Chuyên gia nói về những điều nên làm khi cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ

Tại sao một số người cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ của họ?

Cô đơn không chỉ là thứ cảm xúc chỉ có ở riêng những ai sống độc thân nên cũng có nhiều cách để vượt qua nó.

Niloo Dardashti, nhà tâm lý học và chuyên gia về mối quan hệ làm việc tại New York, cho biết: “Rất phổ biến khi mọi người thấy mình cô đơn trong các mối quan hệ lâu dài”.

Theo Dardashti, những người trong một mối quan hệ có thể cô đơn vì có điều gì đó không ổn trong chính mối quan hệ đó hoặc vì họ tìm kiếm nửa kia của mình để lấp đầy khoảng trống mà họ đang mang trong mình. Dù lý do là gì, ở đây một số chuyên gia giải thích tại sao bạn có thể cảm thấy như vậy và cung cấp các cách để giải quyết gốc rễ của sự cô đơn mà bạn có thể gặp phải.

Một lý do khiến bạn cảm thấy cô đơn có thể là mối quan hệ của bạn không còn tốt như trước đây. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2018 cho thấy 28% những người không hài lòng với cuộc sống gia đình của họ cảm thấy cô đơn trong toàn bộ hoặc hầu hết thời gian.

Và số người không hạnh phúc khi ở nhà đang tăng lên. Cuộc khảo sát xã hội chung gần đây nhất được thực hiện vào năm 2016 bởi NORC tại Đại học Chicago đã ghi nhận số cặp vợ chồng không hạnh phúc cao nhất kể từ năm 1974.

Gary Brown, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép ở Los Angeles, cho biết, cảm giác cô đơn này thường có thể xảy ra khi một cặp vợ chồng mất kết nối tình cảm. Ông nói: “Ngay cả trong những thời điểm tốt đẹp nhất của mối quan hệ, sẽ có những lúc một hoặc cả hai người rời xa nhau và cảm thấy có phần xa cách với nhau".

Theo Jenny Taitz, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách "Làm thế nào để đọc thân và hạnh phúc", việc không muốn bị tổn thương cũng có thể góp phần gây ra cảm giác cô đơn trong các mối quan hệ lãng mạn. Cô nói: “Một yếu tố góp phần gây ra sự cô đơn là không nói về cảm xúc của bạn hoặc chia sẻ những điều có thể kém an toàn và rủi ro hơn một chút. Bạn có thể thân thiết với ai đó nhưng họ có thể không biết những điều cá nhân hơn về bạn".

Mạng xã hội cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Theo Taitz, so sánh mối quan hệ của bạn với những mối quan hệ bạn thấy trên mạng xã hội có thể tạo ra cảm giác cô đơn.

“Ví dụ, giả sử hôm nay là Ngày lễ tình nhân và bạn đã có một bữa tối vui vẻ. Nhưng sau đó bạn lên mạng xã hội và những người khác nhận được những món đồ trang sức hoặc hoa thật đẹp. Điều đó sẽ tự động khiến bạn cảm thấy cô đơn.", cô nói.

Cô cho rằng, khi so sánh mối quan hệ của mình với những mối quan hệ trên mạng xã hội, bạn sẽ tạo ra một “khoảng cách khó chịu” giữa bạn và người ấy. Chính vì khoảng cách này mà cảm giác cô đơn bắt đầu nảy sinh.

Và càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, bạn càng cảm thấy cô đơn. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ cho thấy những người cho biết, dành hơn 2h mỗi ngày trên mạng xã hội có nguy cơ cảm thấy cô đơn cao gấp đôi so với những người dành nửa giờ trên các trang web đó.

Nhưng đôi khi, cảm giác cô đơn có thể xuất hiện trước mối quan hệ thực sự. Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Nature cho thấy cô đơn có thể là một đặc điểm di truyền và có một số người có khuynh hướng cảm thấy nỗi cô đơn lớn hơn trong suốt cuộc đời của họ. Và Dardashti cảnh báo rằng, việc tham gia vào một mối quan hệ như một cách để chữa trị cảm giác cô đơn đã có từ trước sẽ không bao giờ thực sự hiệu quả. “Mọi người hy vọng người này sẽ là giải pháp cho sự đơn độc hiện hữu của họ trên thế giới, nhưng thông thường thì không phải vậy.” cô nói.

Làm thế nào biết nỗi cô đơn bắt nguồn từ bạn hay mối quan hệ của bạn?

Có thể khó xác định gốc rễ của sự cô độc của bạn. Joshua Rosenthal, nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Manhattan Psychology Group, cho biết, bước đầu tiên là nên nói chuyện với nửa kia của bạn về cảm giác của bạn. Nếu trong cuộc trò chuyện, đối tác của bạn có thể chỉ ra những ví dụ cụ thể về những cách họ thường xuyên cố gắng làm cho bạn cảm thấy thỏa mãn về mặt cảm xúc nhưng bạn vẫn không thể tránh khỏi cảm giác cô đơn thì "đó có thể là một cái gì đó bên trong hơn là đến từ một người khác”.

