Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn sống độc thân thay vì bước vào hôn nhân, xây dựng tổ ấm riêng. Lựa chọn này vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng khi quan niệm chung của xã hội về tiêu chuẩn hạnh phúc vẫn là kết hôn, sinh con, ổn định cuộc sống.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên) đã lý giải một số nguyên nhân khiến người trẻ ngại kết hôn và đưa ra những cách giúp người trẻ đón nhận hôn nhân một cách tích cực.
Có một khái niệm gọi là “hội chứng sợ kết hôn”. Anh có thể chia sẻ sâu hơn về hội chứng này?
“Gamophobia” hay còn gọi là hội chứng sợ kết hôn được các nhà tâm lý học nhắc đến như là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu. Người mắc hội chứng này sẽ có một nỗi sợ quá mức về việc gắn kết giữa hai cá thể, họ thường lo sợ và có những ám ảnh nhất định về vấn đề kết hôn. Sự cam kết, gắn bó với một ai khác, chịu trách nhiệm và sống cùng nhau khiến họ cảm thấy áp lực, hoảng sợ, căng thẳng và vô cùng bất an. Do đó, họ có cảm giác rằng bản thân thà sống một mình còn hơn phải kết hôn với một ai đó.
Không ít người trẻ hiện tại có tư tưởng ngại kết hôn. Họ lựa chọn cuộc sống độc thân thay vì gắn bó với một ai đó. Có thể lý giải xu hướng này như thế nào dưới góc độ tâm lý thưa anh?
Các nghiên cứu của GS.TS xã hội học Nguyễn Hữu Minh và cộng sự về vấn đề hôn nhân, gia đình tại Việt Nam từ năm 2009 – 2018 chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, nhiều thanh niên đã lựa chọn cách sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn, đặc biệt là nhóm thanh niên thuộc tầng lớp công nhân, sinh viên. Có một bộ phận thanh niên không muốn lập gia đình, ngại sinh con. Họ không muốn bản thân bị ràng buộc vào cuộc sống hôn nhân gia đình vốn có nhiều thách thức mà muốn có cuộc sống cá nhân hoàn toàn độc lập, tự do, thoải mái.
Tình trạng sống độc thân, ngại kết hôn ở Việt Nam chủ yếu là do tác động của hoàn cảnh sống. Hai nguyên nhân chính được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra vào năm 2008 là: Không tìm được người phù hợp và do hoàn cảnh gia đình (bố mẹ già, neo đơn, kinh tế khó khăn). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người chọn sống độc thân là vì bản thân họ thích cuộc sống tự do hoặc sợ/ám ảnh trước những đổ vỡ, tổn thương trong đời sống hôn nhân mà họ trải nghiệm, chứng kiến hoặc biết đến với ấn tượng tiêu cực.
Nhiều người thích tự do, ngại gắn mình với trách nhiệm hôn nhân (ảnh minh họa)
Theo anh, việc người trẻ ngại kết hôn vì thích tự do, ngại ràng buộc và gắn mình với trách nhiệm hôn nhân có phải là lối suy nghĩ ích kỷ và tiêu cực?
Không thể kết luận họ ích kỷ hay suy nghĩ tiêu cực khi bản thân họ nhận thức rõ “họ là ai?”. Có thể, khi đặt mình trong vai trò thành viên của một gia đình mới, họ nghi hoặc về chính mình. Thay vì đồng cảm, chia sẻ, họ lại khó thích ứng, khép mình, chung sống không lâu lại phải ly hôn, gây tổn thương cho chính mình và bạn đời. Kết hôn trong tình trạng tâm lý như vậy sẽ chỉ khiến việc bước vào đời sống hôn nhân áp lực và dễ đổ vỡ hơn.
Một số người chọn kết hôn khi bản thân thấy đủ chín chắn và ở độ tuổi vững vàng có thể làm điểm tựa tinh thần cho bạn đời và con cái.
Vậy nên, phải xem xét dựa trên suy nghĩ, quan điểm riêng của từng cá nhân. Hôn nhân là tự do, không ràng buộc, ai cũng có quyền lựa chọn kết hôn hoặc không, quan trọng là cảm nhận hạnh phúc của mỗi người. Chỉ cần lựa chọn đó không gây hại đến người khác thì chúng ta cần nhìn nhận một cách công tâm.
