Chính thức được cấp bản quyền, tác giả muốn tiếng Việt "không dấu" được đưa vào trường học giảng dạy

Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến (còn gọi là "Chữ Việt Nam song song 4.0" hay tiếng Việt không dấu) của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã chính thức được cấp bản quyền.

Kiều Trường Lâm (34 tuổi, Hà Nội) có đam mê nghiên cứu ngôn ngữ từ khi còn học Tiểu học, bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu từ năm lớp 2 đến năm lớp 10. Năm 2012, anh phát hiện đề tài "Chữ Việt nhanh", một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình. Anh Bình hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc. 

Kiều Trường Lâm sau đó đã thử kết hợp nghiên cứu của mình với nghiên cứu tác giả Trần Tư Bình thì cho ra kiểu chữ viết mới mà theo anh nói là đẹp và ưu việt hơn. Kiểu chữ này được đặt tên là "Chữ Việt Nam song song 4.0" (CVNSS 4.0). Trải qua 27 năm nghiên cứu, CVNSS 4.0 của Kiều Trường Lâm đã chính thức được sáng tạo thành công vào tháng 10/2019 khi phối hợp với "Chữ Việt nhanh" của tác giả Trần Tư Bình.

Anh Kiều Trường Lâm và thầy Trần Tư Bình - 2 đồng tác giả và chữ viết CVNSS 4.0.

Hôm 25/3, anh Kiều Trường Lâm và đồng tác giả Trần Tư Bình đã chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền Tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Hiện tại, chữ viết cải tiến của họ tạm thời được gọi là "Chữ VN song song 4.0". Anh Kiều Trường Lâm cho biết, chữ "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên. Anh bày tỏ hy vọng công trình sẽ có ứng dụng trong tương lai và một ngày nào đó sẽ được gọi đúng với cái tên "Chữ Việt Nam Song Song 4.0".

Giấy chứng nhận bản quyền của công trình.

Nhân dịp vui này, anh Kiều Trường Lâm đã quyết định công bố toàn bộ công trình nghiên cứu chữ cải tiến của mình và đồng tác giả Trần Tư Bình. CVNSS 4.0 là sự kết hợp giữa "Chữ Việt Nhanh" của tác giả Trần Tư Bình và "Ký Hiệu Dấu" của tác giả Kiều Trường Lâm, vận dụng các vần và chữ trong chữ Quốc Ngữ để hình thành. Chữ viết mới này cho phép đọc được chữ Việt không dấu lưu loát một cách trọn vẹn.

"Chữ Việt Nhanh" là cơ sở nền tảng để hình thành CVNSS 4.0. Vì vậy, phải nắm vững được "Chữ Việt Nhanh" thì mới hiểu được CVNSS 4.0. "Chữ Việt Nhanh" sử dụng 26 chữ cái trong bảng chữ cái La-tinh, vẫn dùng các dấu thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và các dấu phụ như trong chữ Quốc Ngữ, nhưng một số một số phụ âm và nguyên âm và một số vần ghép được quy ước lại để tạo ra "Chữ Việt Nhanh".

"Chữ Việt Nhanh" là kiểu chữ Việt cực ngắn, được rút gọn từ chữ Quốc Ngữ theo 34 quy ước chia ra trong 5 nhóm sau:

"Ký Hiệu Dấu" của tác giả Kiều Trường Lâm có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc Ngữ và "Chữ Việt Nhanh" ở trên. Chúng được phân ra 4 nhóm như sau:

- J, L, Z, S, R. 

- X, K, V, W, H. 

- B, D, Q, G, F. 

- O, Y, P.

Các ký hiệu dấu được giải thích như sau:

Những ưu điểm lớn của CVNSS 4.0 theo anh Kiều Trường Lâm.

Anh Kiều Trường Lâm chia sẻ, sắp tới nếu có cơ hội, anh sẽ ra mắt CVNSS 4.0 tại Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Bản thân anh và tác giả Trần Tư Bình cũng rất muốn bộ chữ mới được người dân biết đến rộng rãi, cũng như nhìn nhận và ứng dụng vào các lĩnh vực thực tiễn trong cuộc sống. 

Trước mắt, anh Kiều Trường Lâm sẽ giới thiệu CVNSS 4.0 đến đối tượng là các sinh viên đại học. "Mình sẽ mở một buổi hội thảo để giới thiệu chữ và lấy ý kiến từ các bạn sinh viên, để các bạn dùng thử và đưa ra nhận xét. Ngoài ra mình cũng tính thử nghiệm với các học sinh từ lớp 2 trở lên. Chữ mới không cần cài đặt phần mềm gõ dấu nên dễ dàng ứng dụng được luôn khi sử dụng Internet.", anh Lâm cho biết.

Trong thời gian qua, anh Lâm cũng đã thử nghiệm, mời một số độc giả trên mạng sử dụng thử CVNSS 4.0. Anh hào hứng tiết lộ, kết quả thu được rất khả quan khi các độc giả đều tỏ ra yêu thích chữ viết mới. 

"Mình đã thử nghiệm từ nhiều độc giả và nhận thấy như sau: Sau khi học thuộc công thức, họ có thể dùng CVNSS 4.0 rất thành thạo. Không chỉ vậy, họ có xu hướng thích sử dụng chữ không dấu hơn vì viết nhanh hơn. Bước đầu, mình dự định sẽ mời 40 - 50 bạn trải nghiệm chữ viết mới.", tác giả Kiều Trường Lâm chia sẻ. 

Anh Lâm cũng cho hay, một độc giả lớn tuổi sau khi đọc được thông tin về CVNSS 4.0 trên báo đã say mê học cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày. Hiện tại, độc giả này có thể dùng thành thạo chữ mới và tự tin nói chuyện với anh bằng CVNSS 4.0. Nói về tính thẩm mỹ của CVNSS 4.0 thì độc giả này nhận xét: "Chữ nhìn đều đặn, số chữ cái trong một từ không quá nhiều, quá dài. Thậm chí chú nhìn thấy nó còn đẹp hơn cả chữ tiếng Anh".

Bài "Lời cầu nguyện ngày Noel" được độc giả Bát Hoàng ứng dụng viết bằng CVNSS 4.0.

Anh Kiều Trường Lâm tự hào chia sẻ, những ngày qua anh nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả. Một độc giả tên Tạ Thu Hà ở Hà Nội cho rằng, hiện nay người dùng máy tính và điện thoại di động tại Việt Nam đang quen dùng bộ gõ tiếng Việt là Telex. Tuy nhiên, quy tắc gõ của Telex khá dài và nếu gõ sai thì người dùng sẽ phải xóa hết đi và gõ lại từ đầu. 

Đây là hạn chế rất lớn đối với những người trẻ tuổi, những người luôn muốn mọi thao tác của mình trên máy tính và điện thoại được thực hiện nhanh nhất. Đó là lý do khi "Chữ VN Song Song 4.0" được ứng dụng thành công, chắc chắn sẽ khiến những người dùng trẻ tuổi tiếp nhận và sử dụng vì CVNSS 4.0 dường như đã khắc phục được mặt hạn chế của Telex.

Độc giả này cũng tin tưởng CVNSS 4.0 có nhiều khả năng được giới trẻ đón nhận nhờ sự hợp lý và ngắn gọn của nó. "Việc học CVNSS 4.0 chắc chắn sẽ không phải là điều khó khăn đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, sự mới lạ cũng là một yếu tố lôi cuốn người dùng trẻ tuổi. Biết đâu chính giới trẻ sẽ là những nhân tố tích cực nhất trong việc ứng dụng CVNSS 4.0 vào các lĩnh vực của cuộc sống.", độc giả Tạ Thu Hà bày tỏ.

Hiện tại, tác giả Kiều Trường Lâm đang lấy thêm ý kiến từ các độc giả khác để phát huy và cải thiện thêm CVNSS 4.0. Anh hy vọng trong tương lai không xa, bộ chữ viết này có thể được đưa vào giảng dạy cho học sinh.

Theo Afamily.vn


* Nội dung liên quan: