Chàng trai từng theo cha làm việc ở hầm mỏ năm 12 tuổi trở thành tiến sĩ

Trung Quốc - Chàng trai ngoài 30 tuổi được ca ngợi vì từng theo bố xuống hầm mỏ làm việc năm 12 tuổi nhưng vẫn nỗ lực chăm chỉ để lấy tấm bằng tiến sĩ Đại học Công nghệ Bắc Kinh.

Chàng trai có tài khoản mạng xã hội tên "Thợ mỏ số 3", gây chú ý khi chia sẻ phần lời cảm ơn trong luận án tiến sĩ của mình lên trang cá nhân.

Anh kể lại hành trình phấn đấu của bản thân, từ việc từng cùng bố làm việc trong mỏ than khi mới 12 tuổi đến lúc tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kỹ thuật khai thác mỏ, Đại học Công nghệ Bắc Kinh, vào tháng 6 vừa qua. Anh từ chối tiết lộ danh tính vì không muốn trở thành tâm điểm chú ý, khẳng định chỉ chia sẻ lời cảm ơn công khai để tiếp thêm động lực cho những sinh viên khác.

Đại học Công nghệ Bắc Kinh sau đó xác nhận với China Daily rằng tác giả bài chia sẻ này đúng là sinh viên trường và cho biết họ tôn trọng nguyện vọng giấu tên của anh. Họ nói anh theo học toàn thời gian tại Khoa Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dựng của trường từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2025. Nhà trường cho rằng hành trình học tập của nam nghiên cứu sinh là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên trì.

Trong phần lời cảm ơn, tài khoản "Thợ mỏ số 3" nói anh rời nhà từ năm 9 tuổi để theo học võ, đến năm 12 tuổi thì cùng bố xuống hầm mỏ đào than. Phải đến lần thứ hai thi đại học, anh mới đạt hơn 500 điểm và trúng tuyển vào một trường cao đẳng nghề ở tuổi 19.

Trong quá trình học cao học, anh đã dành hơn một năm để nghiên cứu thực địa tại các mỏ than. Khi bước vào chương trình tiến sĩ, anh tiếp tục làm thực địa suốt một năm tại khu tự trị Tân Cương, trải nghiệm trọn vẹn bốn mùa ở vùng núi Altay. Anh tự nhận mình không nhanh nhạy như người khác, mua máy tính muộn hơn bạn bè, phải nộp hồ sơ đến 5 lần mới được kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc, và mất hai lần thi mới đỗ hệ tiến sĩ.

Khi bạn bè tận hưởng các kỳ nghỉ trong thời gian học, anh lại tranh thủ làm thêm ở dây chuyền lắp ráp của một nhà máy điện tử tại Thượng Hải, dựng giàn giáo tại công trường ở thành phố Giao Tác (tỉnh Hà Nam), rải nhựa đường trên cao tốc ở Hàm Đan (tỉnh Hà Bắc), và làm việc tại khu vực nổ mìn của các mỏ than ở Tấn Thành (tỉnh Sơn Tây).

Anh cho biết người thay đổi hoàn toàn con đường học thuật của mình chính là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ - người đã nhận hướng dẫn khi anh đang tuyệt vọng nhất. Giáo sư đã luôn kiên nhẫn trước tính cách bướng bỉnh của anh, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ tài chính khi anh trắng tay. Ông cũng dạy anh những kỹ năng thiết yếu, từ cách phác họa địa chất thực địa ở Tân Cương cho đến chỉnh sửa tỉ mỉ từng bài báo tiếng Anh.

Giáo sư cũng là người truyền cho anh tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, tư duy logic, kỷ luật và sự khôn ngoan trong thực tiễn, với những lời dặn như: "Đối diện với vấn đề; không trì hoãn; xây dựng mối quan hệ tốt; hãy là người bạn của thời gian".

"Thợ mỏ số 3" bày tỏ lòng biết ơn đến các thành viên trong nhóm nghiên cứu, những giáo sư và kỹ sư giàu kinh nghiệm đã hỗ trợ, bạn bè đồng môn, và nhiều người khác - trong đó có người bạn cùng phòng đại học từng tặng anh chiếc điện thoại đầu tiên và chiếc quần mà anh vẫn mặc đến nay. Anh cũng nhắc đến bạn gái, cũng là mối tình đầu ngọt ngào từ khi anh 27 tuổi, như một người bạn đồng hành cùng trưởng thành và sẻ chia. Anh cảm ơn cả bố mẹ cô vì đã dành cho anh sự yêu thương.

Cuối cùng, anh gọi bố mình là một "chiến binh suốt đời" và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới người mẹ dịu dàng nhưng kiên cường, đã hy sinh tất cả cho gia đình và là chốn bình yên của anh suốt bao năm.

Đại học Công nghệ Bắc Kinh khẳng định hành trình của tân tiến sĩ không phải là câu chuyện xa vời mà phản ánh cuộc sống và nghị lực của rất nhiều người lao động chăm chỉ.

Chia sẻ với Haibao News, chàng trai nói anh không muốn dùng từ "gian khổ" để mô tả hành trình của mình, bởi những công việc tay chân anh từng làm chẳng đáng để than vãn. Chính chúng đã rèn cho anh sự kiên trì.

"Thợ mỏ số 3" cũng cho biết anh luôn cố gắng giữ thái độ lạc quan, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất. "Lo lắng hay bối rối chẳng có ích gì. Quan trọng nhất là hành động" anh nói. "Đến giờ ăn thì ăn, đến giờ ngủ thì ngủ. Làm việc thì dứt khoát, quyết đoán và có chiến lược. Đừng sợ hãi".

Câu chuyện của anh thu hút hơn 10 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Một người dùng mạng bình luận: "Chúc mừng anh! Anh đã tự thay đổi số phận bằng chính đôi tay mình. Mong rằng công trình nghiên cứu của anh sẽ giúp hàng nghìn người làm nghề mỏ được an toàn hơn".

Một người khác viết: "Anh ấy đã cảm ơn cha mẹ, thầy cô, bạn cùng phòng và người yêu, nhưng có lẽ anh cũng nên cảm ơn chính mình – vì đã không bao giờ bỏ cuộc".