Câu chuyện của cô gái tên Danielle Whba, làm việc trong một công ty luật, đang thu hút sự chú ý của dư luận ở Úc bởi chuyện của cô nói lên tiếng lòng chung của nhiều phụ nữ.
Whba làm nhân viên lễ tân ở công ty này từ năm 2019. Cô sống chung với bệnh lạc nội mạc tử cung và chống chọi với những cơn đau dai dẳng không thể chữa khỏi.
Whba sống chung với bệnh lạc nội mạc tử cung và chống chọi với những cơn đau dai dẳng không thể chữa khỏi.
Lúc đó, Whba mới 20 tuổi. Dù luôn cố gắng tập trung vào công việc nhưng Whba thường xuyên phải chịu những cơn đau mà đôi khi cô cảm giác như "con dao đâm vào từng thớ thịt trên cơ thể".
"Nó đau như thể bị dao đâm, khiến tôi bị chuột rút và tê liệt cơ thể. Đó là toàn bộ cơ thể, thậm chí cả ở chân", Whba miêu tả. Các phương pháp điều trị bằng dược phẩm hiện có trên thị trường để điều trị lạc nội mạc tử cung chỉ có tác dụng giảm nhẹ. Nghĩa là chúng không làm giảm hoặc chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh mà chỉ có tác dụng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Trong suốt cả ngày dài làm việc, cô thường lén đi lại vài vòng để giảm bớt cơn đau, hoặc vào khu vực bếp ở công ty để uống Panadol hoặc Nurofen nhằm giúp giảm triệu chứng. Mục đích của Whba là không để đồng nghiệp phát hiện ra cô bị bệnh. Thậm chí, cô gái trẻ thường mặc quần áo dày cộm lên để "ngụy trang" cho bình nước nóng chườm ấm mà cô thường dùng làm giảm bớt cơn đau.
Whba kể với tờ tin tức News: "Tôi luôn phải mặc nhiều lớp quần áo, nhét chiếc bình nước nóng vào quần và mặc áo liền quần phủ bên ngoài".
Sau một thời gian nỗ lực che giấu căn bệnh, Whba cuối cùng cũng bị phát hiện. Cô đành thú thật với sếp rằng mình đang phải sống chung với căn bệnh lạc nội mạc tử cung và tin tưởng rằng mình sẽ được cảm thông.
Trước đó, Whba luôn lo sợ sẽ bị mọi người chỉ trích và ai đó sẽ nói rằng cô đã phản ứng thái quá và nó "chỉ như đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt".
Nhưng niềm tin của Whba đã hoàn toàn sụp đổ. Cô hối hận vì tiết lộ sự thật.
Whba bị sa thải khi đang nằm đau đớn quằn quại trên giường bệnh.
Whba cho biết, một ngày nọ, cô bất ngờ bị nôn ở nơi làm việc và phải xin phép tan làm sớm. Cô nhắn tin cho đồng nghiệp giải thích sự vắng mặt của mình rồi đến khoa cấp cứu của bệnh viện.
Trong thời gian nằm viện, Whba còn nhận tin bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán cô mắc u nang buồng trứng bên cạnh chứng lạc nội mạc tử cung và cần phải phẫu thuật sớm.
Sau đó, Whba nhận được cuộc gọi từ sếp của mình. Những tưởng anh ta gọi điện để hỏi thăm tình hình sức khỏe nhưng hóa ra vị sếp gọi để phàn nàn việc anh ta không thoải mái khi một người "bệnh tật" như cô quay trở lại văn phòng làm việc.
"Anh ta nói rằng anh ta hiểu cho tình trạng của tôi nhưng lại yêu cầu tôi cần nghỉ làm và nghỉ ngơi nếu không sẽ thường xuyên phải đứng dậy và đi lại... Anh ta không muốn điều đó xảy ra trong văn phòng của mình", Whba nhớ lại từng câu sếp nói với mình. Cô bị sa thải khi đang nằm đau đớn quằn quại trên giường bệnh.
Đáng buồn là, trường hợp của Whba không hiếm. Theo News, cứ 6 người phụ nữ ở Úc thì có một người sẽ mất việc do không may mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
Toàn bộ trải nghiệm này thật là "đau đớn" và phải mất nhiều năm Whba mới hiểu rằng mình không có lỗi.
"Từ nay về sau, tôi không bao giờ nói bệnh tình của mình với nhà tuyển dụng nào khác nữa. Tôi đã bị tổn thương đến mức đó", cô nói.
Whba, hiện 27 tuổi, đang làm việc bán thời gian tại một công ty luật và cũng là nhà đồng sáng lập công ty sản xuất bình nước nóng chườm ấm Ailia. Vậy nên, Whba không còn phải phụ thuộc vào ai, cô đang là "chủ của chính mình". Cô cảm thấy mình không phải che giấu bất cứ điều gì liên quan đến việc kiểm soát cơn đau do bệnh tật gây ra.
Nguồn: News.com.au