Diễn viên Thanh Thủy và ca sĩ Trúc Nhân trong Lớn rồi còn khóc nhè - Ảnh: YouTube
Một bộ phim hài hước, ít nhiều kinh dị, thế mà khi kết thúc bằng cảnh người mẹ, với những câu ca: “Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con”, vẫn đủ để khiến khán giả lặng đi.
1. Người mẹ Việt Nam, sau mấy chục năm, không còn là người mẹ bi thương mà hào cảm, sáng ngời như "huyền thoại" của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy nữa.
Người mẹ trong âm nhạc hiện đại bước ra khỏi hình tượng anh hùng, không còn là người mẹ chung của cả "đàn con", mà là người mẹ của những ký ức rất riêng tư và bé nhỏ.
Đó là người mẹ trách con: "Con trai đừng khóc nhè" trong ca khúc Lớn rồi còn khóc nhè của Trúc Nhân, là người mẹ kêu con ra đồng ruộng hỏi "ba nhậu đã say chưa?" trong Mẹ ơi 2 của Jack, là người mẹ pha từng ly sữa thơm trong Mẹ ơi, cho con về nhà của Trang và Phùng Khánh Linh.
Thật kỳ lạ rằng, giữa thời đại âm nhạc nữ quyền, khi người ta thích nói về người phụ nữ trong tâm thế ngẩng cao đầu kiêu hãnh, nhưng khi viết về mẹ, người ta lại quay về những liên tưởng không thể cũ kỹ hơn. Dù là phương Đông hay phương Tây cũng vậy.
2. Chỉ một tháng sau khi phát hành album Amidst the chaos đẫm mùi chính trị, với nào là Obama, nào là Trump, nào là những cuộc khủng hoảng nhập cư và #Metoo, tháng 5 năm nay, nữ ca sĩ Sara Bareilles - một Etta James của thế hệ mình - lại trở về với những niềm cảm hứng nên thơ trong cuộc sống thường ngày, với ca khúc Shiny về người mẹ.
"Bà đứng quay lưng vào tôi bên bồn rửa chén. Tôi gắng đọc tâm trí của bà, tự hỏi điều gì bà đã không nói cùng ai", Bareilles viết.
Người mẹ của Bareilles kiệm lời và không bao giờ tỏ bày những niềm riêng. Thay vì thế, tiếng nói người mẹ được cất ngay ngắn trong những bộ áo quần gấp gọn gàng, giường nệm dọn dẹp phẳng phiu.
Cái tứ đó, ở Việt Nam, Trang và Phùng Khánh Linh cũng viết: "Dù là những lời không nói ra, in trên từng nếp nhăn. Mẹ ơi cho con về với".
Đó không phải là công thức rập khuôn của một xã hội muốn bóc lột những bà mẹ bằng cách gán cho họ những phẩm hạnh cao cả, đó đơn giản là sự thực.
Bởi ngay đến những nghệ sĩ indie (độc lập) luôn thích phá dỡ những ý tưởng cũ, như Lucy Dacus cũng viết về mẹ với những cung bậc không mấy khác hơn, trong Mother and I.
Là một đứa trẻ được nhận nuôi, Dacus lại viết về di sản huyết thống mà một người mẹ để lại trên đứa con của mình: một vóc dáng mà bà căm ghét, nhưng khi "ghép" vào cơ thể con, bà lại yêu nó vô cùng.
Hay như Brandi Carlile trên tư cách một người mẹ, cũng không thể che giấu tình yêu hi sinh vô điều kiện dành cho con gái trong The mother - bài hát thuộc album By the way, I forgive you được đề cử giải Grammy cho Album của năm 2019:
"Phố phường New York vẫn đông vui như vậy. Nhưng tôi đã là mẹ của Evangeline. Bè bạn đã thành tựu giấc mơ, nhưng tôi đã là mẹ của Evangeline". Nữ quyền, đâu cứ phải là cổ súy người phụ nữ theo đuổi những giấc mộng huy hoàng.
3. Điểm đặc biệt là, những bài hát về tình mẫu tử, rất tự nhiên, hầu như đều là những bản ballad du dương, tối giản mà mênh mông sâu lắng, đôi khi đong đầy như một bản ru con.
Âm nhạc đã đi qua bao thời kỳ, từ rock tới dance rồi hiphop, nhưng không thời nào người ta không yêu ballad. Những bản ballad không bao giờ lỗi thời, như tình yêu của người mẹ.
Louis Tomlinson, thành viên của nhóm nhạc số 1 thế giới một thời One Direction, lý giải rằng khi viết ca khúc Two of us (phát hành tháng 3 năm nay) tưởng niệm về người mẹ đã qua đời vì căn bệnh ung thư máu, anh đã chọn ballad, bởi "mẹ tôi là một người hâm mộ của thể loại này".
Ngọt ngào và êm đềm, Tomlinson hồi tưởng về mẹ: "Mẹ từng nói với con, rằng đừng từ bỏ, con có thể nỗ lực từng ngày. Kim cương chẳng hóa thành cát bụi hay tan biến".
Lại nói đến Lớn rồi còn khóc nhè của Trúc Nhân, cậu bé ham chơi, ham vui bè bạn, chỉ khi lớn lên mới nhận ra "tôi muốn nghe thêm lời của mẹ". Còn đơn giản như Châu Kiệt Luân, sau khi đã trở thành một ông hoàng nhạc pop châu Á, anh vẫn viết: "Hãy nghe lời mẹ".
Bởi bên trong người mẹ luôn có hai điều không thay đổi: tình yêu và chân lý.