Khi đang yêu, người ta ít khi nghĩ đến những chênh lệch đó. Nhưng nhiều năm làm tư vấn tôi nhận thấy nó có thể trở thành “sát thủ thầm lặng” của hôn nhân lúc nào không biết. Nó như thứ hóa chất ăn mòn mối quan hệ của bạn nhất là chênh lệch quá xa.
Bài này tôi chỉ nói đến sự chênh lệch về thu nhập. Cái gì khó khăn mà ta dự liệu trước bao giờ cũng có nhiều hy vọng vượt qua hơn là bị bất ngờ. Dưới đây là câu chuyện có thật của một người chồng chia sẻ với chuyên gia tâm lý:
Năm 30 tuổi, tôi lấy vợ sau một thời gian tìm hiểu đến 4 năm. Tôi cứ nghĩ đó là thời gian quá đủ để hiểu được một người bạn đời sẽ kề vai sát cánh với mình suốt phần đời còn lại. Nhưng tôi có ngờ đâu chỉ gần một năm sau ngày cưới, chúng tôi đã đặt lá đơn ly hôn trên bàn, không còn cách nào khác được.
Đã nhiều đêm trôi qua, tôi trằn trọc suy nghĩ từ lúc yêu nhau cho đến bây giờ, chúng tôi đã sai lầm khi đến với nhau. Giống như một bản hợp đồng hôn nhân chỉ có hai cổ đông quyền lợi như nhau mà đóng góp bên quá nhiều, bên quá ít. Lúc đầu thì lãng mạn như tiểu thuyết. Hàng ngày hai đứa cùng đi làm, thỉnh thoảng lại nhắn tin gọi điện lo cho nhau từng bữa ăn giấc ngủ. Đi bên nhau có người khen là đôi “thanh mai trúc mã”.
Có khi còn đi đón về đưa, qua bờ hồ còn nghỉ ngơi ngắm cảnh, mấy bác phó nháy kéo đến xin chụp khen đẹp quá. Về đến nhà lại ríu rít nấu ăn, dọn dẹp, tối xem tivi rồi tắm táp sạch sẽ lên giường. Cuộc sống như thế không phải là hạnh phúc hay sao?
Nhớ lại 4 năm hò hẹn cũng có lúc chúng tôi giận dỗi nhưng không bao giờ cãi nhau về chuyện tiền nong. Trái lại luôn động viên nhau nếu có khó khăn thì mình chăm chỉ cố gắng là được nên lúc nào gặp nhau cũng vui vẻ, chỉ đi công tác xa nhau mấy ngày đã nhớ cồn cào. Thế nhưng khi về sống chung dưới một mái nhà phải đối diện với một thực tế là tiền đâu mua nhà, tiền đâu để dành sinh con, tiền đâu hỗ trợ cha mẹ lúc ốm đau... trăm ngàn nỗi lo ở đâu bỗng nhiên kéo đến ồ ạt.
Tôi vẫn yêu vợ mình như thế, nhưng mặt khác khoảng cách về tài chính quá lớn giữa hai bên khiến cô ấy nhiều lúc cảm thấy bất công. Tiền mua nhà trả góp, phần lớn do vợ và gia đình vợ chi trả. Thực tình là tôi cũng nhận thấy mình không đóng góp gì nhiều trong chuyện này. Có lẽ vì thế mà vợ chồng cứ khó chịu về nhau mặc dù không nói ra.
Dần dần tôi nhận ra trong cái gia đình nhỏ bé này ai chi trả nhiều tiền hơn, ai có thu nhập cao hơn thì tiếng nói của người đó có “trọng lượng” hơn. Mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu rạn nứt từ những cái rất vụn vặt và mặc cảm về sự “yếu thế” cứ ngày càng lớn trong tôi.
Ngày trước còn sống chung với gia đình mình, lương tôi có 7 triệu, tôi góp với mẹ 5 triệu còn lại để chi tiêu riêng. Giờ tôi đưa tất cả tiền lương cho vợ, cần tiêu gì như đổ xăng hay cắt tóc chẳng hạn thì bảo vợ đưa. Trong khi lương vợ gấp 3 lương tôi vì cô ấy làm ở một ngành có thu nhập khá. Khi yêu nhau, cô ấy rất hiếm khi phàn nàn về tôi, mặc dù tôi cũng biết mình kém vợ về tài chính. Bây giờ cô ấy nhìn chồng qua kính hiển vi thấy bao nhiêu vi trùng nhung nhúc, con kiến thành con voi. Lại thêm gia đình vợ nói nọ nói kia như lửa đổ thêm dầu. Thậm chí cô em vợ còn khuyên chị không hạnh phúc thì ly hôn, người như chị lấy đâu chả được chồng.
Trong một lần nói chuyện với một người bạn thân của vợ, tôi nhận ra mình trong con mắt vợ là một gã “vô tích sự” trừ cái mã ngoài nhưng bên trong đầy tính xấu. Cô ấy bảo tôi không bao giờ động tay vào việc nhà, làm việc gì cũng cẩu thả, không có ý chí cầu tiến. Cô ấy còn cho rằng tôi lười biếng, không cố gắng kiếm thêm việc bên ngoài. Cô ấy thừa biết tôi đi làm cả ngày còn làm thêm sao được.
Thế rồi, những trận cãi cọ cứ nổ ra năm ngày ba trận. Cô ấy phàn nàn còn tôi thì giải thích và kết cục là chiến tranh lạnh kéo dài. Sau một lần cãi nhau căng thẳng, cô ấy từ chối giao tiếp thân mật với chồng vì không có cảm xúc gì cả. Cô ấy nghĩ là mình hy sinh quá nhiều, còn chồng cứ thản nhiên hưởng thụ, đã thế lại còn không biết điều.