Nếu đúng như vậy, hãy xem xét kỹ hơn các mối quan hệ trong quá khứ của bạn, theo Rosenthal. Bạn có thường cảm thấy cô đơn ngay khi sự mới mẻ của một mối quan hệ mới mất đi không? “Có thể đó là cách bạn sẽ cảm thấy trong bất kỳ mối quan hệ nào sau giai đoạn đầu.”, Dardashti gợi ý.

Theo cả Rosenthal và Dardashti, nếu bạn nói chuyện với nửa kia của mình và họ cũng đang trải qua cảm giác cô đơn, rất có thể mối quan hệ chính là thủ phạm. Dardashti nói: “Rất có thể nếu bạn đang cảm thấy cô đơn thì người khác cũng đang cảm thấy cô đơn". Một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội thậm chí còn phát hiện ra rằng sự cô đơn có thể lây lan.

Nếu bạn và nửa kia của bạn đều cảm thấy cô đơn, Dardashti nói rằng điều quan trọng là phải xem xét những cảm giác này trong bối cảnh mối quan hệ của bạn.

Bạn có thấy rằng cảm giác cô đơn phổ biến hơn khi ở bên nhau không? Bạn có thấy bây giờ mình cô đơn hơn trước khi bước vào mối quan hệ này không? Bạn có thấy rằng đã có lúc bạn thỏa mãn hơn hiện tại không? Theo Dardashti, nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là có thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ của bạn.

Làm thế nào để vượt qua sự cô đơn trong một mối quan hệ?

Nếu sự cô đơn bắt nguồn từ mối quan hệ của bạn và bạn đang hy vọng trở lại đúng hướng thì đã đến lúc có một cuộc nói chuyện khác với nửa kia của mình. Brown nói: “Điều đầu tiên cần làm là tự nhận thức về những gì bạn đang cảm thấy, sau đó tiếp cận nửa kia của bạn và bắt đầu những gì có thể sẽ là một chuỗi các cuộc trò chuyện. Điều này cần diễn ra theo cách mà nửa kia của bạn không cảm thấy bị đánh giá; hơn thế nữa là chỉ cần cho họ biết trải nghiệm của bạn là gì”.

Vậy làm thế nào để bạn đảm bảo nửa kia của mình không cảm thấy bị đánh giá hoặc phòng thủ? Theo Brown, điều quan trọng là phải xuất phát từ nơi dễ bị tổn thương khi bạn giải thích cảm giác của mình cũng như sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ không mang tính buộc tội.

Sau đó, lắng nghe quan điểm của nửa kia của bạn. Nếu họ có cùng quan điểm về việc muốn hàn gắn mối quan hệ, bạn có thể có một loạt các cuộc trò chuyện nhằm tìm ra những gì có thể bị tổn hại trong mối quan hệ của bạn và cách khắc phục nó. Và nếu bạn cần thêm một chút trợ giúp về giao tiếp hoặc tìm ra giải pháp, Taitz khuyên bạn nên đến gặp chuyên gia trị liệu cho các cặp đôi và đừng đợi đến khi mọi thứ thực sự xấu đi mới làm.

“Nếu bạn cảm thấy bế tắc về một số vấn đề nhất định hoặc gặp khó khăn trong việc giao tiếp hiệu quả với đối tác và bạn coi trọng mối quan hệ của mình, có những liệu pháp cặp đôi có thể giúp bạn tăng cường sự gần gũi trong một số buổi nhất định bằng cách dạy bạn các kỹ năng.", Taitz nói. Những kỹ năng này có thể bao gồm giao tiếp theo cách xoa dịu thay vì làm căng thẳng leo thang và điều chỉnh cảm xúc của bạn trước khi nói chuyện với nửa kia.

Tuy nhiên, nếu nửa kia của bạn thực sự đang làm mọi thứ để khiến bạn cảm thấy thỏa mãn và sự cô đơn là thứ tồn tại trong chính bạn, bạn có thể là người có xu hướng tìm kiếm những cách bên ngoài để dập tắt sự cô đơn của mình, theo Dardashti. Cô khuyên bạn nên tự mình đối mặt với những cảm giác này bằng cách tìm kiếm sự trợ giúp từ một nhà trị liệu “nơi bạn được thúc đẩy để nhìn lại bản thân và suy ngẫm về mọi thứ và các vấn đề của bạn”.

Mặc dù điều đó có vẻ trái ngược, nhưng giải pháp cho sự cô đơn không nhất thiết là phải vây quanh bạn với mọi người. Dardashti gợi ý rằng nên tham gia vào các hoạt động như thiền định buộc bạn phải hướng nội.

Cô nói: “Điều quan trọng là nếu bạn muốn cảm thấy thoải mái hơn khi ở một mình thì bạn sẽ không tránh khỏi việc cô đơn. Đối mặt với nó và cố gắng xây dựng một số nhận thức về những gì nó xảy ra với bạn khi bạn ở một mình. Đó là lúc bạn có thể tìm ra những gì cần làm để giải quyết vấn đề đó”.

Theo Time