Dịch Covid-19 đang ngày càng trở nên nguy hiểm khi nhiều ổ dịch mới được phát hiện. Cùng các y bác sĩ, cán bộ phòng dịch là những phóng viên, nhà báo ngày đêm gồng mình chiến đấu với đại dịch.
Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 ngày càng có diễn biến phức tạp, trên cả nước nhiều tỉnh thành đã xuất hiện những ca nhiễm mới dây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chiều qua 29/3, Bộ Y tế tiếp tục công bố thêm những ca nhiễm và đáng chú ý trong đó có có 1 nữ phóng viên được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 17 ngày tiếp xúc gần với bệnh nhân số 148 người Pháp.
Trong cuộc chiến đấu căng thẳng nhằm đầy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam, cùng với đội ngũ y bác sĩ, cán bộ phòng dịch, lực lượng nhà báo, phóng viên cũng là những người ngày đêm đối mặt với hiểm nguy khi tác nghiệp tại những điểm nóng như: Bệnh viện Bạch Mai, xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy...
Họ cũng tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm virus corona, các khu cách ly tập trung... để có được thông tin, hình ảnh chân thực, khách quan, nhanh nhạy nhất về tình hình dịch bệnh, sức khỏe các ca nhiễm... góp phần giúp độc giả có cái nhìn khách quan, chính xác nhất, tránh gây tâm lý bất an, lo lắng. Thế nhưng việc tác nghiệp tại những vùng dịch này cũng có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bởi chỉ một chút sơ suất cũng có thể trở thành mầm bệnh, một điều khó ai lường trước được.
PV sau khi tác nghiệp tại khu vực cách ly, vùng dịch đều tranh thủ gửi tư liệu về toà soạn ngay. (Ảnh: Tuấn Mark)
Mới đây, sau nhiều ngày tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19, anh Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Tuấn Mark) - một phóng viên ảnh lâu năm đã có những chia sẻ của cá nhân mình về những nguy hiểm anh và đồng nghiệp đã phải đối mặt trong suốt quá trình tác nghiệp. "Những gì trực quan mọi người thấy được trên báo chí hay mạng xã hội hơn 2 tháng qua phần lớn là do chúng tôi làm ra. Dù xấu hay đẹp nó cũng là công sức, nỗ lực của chúng tôi phản ánh một cách khách quan và tốt nhất có thể đến bạn đọc về tình hình chung đại dịch Covid -19 đang diễn ra tại Việt Nam.
Có khá nhiều người hỏi: Tại sao phóng viên ảnh không vào bệnh viện chụp bệnh nhân điều trị, chụp các y bác sĩ đang làm việc nơi hiểm nguy? Tại sao không vào khu cách ly làm phóng sự? Không ra sân bay chụp đón người? Tại sao ảnh không đẹp và kịch tính như nước ngoài?... Rất nhiều câu hỏi.
Điều gì là quan trọng nhất? Đó chính là sức khoẻ. Ngay chính các cơ quan báo chí cũng khuyến cáo phóng viên của mình không nên tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ phơi nhiễm nặng. Chính chúng tôi và gia đình cũng mong muốn điều đó.
Nhưng công việc là công việc. Tôi chưa bao giờ thần thánh hoá công việc này, cũng không còn quá trẻ để "húng" và xông pha vào những mặt trận hiểm nguy nhất bằng mọi giá. Ít nhất chúng tôi luôn tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn tác nghiệp với trang thiết bị bảo hộ cơ quan cấp phát hoặc tự trang bị. Chúng tôi luôn có sẵn một bộ bảo hộ trong balo máy ảnh để dùng khẩn cấp, nhưng đôi khi còn là không đủ cho 1 ngày phải dùng tới 2 - 3 bộ".