Nhiều lúc về nhà, tôi thấy vợ chỉ cắm nồi cơm điện và làm vài món thức ăn đạm bạc cho nhanh để còn dán mắt vào điện thoại. Nhiều lúc tôi hỏi, cô ấy trả lời nhát một. Tôi gặng hỏi thêm cô ấy bảo anh quan tâm chuyện đó làm gì? Có hôm chán đời tôi lại tìm đến cậu bạn độc thân xem bóng đá đến gần nửa đêm mới về.
Đành rằng cô ấy có thu nhập cao hơn tôi, gia cảnh cũng hơn hẳn, nhưng được cái này thì mất cái khác chứ. Tôi xin hỏi chuyên gia tư vấn tình trạng vợ chồng tôi như thế này đã đáng ly hôn chưa để sau này khỏi phải ân hận vì quá vội vàng. Tự nhiên anh ta mở điện thoại đưa tôi xem ảnh vợ. Tôi ngạc nhiên nhìn người phụ nữ trẻ đẹp gương mặt dịu hiền, ăn mặc duyên dáng. Tôi thầm nghĩ để mất người vợ thế này mà không thấy tiếc ư?.
Cô ấy phàn nàn còn tôi thì giải thích và kết cục là chiến tranh lạnh kéo dài (Ảnh minh họa)
CHUYÊN GIA TƯ VẤN
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa |
Chỉ có một vị thần quyền năng tối thượng mới cứu vãn được cuộc hôn nhân của bạn. Tôi mách cho bạn nhé. Đó là thần TÌNH YÊU. Tôi đã gặp nhiều cặp vợ chồng chênh lệch nhau nhiều hơn ban. Thậm chí có anh thất nghiệp mấy năm liền ví lép kẹp không có một xu mà vợ chồng vẫn đùm bọc yêu thương nhau.
Bạn không tin ư? Tôi không chỉ nói lý thuyết suông mà tôi từng dạy cùng trường với một nữ chuyên gia người Úc khá xinh đẹp, lương chị khá cao. Tôi thấy buổi sáng nào chồng chị cũng lái chiếc ô-tô con chở vợ và đứa con nhỏ đến trường, rồi anh đưa con đi chơi hay đi học ở đâu tôi không biết. Chỉ biết cứ đến giờ tan lớp anh lại lái xe đến đón vợ về. Lúc nào tôi cũng thấy vợ chồng họ tươi cười âu yếm nhau. Hỏi ra mới biết chồng chị thất nghiệp đã mấy năm nay nên anh theo vợ sang Việt Nam trông con để vợ làm việc.
Tôi cũng có một người bạn đồng ngũ ở Bắc Giang là thương binh, mắt anh chỉ còn thị lực độ vài ba phần mười. Vì thế anh chỉ ở nhà cơm nước phục vụ vợ con với đồng lương phụ cấp thương tật ít ỏi. Chị làm hiệu trưởng một trường trung học. Tất cả chi tiêu trong gia đình hầu như chỉ trông vào thu nhập của chị. Nhưng mỗi lần đến chơi với bạn, tôi cảm thấy ít có vợ chồng nào yêu nhau hơn anh chị ấy. Mặc dầu khi họ đến với nhau anh là người đẹp trai mắt sáng chứ đâu có thiệt thòi như bây giờ.
Còn những chuyện chênh lệch rất xa về các mặt khác tôi cũng gặp nhiều. Họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau đến mức tôi thấy ngạc nhiên. Theo tôi tất cả do tình yêu của họ. Tiếc rằng trong cuộc sống vợ chồng của bạn, vị thần quyền năng ấy hiện giờ đang thoi thóp sắp sửa về trời.
Bạn hỏi tôi đã đáng ly hôn chưa? Tiếc rằng tôi không thể quyết định thay cho bạn. Chỉ có tình yêu mới cứu bạn được thôi. Anh ta nhìn tôi bằng đôi mắt nghi ngờ. Cuối cùng tôi hỏi anh một câu:
- Nếu ly hôn thì sau này anh có định lấy vợ lần nữa không?
Anh ta lắc đầu:
- Thú thật là tôi không nghĩ đến chuyện đó đâu.
Lặng đi mấy giây anh lại nói thêm:
- Cũng có thể nếu gặp người tôi yêu!:
Tôi lại hỏi:
- Thế khi lấy người vợ bây giờ anh có yêu không?
Anh gật đầu xác nhận:
- Yêu lắm chứ anh. Không yêu thì cưới làm gì?
- Tôi nghĩ tình yêu của anh và vợ chưa chết hẳn đâu. Nó chỉ ngủ quên mà anh chưa đánh thức được nó dậy. Thay đối tượng kết hôn này bằng một đối tượng khác nhưng nếu cách sống của anh không thay đổi thì tình yêu cũng chết và anh lại sẽ đi vào vết xe đổ.
- Nhưng đánh thức bằng cách nào? !
Tôi nói rất chậm và rõ ràng từng tiếng:
- Anh nên nhớ lại câu chuyện hai người chồng mà tôi vừa kể ơ trên. Yếu kém mặt này, ta mạnh mặt khác. Tôi tin là anh làm được.
Anh đưa tay siết chặt tay tôi. Đôi mắt đã sáng lên một tia hy vọng.
Mấy năm sau tôi gặp hai vợ chồng họ cùng đứa con nhỏ đi du lịch Hội An. Anh mừng rỡ bắt tay tôi:
- Không có anh thì vợ chồng em đã tan tác từ lâu rồi!