Kỳ 1: Quang Linh Vlogs là ai?
Sau nhiều lần kết nối, chúng tôi mới có cơ hội được gặp và trò chuyện cùng Quang Linh. Dáng người cao, da ngăm đen, khuôn mặt điển trai cùng nụ cười tươi là ấn tượng đầu tiên của tôi về chàng trai xứ Nghệ này. Quang Linh Vlogs tên thật là Phạm Quang Linh (SN 1997, quê tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Năm 2016, tốt nghiệp phổ thông, anh đi xuất khẩu lao động tại Luanda - thủ đô Angola, một quốc gia châu Phi.
Nói về cơ duyên đến với Angola, Linh chia sẻ: “Tôi có một số người quen sang bên đấy làm việc và giới thiệu. Khi được lựa chọn giữa Nhật, Hàn, Đài Loan và Angola, tôi quyết định chọn một đất nước xa lạ để khám phá trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Mang bản sắc văn hóa Việt Nam đến với người dân châu Phi luôn là tâm nguyện của tôi và cả nhóm. Tôi rất vui khi người dân Angola biết đến văn hóa Việt Nam và muốn lan tỏa văn hóa dân tộc đến với cộng đồng người dân châu Phi nhiều hơn nữa”
Quang Linh tự hào
Linh kể, lúc mới sang Angola, anh làm trong lĩnh vực xây dựng. Một thời gian sau mở một xưởng sản xuất đá lạnh ở bên bờ biển của Thủ đô Luanda của nước bạn để cung cấp cho ngư dân cũng như người dân thành phố. Cuối năm 2018, sau một thời gian tích lũy được vốn, anh chuyển sang kinh doanh thêm các sản phẩm giày dép, quần áo. Thời gian rảnh rỗi, Linh lên ý tưởng về việc lập một kênh Youtube ghi lại cuộc sống của mình và những người bạn tại Angola.
Kênh Youtube “Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi” được thực hiện bởi nhóm bạn 9 người, gồm 4 người Việt Nam và 5 người Angola, thường được gọi bằng cái tên gần gũi “team châu Phi”. Dù được quay trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng các video lại gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ sự mộc mạc, giản dị, chân thực. “Mục đích ban đầu, tôi muốn đăng tải các video lên mạng không phải vì kiếm tiền mà chỉ muốn có chỗ lưu lại những kỷ niệm của bản thân ở nơi xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa”, Linh nói.
Giữa hàng ngàn kênh Youtube về chủ đề cuộc sống tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,… những video cuộc sống ở châu Phi của Quang Linh nổi lên như một làn gió mới. Đến với Youtube một cách tình cờ, Quang Linh đạt nút vàng 1 triệu lượt đăng ký chỉ sau 1 năm.
Tới nay, kênh Youtube “Cuộc sống ở châu Phi” của anh tăng lên 2,57 triệu lượt đăng ký. Nội dung các video khá giản dị về cuộc sống hàng ngày của Linh và bạn bè người Việt với người dân bản xứ, những chuyến thiện nguyện hay cách anh chàng dạy trẻ nhỏ tại Angola những ca khúc thiếu nhi Việt Nam khiến cộng đồng mạng thích thú, rầm rộ chia sẻ tạo sự lan tỏa lớn.
Một trái tim có nắng
Đến vùng đất mới, khác văn hóa, màu da, Linh gặp nhiều khó khăn. May mắn, Linh được Manuel Arlindo (thường gọi là Lindo) giúp đỡ nhiệt tình, hai người trở nên thân thiết và đồng hành với nhau trong suốt hành trình thiện nguyện. “Những người Angola mà tôi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc thân thiện và tốt tính lắm. Ở Angola, người Việt rất được quý mến”, Linh tâm sự. Hành trình đến với hoạt động thiện nguyện của anh cũng “rất tự nhiên”.
