Lê Minh, 37 tuổi, là một kiến trúc sư ở TP Đà Lạt, đã kết hôn 11 năm. Thu Thủy, vợ Minh, 33 tuổi làm kế toán. Thủy không có gì để phàn nàn về chồng ngoại trừ việc từ khi yêu nhau đến lúc kết hôn rồi có với nhau hai mặt con, anh chẳng mấy khi thể hiện cảm xúc với vợ. Chuyện chăn gối anh cũng không quá mặn nồng.
Tuy nhiên, Thủy cho rằng lý do là bởi chồng quá bận rộn, tính cách lại khô khan, ít khi nói những lời hoa mỹ. Còn về bản chất, anh là người chồng, người cha tốt có trách nhiệm với gia đình. Bản thân cô cũng mải chăm con nhỏ, quán xuyến nhà cửa nên không quá bận tâm về vấn đề chăn gối.
Thế rồi sau ngần ấy năm kết hôn, một sự thật phũ phàng phơi bày ra trước mắt khiến Thủy chết lặng.
Hôm ấy là kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng. Buổi trưa, Thủy ghé qua công ty kiến trúc của Minh không báo trước, định tạo bất ngờ cho anh rồi vợ chồng cùng nhau đi ăn.
Giây phút cánh cửa phòng làm việc của Minh mở ra, Thủy bị sốc khi nhìn thấy chồng và cậu trợ lý quần áo xộc xệch bên nhau. Sự việc vỡ lở, Minh khóc lóc cầu xin vợ tha thứ, giải thích chỉ là nhất thời bị cám dỗ. Anh hứa sẽ cho trợ lý nghỉ việc và chấm dứt quan hệ.
Dù vô cùng hoang mang và đau khổ nhưng sau cùng Thủy đồng ý tha thứ, giữ im lặng để bảo vệ danh dự gia đình. Tuy vậy, từ đó cô để ý giám sát giờ giấc, nhất cử nhất động của chồng với hy vọng anh thực sự nhận ra sai lầm và thay đổi.
Nhưng yên ổn chưa được bao lâu, vài tháng sau Thủy lại phát hiện chiếc điện thoại bí mật của Minh để quên trên ô tô, trong đó chứa những hình ảnh, tin nhắn vô cùng mùi mẫn với cậu trợ lý cũ.
Sau lưng cô, họ đã lén lút quay trở lại với nhau. Địa điểm hẹn hò là căn hộ nhỏ Minh giấu vợ mua cho nhân tình. Thủy tìm đến tận nơi để bắt quả tang hai người.
Chứng kiến sự phản bội, Thủy không thể kìm nén sự uất ức liền lao vào chửi bới, cấu xé chồng và cậu trợ lý kia. Cô gọi điện cho bố mẹ chồng khóc lóc, tố cáo mọi chuyện của chồng: "Bố mẹ đến đây mà xem, con trai của bố mẹ đi hẹn hò với trai này".
Minh nhận ra sai lầm của mình khi kết hôn. Ảnh minh họa: FP
Sự việc bị phơi bày theo cách tệ hại nhất khiến Minh suy sụp. Nhất thời nghĩ không thông, anh bỏ nhà đi, một mình lái xe lang thang nhiều ngày.
Khi hay tin bố mình vì chuyện này mà ngã bệnh nặng, Minh càng ân hận và tự trách. Có lúc bị cảm giác tuyệt vọng thống trị, anh từng nghĩ đến cái chết để tạ tội với người thân. Cuối cùng Minh quyết định kết nối với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội).
Đó cũng là lần đầu tiên Minh có thể yên tâm ngồi xuống, nói về bí mật giới tính của mình mà không lo sợ bị phán xét:
"Tôi bắt đầu cảm nhận được vấn đề của mình khi yêu thầm một bạn nam lớp đại học. Nhưng tôi không thể vượt qua được định kiến xã hội để sống thật là chính mình và đã che giấu, ép buộc mình thay đổi.
Bản thân tôi lại là con trai duy nhất trong gia đình, có trách nhiệm phải nối dõi tông đường nên càng không thể công khai chuyện đó.
Vì vậy, tôi vẫn kết hôn. Vợ tôi là người đảm đang, hiểu chuyện, tiếc là tôi không có tình yêu với cô ấy. Mỗi lần quan hệ vợ chồng, do không có cảm xúc nên tôi gặp khó khăn khi thực hiện chức năng của người đàn ông.
