5 tháng kể từ ngày bị mất đi đôi tay là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với anh. Lý Láo Lở cứ nghĩ sẽ chẳng có ngày mai nhưng rồi anh nhận ra “mình đã nhầm”. Anh tự hỏi: Mất tay thì mất tất cả mọi thứ sao? Câu trả lời không cứ vang lên trong đầu anh. Anh không muốn biến mình thành gánh nặng cho gia đình. Anh bắt đầu tự luyện tập viết chữ, tự làm việc cá nhân, một lần không được anh luyện thêm 2, 3, 4 lần… và đã thành công.
“20 năm qua tôi đã quen với sự thiếu vắng đôi tay nhưng cũng là động lực để tôi thi đỗ ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Khiếm khuyết cũng là động lực để tôi bươn trải với cuộc đời và rèn luyện cho mình một ý chí sắt đá, không gục ngã trước số phận”, Lý Láo Lở chia sẻ.
Lý Láo Lở đi ship hàng dù hai tay không còn nguyên vẹn.
Năm 2016, anh tốt nghiệp loại khá, từng làm cho công ty thực phẩm, song song làm shipper. Nhưng sau đó, khi tích cóp được chút vốn liếng, anh chuyển hẳn sang kinh doanh nông sản vùng cao và tự mình làm “ông chủ”.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi về việc, không tay thì sao có thể giao hàng, anh hồ hởi cho biết: “Nhìn tay tôi thế này thôi nhưng khỏe lắm. Tôi vẫn lái xe máy khắp Hà Nội từ sáng đến tối để ship hàng. Hàng nặng tôi nhờ khách đỡ hộ, còn nhẹ chút tôi dựa vào chính sức của mình. Khi tôi đã nhận được đơn của khách thì bất kể mưa hay nắng tôi cũng sẽ giao hàng đúng nơi, đầy đủ. Tôi lo từ đơn hàng đến hàng nhập về và vận chuyển. Công việc vất vả nhưng đồng tiền do mình tự kiếm ra đáng tự hào lắm”.
4 lần xin phép vẫn không nhận được đồng ý của mẹ vợ tương lai
Công việc dần đi vào ổn định, Lý Láo Lở mới dám đi tìm một nửa yêu thương. Nói là đi tìm nhưng anh chẳng dám nghĩ mình sẽ thành công. Bởi, anh hiểu, với một người cụt tay như anh, giấc mơ hạnh phúc quả không dễ dàng.
Trong những lần lướt mạng, anh kết bạn làm quen và nhận được sự hồi âm của Dương Thị Kia (sinh năm 1998) - cô gái dân tộc H’Mông ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nhận thấy Kia là người con gái hiền lành, dễ mến nên anh đã kể về cuộc đời và số phận của mình. “Trong những lần trò chuyện, tôi hiểu cô ấy hơn. Sự thật thà của Kia khiến trái tim tôi rung động, chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều trong cuộc sống qua những dòng tin nhắn”, Lý Láo Lở bộc bạch.
Khi tình cảm đã chín, Lý Láo Lở đã di chuyển 202km bằng xe máy để gặp “một nửa yêu thương”. Gặp nhau, Kia không hề chê bai chàng trai cụt tay hay có thái độ khác. Cô vẫn một mực quan tâm và họ tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn từ đối phương.
Anh đưa vợ đi chụp ảnh cưới và đây cũng là lần đi xa nhất của Kia.
Tuy nhiên, tình yêu của họ đã vấp phải sự phản đối từ gia đình cô gái dân tộc H’Mông. Mẹ Kia lo lắng con gái sẽ vất vả, bởi đôi tay của anh đã mất sao gồng gánh được một gia đình, làm sao lo cho con gái bà cuộc sống vuông tròn. 4 lần xin phép cưới nhưng cả 4 lần mẹ Kia đều từ chối.
Nhưng có lẽ “mưa dần thấm lâu”, mẹ Kia đã đồng ý. "Nhiều người hỏi tôi có “chiêu” gì mà tán được cô gái kém chục tuổi. Tôi chỉ bảo, tình yêu cần sự chân thành. Tôi vốn ít nói, không dẻo mép và sự chân thành của tôi, cô ấy cảm nhận được. Tháng nào cũng vậy, tôi vượt 202km để thăm người yêu, ngày nào cũng quan tâm động viên nhau và trên hết, chúng tôi tin về một tương lai tươi sáng”, anh bày tỏ.
Vượt qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng, chàng trai người Dao cũng tìm được hạnh phúc. “Đám hỏi xong, tôi xin phép bố mẹ vợ đưa Kia xuống Hà Nội để đi chụp ảnh cưới. Tôi cũng nhờ xóm làng ở quê nuôi giúp đôi lợn để chuẩn bị cho hôn lễ. Tôi biết, cuộc sống phía trước còn rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bù đắp cho nhau”, Lý Láo Lở xúc động nói.