Côn Đảo đẹp và bình yên lắm. Mình thích sự bình yên và lắng đọng trong lòng khi thả hồn phiêu lãng theo từng tiếng đàn ở quán cà phê Phiên Khúc đêm về.
Mặc kệ những áp lực công việc cuộc sống ở Sài Gòn đang vây quanh. Côn Đảo sẽ là khoảng trời bình yên cho riêng bạn,là nơi bạn có thể gửi lời nguyện cầu của mình đến những đấng siêu nhiên, trút bỏ trên người những muộn phiền đang vây kín, tìm cho mình một khoảng lặng bình yên giữa bốn bề sóng biển.
TỔNG CHI PHÍ 1 NGƯỜI: 1.592.000/ người.( 2 ngày 1 đêm)
- Vé tàu: 620.000/ khứ hồi
- Vé xe: 280.000/ khứ hồi ( Sài Gòn- Sóc Trăng)
- Khách sạn Qsongchi: 447.000/ đêm ( book trên Traveloka).
- Vé xe bus: 80.000 ( Sóc Trăng- cảng Trần Đề, cảng Bến Đầm- khách sạn)
- Thuê xe máy: 120.000/ ngày
- Vé tham quan chuỗi nhà tù: 40.000
- Vé bảo tàng Côn Đảo:5.000
- Ăn uống mua đồ viếng mọi người tự túc nha, tuỳ vào điều kiện của mỗi người nên mình xin phép không liệt kê phần này
Lịch trình tham quan Côn Đảo:
Ngày thứ nhất: Trại Phú Hải- Trại Phú Tường- Trại Phú Bình, Bảo tàng Côn Đảo, Dinh Chúa Đảo, Cầu Tàu 914, Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương- mộ chị Võ Thị Sáu.
Chỉ với 40.000 đồng bạn sẽ được cầm trên tay chiếc vé tham quan chuỗi nhà tù Côn Đảo.
- Nhà Tù Côn Đảo ( trại Phú Hải)
- Trại Phú Tường ( chuồng cọp kiểu Pháp)
- Trại Phú Bình ( chuồng cọp kiểu Mỹ)
Theo kinh nghiệm và chỉ dẫn của chị bán vé, khi mua vé xong ngồi đợi một lát có những đoàn khách du lịch sẽ có hướng dẫn viên đi theo, khi đó đi theo nghe " ké" thuyết minh từng gian phòng, từng câu chuyện, những cột mốc lịch sử đã từng diễn ra ở các nhà tù này.
Ngoài ra các bạn cũng đừng bỏ qua các điểm được liệt kê dưới đây, những điểm đó nằm cùng trên một đường đi nên rất tiện cho các bạn di chuyển và không mất nhiều thời gian tham quan.
- Bảo Tàng Côn Đảo
- Cầu tàu lịch sử 914
- Dinh Chúa Đảo
- Cầu Ma Thiên Lãnh
Ngày thứ hai: Miếu An Sơn( Miếu Bà Phi Yến), Vân Sơn Tự, Bãi Đầm Trâu, Mũi Cá Mập, Miếu Cậu( Hoàng tử Cải).
Ngoài những di tích lịch sử, Côn Đảo còn có những địa điểm tâm linh như:
- Nghĩa trang Hàng Dương: nơi yên nghỉ của hơn 2000 liệt sĩ và mộ chị Võ Thị Sáu. Đây có lẽ là nghĩa trang đặc biệt nhất Việt Nam khi người đến viếng vào ban đêm đông hơn người đến viếng vào ban ngày.
- Miếu An Sơn ( Miếu Bà Phi Yến): cầu về tình duyên
- Vân Sơn Tự( Chùa Núi Một): cầu may mắn.
- Miếu Cậu( Hoàng Tử Cải) : xin về con cái
- Miếu Ngũ Hành: xin về công việc
Nếu có nhiều thời gian, các bạn hãy dành thời gian để tham gia những hoạt động khá thú vị khác như:
- Câu cá, lặn ngắm san hô ở Vịnh Đầm Tre
- Xem rùa biển đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh
Cách đi Côn Đảo tiết kiệm chi phí và thời gian nhất bằng tàu Superdong-Sóc Trăng
Để tối ưu thời gian nhất là bạn book xe Phương Trang chuyến 12h đêm Sài Gòn- Sóc Trăng.Từ bến xe miền Tây xuống bến xe Sóc Trăng. Tầm khoảng 5h sáng là bạn đã có mặt ở bến xe Sóc Trăng rồi.
