Khóc một lúc thấy mệt, Quỳnh ngả lưng lên đệm, đắp chăn trong khi người life coach (huấn luyện viên cuộc sống) vỗ nhẹ vào lưng dỗ dành, đưa cô vào giấc ngủ. "Hành động đó như đưa tôi về tuổi thơ với cảm giác an toàn và được yêu thương", cô nói.
Trong ba tháng qua, Phương Quỳnh đã tham gia bốn buổi wellness spa (trị liệu tâm lý) như này. Chi phí mỗi buổi dao động từ 550.000 đến một triệu đồng.
Quỳnh không nói cụ thể công việc của mình là gì, chỉ biết thường xuyên phải chịu áp lực rất lớn. Cô thừa nhận mình không giỏi trong việc cân bằng cảm xúc, vài lời nói bướng bỉnh của nhân viên cũng làm cô bực tức. Mỗi tối về nhà, cô gái 31 tuổi luôn thấy lạc lõng, cô đơn và không thể nghỉ ngơi. "Chưa ngày nào tôi thấy mình bình yên", cô nói.
Mấy tháng trước, cô tình cờ xem đoạn video trên mạng xã hội về mô hình wellness spa chữa lành. Mỗi buổi trị liệu thường giới hạn ở khoảng 10 người, tập trung trong căn phòng có đủ chăn, gối, đệm, tinh dầu thư giãn, kẹo bánh, kem và sữa. Trong bốn tiếng, mỗi người lần lượt kể hết cảm xúc tiêu cực hoặc những tâm sự không biết nói cùng ai. Sau khi trút được những tâm sự, đa số sẽ khóc hoặc ngả lưng ngủ. Người chủ trì buổi trị liệu (host) không đưa lời khuyên, chỉ lắng nghe và an ủi.
"Tôi được buồn, được khóc và được cười mà không sợ ai phán xét mình", Quỳnh nói. "Cảm giác tâm trạng mình như chiếc lò xo được bung ra sau bao ngày kìm nén".
Phương Loan, 34 tuổi, tìm đến dịch vụ wellness spa khi nhận ra căng thẳng tâm lý đang ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Cô mất ngủ, ăn không ngon, cảm giác trống rỗng và dễ sụp đổ về tinh thần. Loan đã thử đi chơi với bạn bè, đi massage, mua sắm để "chiều chuộng bản thân" mình nhưng không thấy giải tỏa.
"Tâm trạng tôi lúc nào cũng như đi trong màn sương, không nhìn thấy con đường", Loan mô tả.
Ở buổi trị liệu, Loan được phát quyển sổ để ghi chép lại cảm xúc của mình. Cô được massage vùng bụng để giữ ấm cơ thể. Host lần lượt đặt các câu hỏi để cô chia sẻ câu chuyện và bộc lộ cảm xúc. Cuộc trò chuyện dần kết thúc cũng là lúc Loan bật khóc.
"Trước đó tôi không thể rơi giọt nước mắt nào", cô nói. Hôm đó Loan trở về nhà, cảm thấy mình ngủ ngon hơn và thanh thản hơn.
Người tham gia ngủ trong workshop ở TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những buổi trị liệu, chăm sóc tâm lý như của Loan và Quỳnh đang trở nên phổ biến ở TP HCM và Hà Nội. Khách hàng đa số là người trẻ, họ đến để được khóc, giải tỏa tâm lý và nhận được sự chia sẻ.
Khảo sát của VnExpress cho thấy mô hình wellness spa hiện đã có hàng chục cơ sở mới xuất hiện trong nửa đầu năm 2024. Giá dịch vụ dao động từ 650.000 đồng đến hai triệu một buổi, tùy thuộc theo phương pháp trị liệu và thời gian.
Sự phổ biến này nằm trong bối cảnh người trẻ có nhu cầu lớn về "chữa lành". Trên mạng xã hội TikTok, hashtag #chualanh, #healing liên tục nằm trong top 100 từ khóa được tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất, với hơn 60 tỷ lượt xem.
Theo thống kê, Việt Nam có gần 15% dân số (khoảng 15 triệu người) đang mắc các rối loạn về tâm thần, trầm cảm, lo âu đầu bảng với khoảng 5,4% dân số.
Đặng Mai - người sáng lập của một wellness spa tổ chức các buổi trị liệu theo chủ đề Inner Child (kết nối với đứa trẻ bên trong mỗi người), cho biết khách hàng dưới 35 tuổi, nữ chiếm đa số. Từ đầu tháng 6, họ liên tục tổ chức các buổi trị liệu chữa lành và luôn kín lịch, lượng khách tăng khoảng 30% qua mỗi tháng.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Đại học Văn Lang, TP HCM cho biết khóc, la hét hay tâm sự với người khác là những cách thức giúp con người giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.
Thông thường, người gặp áp lực sẽ có xu hướng im lặng chịu đựng, khi "đầy" quá lại muốn được giãi bày với người khác. Do đó, hiện tượng giới trẻ chi tiền để được khóc phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng lớn.
Chuyên gia cho biết trong trị liệu tâm lý không có khái niệm "chữa lành" và "đứa trẻ bên trong" là sự ví von với đời thực, con người cần chăm sóc, nuôi dưỡng những phần ngây thơ, sáng tạo và chân thật của bản thân.
Cuộc sống đảo lộn, công việc sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng các mối quan hệ kém sẽ khiến họ mất động lực. Đó là những dấu hiệu cảnh báo của người cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia.
Về bản chất, mỗi người đều có khả năng thích nghi và ứng phó với khó khăn cuộc sống nhưng ở vài thời điểm, họ không đủ "đề kháng" tinh thần, do áp lực lớn. Bà Lưu cho rằng mô hình này có thể đáp ứng nhu cầu của giới trẻ nhưng cũng không ít người "chữa lành thành rách" vì những trung tâm, dịch vụ thiếu uy tín.
"Nếu không may gặp đơn vị cung cấp dịch vụ kém chất lượng, người hướng dẫn không có chuyên môn lại mang thêm nhiều tổn thương về mặt tâm lý", bà lưu ý.
Phương Loan nhận định tình trạng của mình chưa đến mức trầm cảm nhưng đang bất ổn. Trong không gian yên tĩnh, thoang thoảng mùi tinh dầu, cô nức nở trong vòng tay an ủi của nữ life coach. Loan cảm thấy lòng mình như dịu lại.
"Bao nhiêu ấm ức như trôi đi hết", cô nói.