Jonas Fine Tan, 23 tuổi, người Singapore, sinh viên ngành Tâm lý học, Triết học và Ngôn ngữ học ở ĐH Oxford (Anh), được nhiều người nhận xét là “không phải người thường”.
Lý do là vì Tan nói được 11 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung phổ thông, tiếng Malaysia, tiếng Phúc Kiến (tiếng Trung được dùng tại Đài Loan, Trung Quốc), tiếng Tagalog (được dùng nhiều tại Philippines), tiếng Thái Lan, tiếng Tamil (được dùng tại Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore…), tiếng Việt Nam, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý.
Tan bất chợt trở nên nổi tiếng sau khi một người bạn cùng trường ĐH Oxford phỏng vấn anh và bảo anh chào bằng nhiều thứ tiếng để cho thấy sự đa dạng tại đại học này. Đoạn video được xem tới gần 3 triệu lượt, ngoài sức tưởng tượng của chính Tan. Netizen đều thấy rất khâm phục và thích thú trước khả năng nói nhiều ngôn ngữ, mà nói rất nhanh, của nam sinh viên này.
Đây là video:
Khi được hỏi về “bí quyết” học nhiều ngoại ngữ, Tan kể rằng thực ra, anh thích các ngôn ngữ từ hồi còn nhỏ nhưng không có động lực và thời gian để học. Đến năm 15 tuổi, Tan tình cờ xem một video trên YouTube, thấy một sinh viên 18 tuổi nói được 20 thứ tiếng và nghĩ: “Anh này trông oách thật, mình cũng sẽ học ngoại ngữ để trông oách như thế”.
Thế là ngoài tiếng Malaysia phải học ở trường (ngoài tiếng Anh và tiếng Trung phổ thông), Tan bắt đầu tự học tiếng Tây Ban Nha, dần dần dùng tiếng Tây Ban Nha còn tốt hơn cả tiếng Trung phổ thông. Sau đó, Tan lại tiếp tục nâng cao tiếng Trung phổ thông để thi lấy các chứng chỉ. Ngoài giờ học, Tan liên tục xem các video trên YouTube để học các ngoại ngữ khác và bây giờ nói thành thạo tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Thái. Tan thừa nhận anh học tiếng Thái chỉ vì có lần dự định đi Bangkok (Thái Lan).
Tan (trái) đang học ở ĐH Oxford. Ảnh: Jonas Fine Tan.
Bố của Tan thấy con trai thích học ngoại ngữ thì mới nói rằng có rất nhiều người lao động nhập cư, họ cần có người giúp phiên dịch. Thế là Tan cố dùng vốn tiếng Thái của mình để dịch những thông báo của Chính phủ cho những lao động nhập cư tại bến cảng, cũng như dịch những câu hỏi của các công nhân này cho các nhà chức trách nghe.
Về sau, dù đã đi du học ở Anh nhưng mỗi khi quay về Singapore, Tan lại tham gia hoạt động tình nguyện với một tổ chức địa phương để hỗ trợ lao động nhập cư. Ban đầu, Tan chỉ định làm phiên dịch viên tiếng Thái, nhưng vì gặp cả người lao động Việt Nam nên Tan bắt đầu tự học luôn tiếng Việt, dù anh thừa nhận rằng “vốn tiếng Việt của tôi còn hạn chế”.
Sở thích học ngoại ngữ khiến Tan trở thành "thần tượng" của nhiều bạn cùng trường. Ảnh: Gin Tay/ The Straits Times.
Ngoài việc nói được 11 thứ tiếng, Tan còn có thể đọc được tiếng Ả-rập, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Nga…, dù chưa nói được trôi chảy.
Theo Tan, khả năng nói nhiều thứ tiếng không chỉ giúp anh giao tiếp với nhiều người một cách dễ dàng hơn, mà còn khiến anh có thể “flex” với bạn bè nữa, khi mà ai gặp anh cũng trầm trồ hỏi “Tại sao cậu đọc được thứ tiếng này?”, “Tại sao cậu nói được thứ tiếng đó?”…