Ngoài lựa chọn hãng xe Phương Trang ra, thì cứ ra bến xe miền Tây còn nhiều hãng xe cho bạn chọn lắm. Mà có chọn lựa gì thì cũng nhớ là đi chuyến 12h đêm để tới Sóc Trăng kịp sáng sớm nha.
Tới bến xe thì sao nào, đi bộ hoặc nhờ trung chuyển đưa qua phòng vé Superdong kiếm gì ăn sáng và chờ xe buýt đến đón lúc 6h20.
Xe buýt sẽ đưa bạn ra cảng Trần Đề trước 7h30 để bạn kịp lên tàu khởi hành đi Côn Đảo lúc 8h sáng.
Di chuyển từ bến xe Sóc Trăng đến cảng Trần Đề
Khoảng cách từ bến xe Sóc Trăng đến cảng Trần Đề khoảng 35km.
Từ bến xe Sóc Trăng bạn có thể đi bộ qua phòng vé Superdong chỉ 500m,để đón xe shuttle bus Superdong đi xuống cảng Trần Đề.
Nếu lười đi bộ có thể nhờ xe trung chuyển đưa qua đấy dùm. Mình là mình chọn nhờ xe trung chuyển đưa đi cho nhanh, sáng sớm còn đang mơ mơ màng màng đi lạc đường mất công đi lại hihi. (Lý lẽ của những đứa lười).
Sẽ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe bus của Superdong xuống cảng Trần Đề giá vé là 40.000 đồng/ người/ lượt.
Để đi xe buýt, khi đặt vé tàu, bạn đặt luôn vé xe buýt để có chỗ ngồi trên xe. Tới phòng vé đặt vẫn được, nhưng hên xui ngày hôm đó người khác cũng đi ra đảo đông quá không đủ chỗ, thì phương án " đau túi" nhất là đi taxi xuống cảng, giá khoảng 300.000 đồng/ lượt, một mình một xe không lo chen lấn "dân chơi" sợ gì mưa rơi.
Nên thôi, để tiết kiệm đặt vé tàu thì đặt luôn vé xe để dành tiền qua Côn Đảo ăn ốc.
Lịch tàu Superdong từ Cảng Trần Đề đi Côn Đảo
Hiện tại, tàu Superdong Sóc Trăng chỉ chạy duy nhất 1 chuyến vào ngày thường. Thời gian di chuyển từ cảng Trần Đề đến cảng Bến Đầm là 2h30 phút.
Chuyến đi: Từ cảng Trần Đề( Sóc Trăng) lúc 8h sáng.
Chuyến về: Từ cảng Bến Đầm ( Côn Đảo) lúc 13h chiều.
Vào những ngày cuối tuần để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, tàu Superdong sẽ tăng cường số chuyến lên. Nên khi lên plan xong, các bạn liên hệ với phòng vé để có được thời gian chính xác nhất.
Lưu ý nhỏ: Thời gian tàu khởi hành rất chính xác, nên bạn phải có mặt tại bến cảng trước 8h, không là lỡ lịch trình!
Từ cảng Bến Đầm vào trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 12km. Có hai phương án di chuyển:
- Cách thứ nhất: nếu hôm bạn đi trời quang mây tạnh, nắng vàng lung linh, thì thuê ngay một chiếc xe máy ngay tại bến cảng giá là 120k/ ngày ( tùy từng thời điểm giá xe có thể thay đổi), chạy vào trung tâm khỏi phải thuê xe ở khách sạn, tiết kiệm được 40k tiền xe buýt, nào về chạy ra thẳng xe tại cảng, tiết kiệm được 40k tiền xe buýt lượt về nữa. Nếu bạn chọn theo cách thứ nhất bạn sẽ tiết kiệm được 80.000 tiền xe di chuyển rồi.
- Cách thứ hai: bạn không thích chạy xe máy thích được đưa đón tận nơi, hay xui xui hôm đó bạn đi trời bất chợt đổ mưa không sao lên xe buýt Superdong 40 nghìn việt nam đồng sẽ đưa bạn đến tận cửa khách sạn.
Đến Côn Đảo, nên ở khách sạn nào?
Khi đến Côn Đảo lần thứ hai, sau lần đầu tiên đi một mình. Thì theo cảm nhận cá nhân mình QSongchi vẫn là lựa chọn không cần phải đắn đo khi book phòng. Lần đó mình book trên #Traveloka, sau khi xem xét về giá cả, tiện nghi, vị trí, thì mình đã chọn QSongChi vì phù hợp với tiêu chí mình đưa ra nhất.
Có bốn lí do để khi đến Côn Đảo, Qsongchi sẽ là lựa chọn đầu tiên của bạn: vị trí di chuyển thuận tiện,luôn có giá tốt nhất, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, sản phẩm tour du lịch phong phú.