“Ban đầu khi lập kênh Youtube, tôi chỉ quay về ẩm thực, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày ở xưởng đá của bản thân và mấy anh em người Angola. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất có lẽ là vào năm 2020, xưởng làm đá bị yêu cầu tạm thời đóng cửa trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Lúc đó chưa có đủ kinh tế để về nước, thế nên tôi đành ở lại và thực hiện chuyến đi về thăm quê các bạn cùng làm. Đây cũng là dịp để khám phá, trải nghiệm thêm cuộc sống, văn hoá, con người, thiên nhiên ở Angola”, nam Youtube hào hứng.
Nơi Quang Linh đặt chân đến là làng miền núi xa xôi Sanzala, thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo - một trong những địa phương nghèo nhất của Angola. Không sợ khổ, chẳng ngại khó, anh cùng các bạn tổ chức phát gạo và nhu yếu phẩm cho bà con; thường xuyên tổ chức nấu những món ăn thuần Việt cho người dân và đặc biệt là trẻ em tại Bailundo thưởng thức. Đây là những trải nghiệm mà người dân ở đó chưa bao giờ có. Tại đây, thấy các em nhỏ sử dụng nước bẩn và người dân đều chung cảnh thiếu nước sạch, Linh quyết định hành động.
“Đó là một sáng cuối tuần, dù khá mệt nhưng tôi cùng nhóm bạn vẫn thức dậy sớm, dùng xe chuyên dụng chở máy móc từ Luanda đến Bailundo khoan giếng cho người dân. Nhìn thấy chúng tôi từ xa, hàng chục người dân đã reo lên sung sướng.Họ giơ bàn tay lên rồi cụp dần từng ngón, ý nói đã đếm ngược từng ngày chờ bọn tôi đến”, Linh nhớ lại.
Gần nửa ngày thăm dò, tìm địa điểm, nguồn nước được tìm thấy trong sự vui mừng của dân làng. Và giấc mơ có nước sạch lần đầu trong đời đã thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của những người bản địa nghèo khó. Có nước sạch, Linh muốn giúp những người bạn đã theo anh suốt chặng đường dài xây nhà, lấy vợ, ổn định cuộc sống.
Biết chuyện Lindo đang dự định tổ chức đám cưới ở quê nhà nhưng hoàn cảnh rất khó khăn, nhóm của Linh quyết định giúp. Và rồi một lễ đám hỏi đậm chất Việt Nam được diễn ra ngay giữa lòng đất nước Angola thật sự đáng nhớ.
Đám hỏi được thực hiện công phu, chu đáo và đúng với bản sắc Việt, gồm có bưng mâm ngũ quả đưa đến nhà gái, thưa hỏi, tiệc mừng…Đôi vợ chồng trẻ sau đó tiếp tục được hỗ trợ mua đất, dựng nhà khang trang.
Tìm hiểu nền nông nghiệp ở vùng Bailundo kém phát triển do người dân thiếu kinh nghiệm trồng trọt, điều kiện sản xuất cũng không có, Linh đã nảy ra sáng kiến hướng dẫn họ trồng một số loại rau Việt Nam.
“Người dân nơi đây chủ yếu trồng ngô, gần như không biết trồng rau xanh, đất bị bỏ hoang rất nhiều. Ngô thu hoạch bắp rất nhỏ, năng suất thấp... Thấy vậy, tôi bắt đầu thử nghiệm trồng các loại rau Việt Nam và hiệu quả rất tốt vì nơi này mưa nhiều, đất đai màu mỡ”, Linh nhớ lại.
Từ đó, bằng kinh nghiệm “con nhà nông”, Linh hướng dẫn người dân cách trồng rau đúng cách, thu hoạch và chế biến thành đồ ăn. Những lứa dưa chuột, rau cải... đầu tiên được đưa ra chợ bán, thu lại một khoản tiền để tái sản xuất. Hiện, team châu Phi cùng người dân bản địa đã đưa được nước suối về để tưới rau, hi vọng tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau ra nhiều hộ dân, khu vực khác phù hợp trong vùng.
(Còn nữa)