Thiên Trung (28 tuổi, hiện sống ở Bình Thuận), đang làm một công việc ít người biết đến. Đó là nghề kiếm tiền từ giọng nói.
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là người gốc Bắc, lớn lên ở Gia Lai, sau đó học đại học ở TPHCM, Trung được sống trong môi trường ngôn ngữ đa dạng vùng miền. Năm 2018, do gia đình gặp biến cố, Trung bỏ học đại học giữa chừng.
Một lần tham gia vào câu lạc bộ bóng đá, anh được phát hiện có giọng bình luận tiềm năng. Nhưng Trung tự nhận lúc ấy giọng mình còn rất nhiều điểm yếu. Vì thế, Trung học cách “sao chép” những giọng nói hay trên tivi, những người nổi tiếng.
Trong một thời gian ngắn, Trung rèn luyện và thử sức cho các vị trí bình luận bóng đá ở TPHCM. Nhưng lúc ấy anh vẫn còn mông lung với nghề, chưa biết phải làm thế nào để theo nghề được lâu dài.
Vốn có niềm đam mê với nông nghiệp, Trung chuyển hướng, bỏ nghề bình luận để đi khắp các tỉnh thành làm thuê cho các trang trại, nhà vườn - khi thì ở Măng Đen, khi vào Đà Lạt, lúc ở Khánh Hòa, khi lại vào Củ Chi bán phân trùn quế.
Sau một thời gian làm nông nghiệp thấy không có hiệu quả, Trung lại quay về với nghề kiếm tiền bằng giọng nói.
Dịch Covid-19 ập đến, suốt 2 - 3 năm, Trung dành thời gian đi học, tự nghe, rèn luyện và cải thiện kỹ năng nói của mình. Ở Gia Lai lúc ấy, Trung có nhiều bạn bè người Huế nên anh tiếp thu một cách tự nhiên chất giọng miền Trung.
Xác định sẽ theo đuổi công việc này lâu dài, Trung tự học thêm giọng miền Nam. Sau 3 - 4 năm rèn luyện, Trung bắt đầu kiếm được tiền từ cả giọng miền Nam.
Hiện tại, nguồn thu nhập chính của Trung là từ việc đọc lời cho các đoạn quảng cáo. “Bắt đầu từ năm 2021, tôi làm nhiều về quảng cáo, tính đến giờ chắc tôi đã đọc đến cả nghìn đoạn quảng cáo”.
Trung những ngày còn làm nông dân
Trung cho biết, công việc này mang lại mức thu nhập khá ổn, tùy thuộc vào khả năng và tên tuổi của giọng đọc. “Hiện tôi được trả ở mức 3 - 3,5 triệu đồng cho 30 giây đọc lời quảng cáo. Nếu lồng tiếng cho video, mức giá là 2,5 - 3 nghìn đồng/từ”.
Đầu năm nay, Trung bắt đầu dành thời gian cho việc dạy nghề qua các bài giảng online. Tuy nhiên, các học viên của Trung đi “học nói” để phục vụ rất nhiều mục đích khác nhau, chứ không chỉ để làm MC hay đọc lời quảng cáo.
“Từ khi việc bán hàng online, xây dựng kênh cá nhân bắt đầu phát triển mạnh, nhiều người có nhu cầu học cách nói sao cho giọng hay và đẹp để thu hút người xem.
Một bộ phận học viên khác của tôi là các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý thường xuyên phải nói trước đám đông. Họ cũng có nhu cầu học cách nói hay và nói làm sao để không bị mệt, không bị hụt hơi.
Ngoài ra, có cả những người cảm thấy giọng nói của mình chưa được nhẹ nhàng, khéo léo, gây bất lợi cho công việc và cuộc sống cá nhân cũng tìm đến tôi để khắc phục những nhược điểm trong giọng nói” – Trung cho hay.
Có nhiều học viên tìm đến Trung để học cách nói hay
Trong số những học viên theo học, Trung ấn tượng với một phụ nữ đang làm việc ở bộ phận tiếp dân của một cơ quan Nhà nước.
“Công việc của chị chủ yếu là đi giải quyết các mâu thuẫn nên sau mỗi ngày làm việc, chị luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Khi tiếp xúc với chị, tôi cũng thấy gương mặt, ánh mắt của chị khi nói chuyện khá căng thẳng.
Nhưng chỉ sau 2 - 3 buổi học, chị biết cách điều chỉnh giọng nói sao cho nhẹ nhàng, khiến người khác muốn nghe mình nói hơn. Việc điều khiển được giọng nói cũng giúp chị điều chỉnh lại cảm xúc rất nhiều.
Sự cải thiện này cũng ngay lập tức mang lại hiệu quả cho công việc của chị. Chị có kể với tôi rằng, hôm đó có một người dân qua gặp chị rất bức xúc với cách xử lý của một bộ phận khác. Họ trình bày lại sự việc với thái độ rất gay gắt.
Nếu như trước kia, có thể chị cũng đã phản ứng lại gay gắt với họ. Nhưng sau khi đã biết cách điều chỉnh giọng nói, chị chủ động hạ tông giọng xuống, nói chậm lại và thả thêm hơi vào để giọng nghe mềm mại, tình cảm hơn.
Chỉ sau 2 - 3 câu, chị thấy đối phương đã dịu lại, bình tĩnh hơn và hợp tác chia sẻ vấn đề với chị để tìm ra giải pháp. Sau tình huống hôm đó, chị rút ra kinh nghiệm cho mình, biết điều chỉnh cách nói để người nghe cảm thấy dễ chịu.
Nhờ vậy mà bản thân chị cũng cảm thấy thoải mái hơn sau mỗi ngày làm việc. Chị bảo, về nhà, chị đọc truyện cho con nghe bằng chất giọng có cảm xúc hơn, con cũng vui vẻ hơn hẳn”.
Trung cho rằng, giọng nói có vai trò rất quan trọng trong việc giao tiếp, ứng xử, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả sự nghiệp của những người có tính chất công việc thường xuyên phải trò chuyện với mọi người.
Trung hy vọng nghề của mình sẽ giúp nhiều người cải thiện và sở hữu được những giọng nói hay và đẹp.
Ảnh và video: Nhân vật cung cấp