Khi người trẻ không còn xem kết hôn là “lẽ tất nhiên” và không hào hứng với việc kết hôn sẽ dẫn đến hệ quả gì thưa anh?
Thứ nhất, có thể tạo ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm về hôn nhân trong gia đình, gây sứt mẻ mối quan hệ, đặc biệt là gia đình truyền thống, nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau. Trong đó, giữ nề nếp, gia phong được xem là trọng yếu, còn người trẻ chọn cuộc sống độc thân với tư tưởng không nặng nề trách nhiệm sinh con, đẻ cái... dễ trở thành tâm điểm của những chỉ trích, tấn công này.
Thứ hai, nếu bản thân người ngại/không kết hôn nhận thức chính xác, có sự chuẩn bị sẵn sàng cả về tài chính, tinh thần trong việc sắp xếp cuộc sống thì sự ảnh hưởng không lớn ở các khía cạnh. Ngược lại, nếu đó là sự lựa chọn bồng bột, người không kết hôn có khả năng cảm thấy cuộc sống nhàm chán, buồn tủi, dễ mắc các vấn đề sức khỏe, tâm lý khi tuổi ngày một lớn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Thứ ba, dư luận xã hội có thể “phủ lên” người chọn cuộc sống độc thân những phán xét, nhận định thiếu tích cực, lành mạnh gây chia rẽ, xúc phạm và tổn thương. Điều này đòi hỏi cá nhân sống độc thân phải mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua.
Những câu chuyện gia đình tan vỡ, đánh ghen, ngoại tình… được chia sẻ nhan nhản trên mạng xã hội mỗi ngày. Ám ảnh về sự tan vỡ, ly dị cũng là 1 trong những lý do dẫn đến tư tưởng sợ kết hôn. Họ nên “chữa lành” tâm hồn mình thế nào để có thể đón nhận hôn nhân một cách tích cực?
Chuyên gia tâm lý Lê Minh Huân |
Tùy vào trải nghiệm/mức độ ám ảnh của cá nhân mà có những biện pháp phù hợp để cải thiện tình trạng. Nếu vấn đề đơn giản, cá nhân đó chỉ cần bình tâm, nỗ lực kết nối với những điều kiện, lý do tích cực về đời sống hôn nhân là đủ để họ cảm thấy tự tin tiến tới các mối quan hệ gắn kết.
Nếu khủng hoảng hoặc khó khăn với vấn đề kết hôn lớn đến mức khó kiểm soát các suy nghĩ “tự động tiêu cực”, cá nhân cần sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa, nhà tâm lý, giáo dục hay xã hội học để khơi dậy tinh thần, chấp nhận cả điểm tốt lẫn hạn chế tất nhiên trong đời sống hôn nhân mà bất cứ ai cũng có thể trải qua.
Việc hạn chế nghe, nhìn và để bản thân chìm ngập trong các hoàn cảnh, câu chuyện tiêu cực về hôn nhân – gia đình, phần nào giúp người trẻ ngại kết hôn có cơ hội nhìn thấy, cảm nhận những khía cạnh tươi sáng của câu chuyện hôn nhân. Từ đó, rèn giũa bản thân sống chân thành, tử tế hơn và sẵn sàng tâm thế cho một cuộc sống hôn nhân nhiều hứa hẹn.
Theo anh, trước khi yêu và kết hôn, mỗi người nên trang bị những gì để có thể có được hành trình hôn nhân thuận lợi và hạnh phúc?
Học là cách tốt nhất để mỗi người gom góp hành trang ngày càng vững vàng cho bản thân trước cuộc sống hôn nhân.
Rút kinh nghiệm từ trải nghiệm/câu chuyện thực tế của ông, bà, cha mẹ, người thân, người quen. Tiếp thu các kỹ năng, phương thức gìn giữ mối quan hệ từ các lời khuyên, chỉ dẫn của chuyên gia, nhà nghiên cứu qua sách vở, báo chí, truyền thông hoặc các khóa học “tiền hôn nhân”.
Bản thân cần sẵn sàng và đặt mình ở tâm thế sẵn sàng cả về tư tưởng, tài chính, lẫn sự trưởng thành trong nhận thức, tư duy cá nhân, hợp tác và các phẩm chất của một người chồng/vợ cần có.
Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!