Để vượt qua rào cản này, tôi phải sử dụng một số biện pháp hỗ trợ hay tự chuốc say bản thân trước khi gần gũi vợ. Có thời gian, vì muốn né tránh chuyện chăn gối, tôi viện đủ lý do công việc để ít về nhà nhưng vợ vẫn chẳng mảy may nghi ngờ.
Những tưởng mọi thứ như vậy sẽ ổn cho đến khi tôi gặp người con trai khiến trái tim mình rung động. Tôi đã không thể dừng được chuyện tình cảm này. Tôi đã sai lại càng sai. Vì sự hèn nhát, ích kỷ của mình mà tôi đã gieo đau khổ cho người khác".
Qua các phiên tham vấn, sự chia sẻ, gợi mở của chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đã giúp Minh dần cởi bỏ những nút thắt trong lòng.
Nữ chuyên gia phân tích chuyên sâu về vấn đề giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tình dục giúp việc định danh giới tính cho Minh được chính xác và phù hợp nhất, loại trừ trường hợp ngộ nhận gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Sau thời gian tích cực trị liệu, Minh đã vượt qua được khủng hoảng tâm lý. Nhờ có hiểu biết lành mạnh về bản sắc cá nhân, anh nhận thức sự khác biệt trong giới tính và xu hướng tình dục là điều bình thường, tự nhiên.
Vì thế, Minh học cách chấp nhận bản thân, con người thật bên trong và học cách rộng lượng với chính mình. Cuối cùng, Minh quyết định trở về nhà, đối mặt với gia đình và chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra.
Với sự thuyết phục của Minh, vợ anh đồng ý tiếp nhận tham vấn tâm lý để giúp hai người tìm ra được giải pháp phù hợp cho cuộc hôn nhân của họ.
Trả lời câu hỏi của chị Thủy về vấn đề giới tính của chồng, cho rằng Minh chỉ là nhất thời bị cám dỗ, dẫn đến đồng tính, có thể “điều trị“ bằng thuốc hoặc trị liệu tâm lý không, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói:
"Đồng tính luyến ái là sự hấp dẫn về mặt cảm xúc và hành vi tình dục giữa những người cùng giới hoặc giới tính xã hội và là một trong nhiều khuynh hướng tính dục của con người.
Khoa học từ lâu đã chứng minh đồng tính không phải là bệnh, không cần “chữa”, không thể “chữa“.
Quan điểm đồng tính là hiện tượng bất ổn tâm lý, chỉ định uống thuốc kết hợp với điều trị tâm lý, tái định hướng người đồng tính có xu hướng tình dục với người khác giới là không có căn cứ và thiếu trách nhiệm.
Thực tế sự hỗ trợ về tâm lý cho người đồng tính không phải là “chữa đồng tính“ mà mục đích chính là nhằm hướng đến sự hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các cá nhân trong cộng đồng LGBT.
Điều này sẽ giúp họ xây dựng và duy trì cuộc sống cân bằng, lành mạnh. Và việc này nên được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học có kiến thức hiểu biết về bản dạng giới.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân
Nữ chuyên gia kết luận, câu chuyện của Minh sau đó khép lại bằng một thỏa thuận thuận tình ly hôn với lý do vợ chồng có những khác biệt không thể hòa giải.
Minh để lại cho vợ tất cả tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và cho vợ quyền nuôi con, phần nào bù đắp cho sai lầm của mình.
Cuộc ly hôn của họ diễn ra trong lặng lẽ. Cái bắt tay nhau ở phiên tòa cuối cùng đã chính thức kết thúc mối quan hệ vợ chồng, mở ra cơ hội mới trong cuộc sống cho họ.
Cả hai cam kết vẫn tiếp tục đồng hành ở vai trò là bố mẹ của các con, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau nuôi dưỡng con đến tuổi trưởng thành.
Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần.
Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). WHO cũng đã xác định "đồng tính không phải là bệnh".
Đồng tính, song tính và chuyển giới đã được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, trong danh mục các bệnh quốc tế (ICD) lần lượt vào năm 1990 và 2019.
Ngày 8/8/2022, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra quan điểm khẳng định đồng tính không phải là bệnh nên không thể “chữa”, không cần “chữa” mà chỉ hỗ trợ về mặt tâm lý.