Khách sạn QSongchi với tiêu chuẩn 2 giá phòng dao động từ 600.000/ đêm bao gồm phục vụ ăn sáng tại khách sạn. À quên, khách sạn còn có nhận đặt cơm trưa theo phần, nên nếu có muốn ăn trưa thì buổi sáng bạn đặt tại lễ tân. Buổi trưa tại Côn Đảo cũng không có nhiều lựa chọn, thay vì mất thời gian tìm kiếm trưa nay ăn gì, thì thôi đặt cơm trưa tại khách sạn cho nhanh_gọn_lẹ để thời gian đó trải nghiệm nhiều điều hay ho hơn trên đảo.
Do vị trí nằm trên đường Nguyễn Văn Linh(Côn Đảo)nên từ khách sạn có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều điểm tham quan một cách nhanh chóng như:chợ Côn Đảo, nhà tù Phú Hải,cầu tàu 914, bảo tàng Côn Đảo, cà phê Phiên Khúc, nghĩa trang Hàng Dương.
Vì đi suốt nên mình cũng không đặt nhiều yêu cầu về sự tiện nghi khách sạn, nhưng với sự bài trí đơn giản, sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, mình nghĩ nhiêu đó thôi đã đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản cho một đêm nghỉ ngơi rồi.
Thái độ phục vụ thì mình vô cùng hài lòng bởi sự thân thiện, niềm nở, hiếu khách của chị chủ khách sạn. Khi vừa đặt chân đến quầy lễ tân thôi, mình đã được chỉ chu đáo hỏi thăm đi tàu có mệt không, để chị chuẩn bị phòng trước cho lên nghỉ ngơi mặc dù chưa đến giờ nhận phòng. Ngoài ra, chị sẽ tư vấn cho những bạn lần đầu đến đảo đi đâu, chơi gì, ăn chỗ nào ngon, hỏi bạn có chuẩn bị lễ vật để tối đi lễ cô Sáu chưa, nếu chưa thì chị sẽ đặt phần lễ dùm luôn cho bla bla. Nói chung ấn tượng đầu tiên của mình về chị chủ chắc chị được đào tạo bài bản về nghiệp vụ khách sạn nên khi tiếp xúc bạn sẽ cảm nhận được không gian gần gũi khi đến thăm nhà của một người chị trong gia đình chứ không phải một nơi xa lạ.
Sản phẩm du lịch của khách sạn cũng khá phong phú như: Nhà hàng bè hải sản sống QBè-QSongchi, hoạt động giải trí thể thao Sports At Sea, tour du lịch Côn Đảo 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm. Khách sạn còn có dịch vụ cho thuê xe máy tại khách sạn, giá từ 150.000 đồng/ ngày ngay quầy lễ tân khách sạn. Dịch vụ đưa đón khách từ cảng Bến Đầm về khách sạn và từ khách sạn ra cảng Bến Đầm.
Đánh giá:
- Với giá được niêm yết theo hạng sao một cách rõ ràng, QSongchi sẽ là lựa chọn phù hợp với các cặp đôi, gia đình hơn là đi nhóm bạn. Vì khách sạn không có dạng phòng dorm thích hợp cho cả nhóm, không có khu vực nấu nướng chế biến của riêng khách.
- Nếu đi theo nhóm, mình khuyên các bạn nên lựa chọn Uyên’s house hay Khánh Vy house sẽ là lựa chọn phù hợp nhất.
- Một điểm mình chưa hài lòng ở khách sạn này, là hệ thống cách âm cửa chưa được tốt lắm, vào buổi trưa hay buổi sáng, nhân viên dọn dẹp bên ngoài nói chuyện lớn tiếng là bên trong phòng nghe hết, sẽ mất đi sự riêng tư cá nhân cho những ai cần yên tĩnh.
- Ngoài điểm trừ nho nhỏ là cách âm chưa tốt, còn lại mọi thứ ở khách sạn QSongchi đều Ok. Sẽ là lựa chọn hàng đầu không phải đắn đo suy nghĩ khi đến Côn Đảo
Ăn món gì, uống ở đâu? Ở Côn Đảo
Lần đầu tiên mình đi ngay đợt trong lịch trình ăn kiêng, nên không được thưởng thức gì nhiều.Lần thứ hai,quyết tâm ăn bù lần trước, hậu quả là về trọng lượng cơ thể tăng lên thêm 2kg, tiếp tục hành trình ăn kiêng thanh lọc cơ thể.
- Bún riêu Bà Hai Khiêm
Buổi sáng ở Côn Đảo, có làm gì làm cũng phải dậy thật sớm đi tắm ngắm bình minh, đắm mình dưới làn nước biển trong xanh chờ mặt trời ló dạng. Tắm biển xong, nhất định phải ăn cho bằng được tô bún riêu quán Bà Hai Khiêm.
Cảm nhận của riêng mình là, quán bún này đặc biệt ở chỗ hầu như tất cả những người bạn gặp ở trên tàu đi ra đảo, những người bạn gặp lướt qua ở bãi biển, sẽ đều có mặt ít nhất một lần tại quán này cùng chờ để được thưởng thức tô bún riêu nóng hổi đậm đà vùng biển.
Mọi thứ trên đảo do được vận chuyển từ đất liền ra nên giá có cao hơn xíu xíu. Nhưng riêng bún riêu bà Hai Khiêm thì có giá bình dân và hợp lí nhất, 17.000 đồng/ tô nhỏ, 25.000/ tô lớn.
Thời gian bán buổi sáng là từ 6h sáng đến 8h sáng. Như đã nói ở trên, lượng người đến ăn đông lắm, nên cũng nhanh chóng bán hết sạch, đúng kiểu nhanh chân thì còn chậm chân thì hết.
- Ăn hải sản ở đâu?
Ngoài nhà hàng Thu Ba đông khách nhất và quán Tri Kỉ địa chỉ ăn hải sản nổi tiếng nhất Côn Đảo, thì mình còn khám phá ra được hai địa chỉ ăn mới mà khá vừa miệng.
Nhà hàng Ớt: nằm cùng con đường quán Tri Kỉ luôn. Buổi sáng, sau khi ăn bún bà Hai Khiêm rồi, thuê tàu ra vịnh Đầm Tre lặn ngắm san hô, câu cá trên tàu. Trưa về bờ, đưa bọc cá chiến lợi phẩm buổi sáng câu được nhờ nhà hàng chế biến, chiên giòn chấm mắm me, kêu thêm hai thố cơm niêu, kêu thêm tô canh, dĩa rau luộc nữa là có một bữa cơm trưa ngon hết sẩy.
Quán hải sản Khánh Duy: nằm trên đường Trần Phú, quán mới mở gần đây nhưng lượt khách đến cũng không kém phần tấp nập, không gian quán rộng rãi thoải mái, phục vụ nhanh chóng, thái độ phục vụ hiếu khách, đồ ăn ngon vừa miệng. Nếu không thích những quán quá ồn ào tấp nập, phải đợi lâu, có không gian để nói chuyện với nhau thì Khánh Duy sẽ là lựa chọn trong gạch đầu dòng đầu tiên khi bạn muốn thưởng thức hải sản tại Côn Đảo.
- Cà phê Phiên Khúc: sau một ngày rong ruổi khắp mọi nẻo đường trên đảo, tối ăn uống no nê, thì Phiên Khúc cà phê là địa điểm lí tưởng để bạn tìm về. Ánh đèn vàng hiu hắt, nhạc Trịnh vang lên giữa không gian tĩnh mịch, ly cà phê đen thêm điếu thuốc lá, dòng suy nghĩ cứ thế miên man trôi cho đến khi tiếng anh chủ quán cất lên “ cảm ơn sự có mặt của các bạn tại Phiên Khúc, hôm nay mình xin góp vui gửi đến các bạn một bài bằng đàn tranh Một cõi đi về” tiếng đàn nhạc Trịnh lại vang lên giữa bốn bề màn đêm lắng dọ
Tới tiết mục hấp dẫn nhất khi đến Côn Đảo rồi!
Câu nói mà người dân trên đảo hay truyền miệng nhau mà mình ấn tượng nhất là “ ở Côn Đảo này, buổi sáng dân số chỉ có 8.000 người, nhưng khi đêm về thì lại tăng lên 29.000”.
Mình xin chia sẻ kinh nghiệm lượm lặt nhiều nơi về việc chuẩn bị những gì cho tươm tất để buổi tối có thể đi viếng nghĩa trang Hàng Dương. Người xưa có câu “ đi thưa về trình” việc đầu tiên cần làm khi đến Côn Đảo là sau khi từ bến cảng hay sân bay về đến được khách sạn rồi, thì đến thẳng nghĩa trang Hàng Dương chào chị Sáu, chào các chiến sĩ nơi đây, cũng như gửi lời chào đến vùng đất linh thiêng đã đặt chân đến rồi sau đó muốn đi tham quan khám phá ở đâu thì đi nha các bạn.
- Chuẩn bị đồ lễ và đồ viếng:
- Bộ đồ lễ của chị Sáu: gồm nón lá, áo dài, gương, phấn, lược, khăn, một giỏ trái cây trong đó có trái lê ki ma, một giỏ hoa trắng... bạn nào muốn mua gì thì mua tuỳ tâm mỗi người. Nếu là các bạn nam, không biết chuẩn bị thì tuỳ tâm mỗi người ghé chợ Côn Đảo mua một bó hoa trắng và một bó nhang mang theo cũng đủ lễ rồi. Đó là đồ lễ cho những bạn lần đầu ra Côn Đảo, nếu điều nguyện ước của bạn thành sự thật, thì khi ra lại đảo bạn đặt một phần xôi gà để tạ lễ nhé.
- Bạn nào có kinh doanh sản phẩm gì thì mang theo cúng luôn nhé, cúng xong đem về lấy lộc của chị Sáu.
- 2 bộ đồ lễ ở mộ cụ Lê Hồng Phong: gồm một bộ sơ mi, một bộ đồ lính, dĩa trái cây và hoa, gói thuốc, bánh kẹo.
- 2 bộ đồ lễ ở mộ cụ Nguyễn An Ninh: gồm một bộ sơ mi, một bộ đồ lính, dĩa trái cây và hoa, gói thuốc, bánh kẹo.
Thời gian đi lễ, khoảng 22h30 từ khách sạn các bạn xuất phát di chuyển đến nghĩa trang Hàng Dương. Thăm viếng và cúng tại tượng đài trước, sau đó đến viếng mộ cụ Nguyễn An Ninh và mộ cụ Lê Hồng Phong, đồng thời thắp nhang trên mộ cho các chiến sĩ vô danh xung quanh đó. Cảm ơn các cụ, các bác, các anh đã anh dũng hi sinh đổi lấy cuộc sống bình yên của chúng ta ngày hôm nay.
Nên cố gắng thắp cho mỗi ngôi mộ một nén nhang, càng nhiều mộ càng tốt trong khả năng của mình đặc biệt là những ngôi mộ ở sâu bên trong. Nếu có thời gian trống trong lịch trình, buổi chiều tranh thủ ghé thắp hương vì buổi tối nghĩa trang tối lắm, không thể đi sâu vào để thắp hết các ngôi mộ ở xa được.
Sau khi thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh xong, quay lại nơi Tượng đài hoá vàng bộ đồ cúng, hoá vàng cho cháy hết 100% không còn xót lại miếng nào các bạn nhé.
Chính nhờ mộ chị Sáu đã khiến cho nghĩa trang Hàng Dương trở thành nghĩa trang đặc biệt bậc nhất Việt Nam, ban ngày thì vắng càng về khuya thì càng đông đúc tấp nập. Người đi lễ, người đi trả lễ nhiều không đếm xuể, lòng thành của mọi người được thể hiện qua hương khói nghi ngút, hoa quả, lễ vật đặt kín mộ không còn chỗ để đặt.
Theo kinh nghiệm cá nhân nếu đi viếng mộ chị Sáu thì đi tầm khoảng 23h45 là hợp lí nhất, vì khi đó mọi người chuẩn bị ra về do 12h xuống lễ. Bạn sẽ có 15 phút thong thả bày đồ lễ, thong thả “ tâm sự mỏng” với chị Sáu mà không phải chen lấn, cúng xong là kịp giờ xuống lễ luôn. Mà đa phần mọi người đi tạ lễ đều thay đồ giấy thành đồ thật hết.Cúng xong cứ để đó, sẽ có người bên bộ phận dâng lễ tại nghĩa trang mang lễ vật của bạn vào nhà lưu niệm cất giữ.
Sau khi xuống lễ xong, thì tiếp đến là công việc hoá vàng, một lần nữa các bạn hãy hoá vàng thật chậm, thật có tâm đảm bảo cháy hết 100% rồi hãy đi về.
“Khi viếng Cô thì nên nói gì”
- Khi đi viếng tuyệt đối tỉnh táo, không có rượu bia hơi men trong người, nếu hôm đó lỡ uống chút ít, thì dời lại vào ngày hôm sau hãy đi viếng.
- Khi viếng nên nói rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi ở.
- Chỉ xin về công việc kinh doanh, đất đai, nghệ thuật, làm đẹp, chính trị, học hành.
- Không được xin những thứ khác, đặc biệt là chuyện tình cảm.
- Khi xin thì xin thẳng một vấn đề tránh vòng vo quanh co.
- Xin xong nếu nguyện ước thành hiện thực thì có dịp sẽ ra trả lễ Cô, không nên nói chính xác ngày, vì thất hẹn sẽ không có kết quả tốt được.
Mong là qua bài chia sẻ này các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cho chuyến đi của mình.