Vài ngày trước, cảnh tượng hy hữu đã xảy ra tại làng Khang Nhạc, quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Hàng ngàn chủ xưởng may đã xếp hàng dài gần 1 km với hàng mẫu và bảng tuyển dụng trên tay, hy vọng được công nhận lựa chọn, giải quyết vấn đề thiếu nhân lực ngành may của mình.
Cảnh tuyển dụng nhân viên kén sếp này đang diễn ra thường xuyên ở nhiều làng may mặc ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thực tế, rất nhiều nhà máy, xưởng may đã tăng lương cao gấp mấy lần để chiêu mộ công nhân thế nhưng người lao động vẫn chẳng thiết tha gì.
Nhiều chủ nhà máy cầm hàng mẫu và biển quảng cáo tuyển dụng mong được công nhân chọn.
CCTV đưa tin, một chủ xưởng may tên Lâm cho biết, mức lương hiện tại của công nhân ngành may đã cao hơn mấy năm trước khá nhiều. Ít nhất mỗi công nhân có thể nhận được tiền lương từ 8000 - 1000 nhân dân tệ (khoảng 28,6 - 35 triệu đồng)/tháng thế nhưng các xưởng may vẫn liên tục thiếu người.
"Tôi cảm thấy quá mệt mỏi khi sở hữu một nhà máy may mặc", Lâm nói.
Việc ông chủ tuyển ngành may phải đích thân ra đường để tuyển dụng công nhân không phải là hiện tượng mới. Đây là tình trạng đã xảy ra ở Quảng Đông, Tứ Xuyên và một số nơi khác trong những năm gần đây.
Theo phân tích của các chuyên gia, người lao động trong các ngành nghề truyền thống đang dần già đi và thiếu đi sự bổ sung mới mẻ của những người trẻ tuổi. Người trẻ hiện tại không mấy mặn mà với các nghề truyền thống yêu cầu giờ giấc nghiêm ngặt nên dù có tăng lương đáng kể, các chủ xưởng may, nhà máy may vẫn không tuyển được lao động.
Lao động trong các nhà máy, xí nghiệp may mặc đang ngày một già đi.
Không chỉ ở Quảng Đông, tại "làng Taobao" ở Thành Đô, Tứ Xuyên, các chủ nhà máy, xưởng may tuyển công nhân cũng vô cùng khó nhà. Rất nhiều chủ nhà máy phải cầm bảng đứng ngoài đường chờ được công nhân chú ý và chấp nhận vào làm.
Những người chủ nhà máy này còn cầm bảng quảng cáo tuyển dụng ghi rõ mức lương trung bình khá hậu hĩnh, thậm chí cam kết bao ăn, bao ở, thế nhưng vẫn chẳng có ai nộp đơn ứng tuyển.