(Ảnh: Tuấn Mark)
Khi được hỏi tại sao không chọn việc khác, anh Tuấn Mark chia sẻ thêm: "Chúng tôi cũng có quyền được chọn việc nghỉ ngơi 1 - 2 tháng không làm việc, nhưng nghề này không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Đi làm không chỉ vì chính mình, vì kinh tế nuôi gia đình... Đến một ngày nhiều năm nữa, chúng tôi sẽ tự hỏi: Ta đã ở đâu trong đại dịch Covid-19 ngày ấy?".
Khi những nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập quanh các phóng viên ảnh mỗi lần tác nghiệp tại vùng dịch, anh Tuấn Mark quyết định dọn khỏi nhà, tìm chỗ ở một mình để cách ly với gia đình, những người xung quanh để đảm bao an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Không chỉ mặc đồ bảo hộ, mà cả những dụng cụ tác nghiệp như nmáy ảnh cũng được khử trùng cẩn thận. (Ảnh: Tuấn Mark)
Vật bất li thân của các phóng viên ảnh khi đi tác nghiệp trong đợt dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Tuấn Mark)
Phóng viên Hoàng Anh - Phóng viên Phong Sơn (báo Công an nhân dân) được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kính khi tác nghiệp tại khu đến quốc tế sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phương Thảo)
Anh Hoàng Anh (báo CAND) cho biết: "Là một trong những phóng viên đi tuyến đầu nhưng tôi cũng rất lo lắng, về nhà đôi khi cũng hoang tự hỏi: Không biết bản thân có nằm trong số những người sẽ nhiễm bệnh và có cần cách ly với gia đình?". Tuy nhiên, trên tất cả, anh vẫn luôn cẩn thận thực hiện mọi biện pháp bảo hộ để có được những bức ảnh chân thực nhất phục vụ độc giả.
Nhóm phóng viên đi tác nghiệp tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn. (Ảnh: Phương Thảo)
Anh Phong Sơn, PV ảnh của báo CAND tác nghiệp tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phương Thảo)
Chia sẻ với chúng tôi, phóng viên Tuấn Phạm cho hay: "Thực sự là nói không lo lắng khi đi tác nghiệp ở các vùng dịch thì không hẳn. Bởi vì dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai. Tuy nhiên, vì tính chất công việc, nên tôi vẫn phải cố gắng hết mình.
Lý do thứ nhất, phóng viên là công việc mà tôi yêu thích, nên tôi thể hiện tình yêu nghề bằng cách vượt qua nỗi sợ hãi để có thể hoàn thành nó tốt nhất. Thứ 2 là trách nhiệm với cộng đồng, khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì độc giả rất cần thông tin được cập nhật, được biệt là thông tin từ những nơi có dịch diễn biến phức tạp. Thế nên tôi và những đồng nghiệp luôn cố gắng để truyền tải thông tin nhanh, chính xác nhất từ hiện trường".
Tuấn Phạm luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính, nước sát khuẩn... mỗi khi tác nghiệp ở khu vực các ly. (Ảnh: Phạm Tuấn)
Tuần Phạm cũng cho hay, anh cùng đồng nghiệp được công ty đang làm việc trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, mũ y tế để tránh sự lây lan của dịch bệnh. "Vì đảm bảo an toàn cho bản thân nên mỗi khi tác nghiệp vùng dịch, tôi luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, nước rửa tay khô, sau khi tác nghiệp xong thì sẽ thực hiện phun khử trùng toàn bộ cơ thể và thiết bị trước khi trở về nhà.", anh kể.
Mỗi khi có thông tin về ca nhiễm, khu vực bị cách ly là các phóng viên lại lên đường tác nghiệp bất kể đêm ngày. (Ảnh: Phạm Tuấn)
Sau khi Bạch Mai ghi nhận hàng chục ca nhiễm Covid-19 và bị phong toả "nội bất xuất, ngoại bất nhập", phóng viên Gia Đoàn cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng có mặt ghi nhận tình hình tại đây để giúp độc giả có cái nhìn trực quan nhất, tránh gây hoang mang.
Nhà báo Ngọc Thắng luôn thường trực chiếc khẩu trang khi tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 này.
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: