Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, Thống kê và Xác suất được xác định là một trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn Toán và thời lượng của mạch kiến thức này được tăng lên.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng từ năm học 2020 - 2021, nội dung cốt lõi của môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch kiến thức chính gồm Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Trong đó, Thống kê và Xác suất được xác định là một thành phần bắt buộc của giáo dục Toán học trong nhà trường nhằm tăng cường tính ứng dụng và giá trị thiết thực của giáo dục Toán học.
Theo ban xây dựng chương trình, Thống kê và Xác suất tạo cho học sinh khả năng nhận thức và phân tích các thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hiểu bản chất xác suất của nhiều sự phụ thuộc trong thực tế; hình thành sự hiểu biết về vai trò của thống kê như là một nguồn thông tin quan trọng về mặt xã hội, biết áp dụng tư duy thống kê để phân tích dữ liệu. Và qua đó, học sinh được nâng cao hiểu biết và phương pháp nghiên cứu thế giới hiện đại.
Nói về lý do Thống kê và Xác suất được định hướng là một trong 3 mảng kiến thức quan trọng của môn Toán ở chương trình phổ thông mới, PGS.TS. Ngô Hoàng Long, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình mới cho hay: "Chúng ta biết công dân của thế kỷ 21 thì ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất. Bởi xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều luồng thông tin và vấn đề đặt ra giờ đây không phải chỉ là biết thông tin mà còn phải biết phân tích, xử lý các thông tin mà mình nhận được. Việc có kiến thức về xác suất và thống kê sẽ giúp học sinh nói riêng và công dân nói chung có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và tốt hơn".
Mục tiêu cụ thể chương trình đưa ra ở cấp tiểu học là giúp học sinh có những kiến thức và kỹ năng Toán học cơ bản ban đầu, thiết yếu về Thống kê và Xác suất như biết một số yếu tố thống kê và xác suất đơn giản; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với một số yếu tố thống kê và xác suất.
Ở lớp 2, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng hạn thực hành thu thập, phân loại, ghi chép, kiểm đếm một số đối tượng thống kê trong trường, lớp.
Lớp 3, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, chẳng hạn thực hành thu thập, phân loại, sắp xếp số liệu thống kê (theo các tiêu chí cho trước) về một số đối tượng thống kê trong trường, lớp. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như tung đồng xu, xúc xắc... liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán.
Lớp 4, nhà trường tổ chức cho học sinh hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội hoặc có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính, chủ quyền biển đảo, biên giới, giáo dục STEM...). Ngoài ra, tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá như trò chơi tung đồng xu, xúc xắc...) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán.
Lớp 5, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn thực hành thu thập, phân tích, biểu diễn các số liệu thống kê (thông qua một số tình huống đơn giản gắn với những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội hoặc có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính, chủ quyền biên giới, biển đảo, giáo dục STEM...). Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khoá ví dụ trò chơi tung đồng xu, xúc xắc... liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức toán hoặc giải quyết vấn đề nảy sinh trong tình huống thực tiễn.
Cấp THCS
Cấp THCS giúp học sinh có những kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản về Thống kê và Xác suất như thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lí dữ liệu thống kê; phân tích dữ liệu thống kê thông qua tần số, tần số tương đối; nhận biết một số quy luật thống kê đơn giản trong thực tiễn; sử dụng thống kê để hiểu các khái niệm cơ bản về xác suất thực nghiệm của một biến cố và xác suất của một biến cố; nhận biết ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn.
Ở lớp 6, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn vận dụng kiến thức thống kê để đọc hiểu các bảng biểu trong môn Lịch sử và Địa lý lớp 6; Thu thập và biểu diễn các dữ liệu từ một vài tình huống trong thực tiễn, ví dụ thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết của địa phương trong tuần...
Lớp 7, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn vận dụng kiến thức thống kê để đọc hiểu các bảng biểu trong Lịch sử và Địa lý lớp 7, Khoa học tự nhiên lớp 7; thu thập, phân loại và biểu diễn dữ liệu (theo các tiêu chí cho trước) vào biểu đồ hình quạt tròn hoặc biểu đồ đoạn thẳng từ một vài tình huống trong thực tiễn.
Và lớp 8...
Lớp 9, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn vận dụng kiến thức về xác suất trong việc tính xác suất kết quả đời con của các phép lai.
Cấp THPT
Cấp THPT có mục tiêu giúp học sinh có những kiến thức và kỹ năng toán học cơ bản, thiết yếu về Thống kê và Xác suất như hoàn thiện khả năng thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lý dữ liệu thống kê; sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu thống kê thông qua các số đặc trưng đo xu thế trung tâm và đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm và ghép nhóm; sử dụng các quy luật thống kê trong thực tiễn; nhận biết các mô hình ngẫu nhiên, các khái niệm cơ bản của xác suất và ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn.
Ở lớp 10, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành mô tả và biểu diễn dữ liệu trên các bảng, biểu đồ...
Lớp 11, nhà trường tổ chức cho học sinh một số hoạt động thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn vận dụng kiến thức về xác suất thống kê để giải thích các quy luật di truyền học...
Và lớp 12...
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: