Kỳ thi đại học tại Trung Quốc vào cuối tháng 7 vừa qua cuối cùng đã có kết quả. Mọi người xôn xao khi có một cô gái đạt số điểm cao ngất ngưởng, đứng thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh đại học của tỉnh Hồ Nam. Cô gái này đăng ký vào ngành Khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh - một ngôi trường có đầu vào cực kỳ khó.
Cái tên Chung Phương Vinh được công bố, mọi người đều bất ngờ khi cô gái này có xuất thân từ một vùng quê miền núi nghèo - nơi mà điều kiện học hành không mấy thuận lợi, nhưng cô bé vẫn đạt được thành tích rất ấn tượng.
Người biết điểm của Chung Phương Vinh là hiệu trưởng, sau đó là tới giáo viên chủ nhiệm và cuối cùng mới đến gia đình. Khi biết điểm của mình, Chung Phương Vinh tỏ ra rất điềm tĩnh. Cô bé cũng dự đoán được điểm số của mình sau khi kết thúc bài thi. Bố mẹ cô bé lập tức xin nghỉ làm, vội vàng trở về nhà ngay sau khi nghe tin.
Mẹ của Chung Phương Vinh cho hay: "Tôi cảm thấy mình như đang mơ và cực kỳ hạnh phúc. Khi chia sẻ với đồng nghiệp, tôi đã nhảy cẫng lên vì vui sướng. Tôi hy vọng con bé có thể thay đổi số phận của mình, có được một cuộc sống tốt đẹp hơn khi bước vào cánh cửa đại học"
Chung Phương Vinh - cô bé sinh trưởng trong gia đình nghèo hiếu học
Chung Phương Vinh sinh ra trong một vùng núi nghèo ở huyện Ngọc Thanh, thành phố Lôi Dương, tỉnh Hồ Nam. Cha mẹ cô đều bỏ học từ rất sớm, để kiếm sống họ chỉ có thể làm nông rồi sau đó bước vào con đường lao động nhập cư.
Cũng giống như những bậc cha mẹ khác đi làm ăn xa, mỗi năm họ về quê một lần vào dịp Tết, con cái thường được giao cho ông bà nuôi dưỡng.
Vì cha mẹ cô bé không được học hành nhiều, phải chịu khổ cực khi làm lao động chân tay. Thế nên, họ hy vọng con cái mình có thể thay đổi vận mệnh nhờ vào việc học.
Ngay từ nhỏ, Chung Phương Vinh được thầy cô giáo khen ngợi rất sáng dạ và khuyên nhủ nên để cô bé được học ở môi trường tốt hơn. Sau đó, cô bé được gửi vào một trường bán trú trên thành phố.
Để bù đắp cho nỗi thiệt thòi của con cái, cha của cô bé quyết định tới Quảng Đông làm việc, trong khi người mẹ mở một xưởng may gần nhà để được gần gũi với con nhiều hơn.
Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, Chung Phương Vinh nhận ra chỉ có con đường học tập mới thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Cô bé cũng từng tới nhà máy nơi cha mẹ mình làm việc và thấy rằng tất cả mọi người ở đây ai cũng đều chăm chỉ. Cô bé cũng sớm tự trang bị cho mình tính tự lập.
Chung Phương Vinh chia sẻ: "Khi học cấp 3, em bắt đầu chú ý hơn điểm số của mình. Cha mẹ em là người rất coi trọng thành tích. Khi em làm bài thi không tốt, thay vì trách mắng thì họ lại khuyến khích em cố lên. Cha mẹ thường hay nói: Con hãy cố gắng hết sức. Em cảm thấy bớt áp lực học hành khi nghe những câu nói đơn giản như vậy".
Với mục tiêu rõ ràng, tự chủ trong học tập cùng với sự quản lý nghiêm khắc của nhà trường, kết quả là Chung Phương Vinh luôn nằm trong top những học sinh có thành tích tốt nhất tỉnh.
Ngày 23/7, kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học được công bố, Chung Phương Vinh đạt 676 điểm, đứng thứ 4 trong danh sách những người có điểm số cao nhất tỉnh Hồ Nam. Hiệu trưởng đã đích thân lái xe đến nhà để đốt pháo ăn mừng thành tích của cô học sinh bé nhỏ này. Cha mẹ của cô bé cũng tức tốc từ Quảng Đông về nhà sớm nhất có thể. Trong khi mọi người vẫn đang đắm chìm trong niềm vui với kết quả đạt được, cô bé đã quyết định đăng ký chuyên ngành khảo cổ học của Đại học Bắc Kinh.
"Dù không thích điều gì thì em vẫn có thể tiếp tục làm. Nếu thích thì tôi sẽ gắn bó lâu hơn, em nghĩ mỗi lần đào là một lần khám phá và bất ngờ", Chung Phương Vinh cho hay.
Mẹ của cô bé còn nói: "Chúng tôi không biết khoa Khảo cổ học sẽ làm gì và sẽ kiếm tiền như thế nào. Nhưng phận làm cha mẹ, chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của con bé. Con bé có quyền lựa chọn những gì mà mình thích, theo đuổi ước mơ".
Sau khi Chung Phương Vinh quyết định nộp đơn vào khoa Khảo cổ học tại Đại học Bắc Kinh, báo chí đưa tin đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi. Một số người cho rằng chuyên ngành khảo cổ rất khó, kén người học, không phổ biến và không có tương lai. Tuy nhiên, những người trong cộng đồng yêu thích khảo cổ học đã bày tỏ sự ủng hộ. Thậm chí còn có một viện bảo tàng còn trực tiếp gửi quà chúc mừng đến cô bé.