Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin, một cặp đôi ở Bareilly, Uttar Pradesh, hẹn hò được 2 năm rưỡi mới quyết định tiến tới hôn nhân nhưng đến ngày cưới, chú rể đột nhiên biến mất.
Khi cô dâu gọi điện cho chú rể thì nghe được câu trả lời rằng chú rể đang có chút việc bận, đưa mẹ đi xem lễ. Thực tế, lúc này chú rể đã quá sợ hãi, cảm giác càng gần lúc cưới tinh thần càng khủng hoảng, vì vậy quyết định bỏ trốn.
Không tin lời chú rể, cô dâu mặc nguyên váy cưới chạy ra khỏi hội trường hôn lễ đi tìm đối phương. Cuối cùng cô dâu cũng tìm được người ở trước đồn cảnh sát cách đó 20 km. Lúc đó, chú rể đang chuẩn bị lên xe bus rời đi.
Thấy cảnh tượng này, cô dâu không chút do dự đuổi theo, vừa nhỏ nhẹ níu kéo, vừa mạnh mẽ cưỡng ép, đưa chú rể trở lại hội trường hôn lễ.
Khi cặp đôi quay lại hội trường, đã 2 tiếng đồng hồ trôi qua, rất nhiều khách mời đã tập trung lại hóng chuyện. Sau khi gia đình hai bên bàn bạc, quyết định tiếp tục tổ chức hôn lễ. Người nhà chú rể cũng không khó chịu gì, thậm chí còn khen ngợi cô dâu, cho rằng cô rất mạnh mẽ và dũng cảm.
Sợ kết hôn - Hội chứng khi người trẻ phát hoảng vì nghe đến cưới xin
Hẳn chúng ta ai cũng từng bắt gặp những người nói rằng "Tôi chưa sẵn sàng để kết hôn", "Hôn nhân không dành cho tôi", "Nghĩ đến việc cưới xin mà tôi phát sợ". Theo như các nhà tâm lý nhận định thì đây là hội chứng sợ hãi hôn nhân hay còn được gọi là Gamophobia.
Gamophobia là hội chứng sợ cam kết, tuy nhiên nó cũng có thể là nỗi sợ hãi quá mức, dai dẳng, không thể kiểm soát và phi lý về việc kết hôn.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Gamophobia
1. Sợ ràng buộc
Lẽ dĩ nhiên kết hôn chính là sự ràng buộc nhau về nhiều mặt. Tuy nhiên, sự ràng buộc này không phải chỉ là chiếc nhẫn cưới về mặt hình thức hay tờ giấy đăng ký kết hôn về mặt pháp lý. Hôn nhân chính là cột mốc cho thấy nhiều sự kết nối hơn về mặt tình cảm và trách nhiệm của cả hai.
2. Nền tảng gia đình bất hạnh, không có sự hạnh phúc
Gamophobia có thể nảy sinh từ những trải nghiệm tiêu cực xuất phát từ việc chứng kiến gia đình mình hoặc gia đình xung quanh không hạnh phúc. Nỗi sợ này còn được định nghĩa như một nỗi sợ tâm lý khi nghĩ đến việc gắn kết.
3. Sợ tổn thương
Những lần vấp ngã trong tình yêu trước đó có thể khiến bạn luôn tạo một lớp vỏ bọc để tránh bị tổn thương. Đến khi sắp phải tiến tới một cột mốc xa hơn, bạn vẫn chưa thể thoát khỏi được những nỗi sợ trong quá khứ và lo lắng cho tương lai.
4. Bệnh về tâm lý
Những ám ảnh hay rối loạn về tâm lý cũng khiến nhiều người không bao giờ cảm thấy sẵn sàng trước hôn nhân. Bởi vì, nỗi tự ti về khả năng duy trì một mối quan hệ hạnh phúc, hoặc những ẩn ức từ sâu trong tiềm thức khiến họ suy nghĩ bản thân không xứng đáng yêu và được yêu. Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết thêm, trầm cảm là một trong những bệnh tâm lý phổ biến nhất dẫn tới chứng sợ hãi hôn nhân.
Ngoài ra, suy nghĩ rằng việc ly hôn có thể trở nên trắc trở dưới áp lực gia đình cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra nỗi sợ lập gia đình. Bên cạnh đó, các tục lệ như là lễ dạm ngõ, lễ đính hôn, lễ kết hôn cũng có thể khiến người ta lảng tránh việc kết hôn.
Ảnh minh hoạ
Đối phó với hội chứng Gamophobia
- Đừng quá để tâm đến những hình mẫu gia đình tiêu cực xung quanh bạn.
- Đảm bảo là bạn hiểu bản thân và người bạn đời của mình đủ rõ.
- Học cách chia sẻ mọi thứ với bạn đời của mình.
- Hãy nhớ rằng nửa kia của bạn là một cá nhân và hôn nhân không thể xóa đi cá tính cá nhân đó.
- Tập trung vào ý nghĩa của hôn nhân: định nghĩa những thứ mà bạn kỳ vọng từ cuộc hôn nhân của mình và chia sẻ những điều đó cho nửa kia.
- Nếu bạn cảm thấy rằng bạn không thể vượt qua nỗi sợ hôn nhân và quá căng thẳng vì điều này, bạn luôn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia.